Ôtô thương hiệu Việt và giấc mơ của Vinaxuki

Đức Thọ
Không chỉ đặt mục tiêu chinh phục thị trường nội địa, Vinaxuki còn có tham vọng đưa ôtô thương hiệu Việt tiến ra thị trường quốc tế
Kỹ sư Bùi Ngọc Huyên giới thiệu về mẫu xe du lịch thương hiệu Việt chuẩn bị được Vinaxuki tung ra thị trường vào cuối năm 2010.
Kỹ sư Bùi Ngọc Huyên giới thiệu về mẫu xe du lịch thương hiệu Việt chuẩn bị được Vinaxuki tung ra thị trường vào cuối năm 2010.
Giấc mơ ôtô thương hiệu Việt mà vị kỹ sư già Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), ấp ủ từ lâu đang tiến gần đến hiện thực.

Theo kế hoạch, cuối năm nay nhà sản xuất ôtô 100% vốn trong nước này sẽ trình làng hai mẫu xe du lịch đầu tiên mang thương hiệu thuần Việt.

Hiện thực hóa giấc mơ

Trong buổi làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong tại Vinaxuki, ông Huyên đã thông báo sẽ kịp tung ra thị trường hai mẫu xe này nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cũng vì lẽ đó, hiện Vinaxuki đang vào cuộc chạy “nước rút” trước Đại lễ. Ngay cả cái tên của xe cũng đang được cân nhắc kỹ lưỡng, để làm sao thuần Việt nhất, hợp với Đại lễ nhất.

Ông Huyên nói, đây là hai mẫu xe du lịch được thiết kế, sản xuất ngay ở trong nước, bởi chính những kỹ sư, những người thợ Việt Nam thông qua sự trợ giúp về kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản. Do đó, hai mẫu xe này sẽ vừa có chất lượng cao, vừa có mức giá đặc biệt cạnh tranh, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người dân.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, việc Vinaxuki cho “ra lò” hai mẫu xe du lịch nói trên có thể coi là một dấu mốc quan trọng trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ ôtô Việt, vốn vẫn nhận được những nghi ngại lâu nay.

“Tôi nghĩ rằng người Việt chúng ta có đủ sức sáng tạo, đủ năng lực để làm ra những chiếc xe của mình. Điều quan trọng là mỗi chúng ta có đủ tâm huyết hay không, đồng thời chúng ta có nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về chính sách từ Nhà nước, sự trợ giúp về kinh nghiệm và công nghệ của các nước có nền công nghiệp ôtô tiên tiến hay không”, ông Huyên bày tỏ quan điểm.

Đầu tư bài bản

Cũng xuất phát từ tư tưởng đó, ngay từ khi thành lập Vinaxuki, ông Huyên đã xác định một hành trình đầu tư và phát triển khá bài bản, đặc biệt là ở các khâu đào tạo, thiết kế và sản xuất các chi tiết quan trọng của từng loại xe, từ đó thực hiện thành công lộ trình nội địa hóa đã được đặt ra.

Cụ thể, lộ trình nội địa hóa của Vinaxuki được chia thành 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn thứ nhất từ 2005 đến 2008 chủ yếu nội địa hoá toàn bộ thùng chở hàng và nghiên cứu công nghệ sản xuất khuôn dập cabin, khung gầm (chassis) xe tải và xe con;

Giai đoạn thứ hai từ 2008 đến 2012 sẽ tập trung chế tạo khuôn bằng dây chuyền 30 máy điều khiển chương trình số với sự chuyển giao công nghệ của Nhật Bản, chế tạo các loại khuôn dập, khuôn nhựa nhằm sản xuất các loại cabin xe con, xe tải, xe khách, chế tạo khuôn đúc vỏ động cơ, vỏ hộp số, vỏ cầu xe;…

Giai đoạn thứ ba từ 2012 đến 2016 sẽ đầu tư công nghệ luyện kim hiện đại để sản xuất các loại thép, gang, nhôm, hợp kim mà 90% nguyên liệu khai thác từ trong nước để chế tạo động cơ ôtô có công suất từ 40 đến 250 kW dùng cho xe tải, xe khách và xe con, chế tạo các thành phần nhíp, khung gầm, cabin, trục truyền động, cầu, hộp số…

Thực tế, lộ trình nội địa hóa của Vinaxuki đang được thực hiện khá thành công. Theo tính toán, kể từ khi thành lập vào năm 2004 đến nay, Vinaxuki đã cho xuất xưởng 38 mẫu xe tải, 2 mẫu xe bán tải, 2 mẫu xe du lịch và 2 mẫu xe khách với tỷ lệ nội địa hóa đạt 22 - 44%. Mục tiêu đến 2016 sẽ đạt tỷ lệ nội địa hoá 70 - 80% cho 15 mẫu xe tải và xe chở nguời.

Hiện, Vinaxuki cũng đang gấp rút xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm trung tâm đào tạo, trung tâm thiết kế và 3 nhà máy sản xuất ôtô đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hóa.

Tham vọng quốc tế

Trong khi câu chuyện phát triển ngành công nghiệp ôtô, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa vẫn đang nằm trên “bàn tính” của nhiều nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài thì Vinaxuki cứ âm thầm thực hiện. Thậm chí, ông Bùi Ngọc Huyên còn đặt tham vọng đưa ôtô thương hiệu Việt ra thị trường thế giới, trước mắt là tại một số thị trường khu vực ASEAN.

“Ngoài việc nội địa hoá để tiêu thụ trong nước, công ty chúng tôi đã được Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Liên bang Myanmar cho phép đầu tư sản xuất ôtô tại Myanmar với giai đoạn đầu là lắp ráp và giai đoạn 2 là nội địa hoá một phần bằng nguyên liệu cao su, kim loại của Myanmar.

Chúng tôi đánh giá rằng thị trường Myanmar rất có tiềm năng. Sau nhiều đợt đi nghiên cứu thực tế thị trường của Myanmar, làm việc với Bộ Kế hoạch Phát triển kinh tế, Bộ Công nghiệp 2 (quản lý các ngành công nghiệp nặng - PV), nghiên cứu các văn bản luật và dưới luật của nước này đồng thời nhận được sự động viên, khuyến khích của các bộ, ngành Việt Nam, chúng tôi rất tin tưởng sản phẩm của chúng tôi có thể thành công tại Myanmar.”, ông Huyên nói.

Ông cũng cho biết thêm, ngoài thị trường Myanmar thì hiện nay các đại lý Vinaxuki đã bán xe vào một số thị trường khu vực khác như Lào và Campuchia. Từ năm 2011, Vinaxuki cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động marketing tại các nước ASEAN để trong tương lai có thể xuất khẩu linh kiện, phụ tùng hoặc xe nguyên chiếc vào thị trường này và xa hơn nữa là một số thị trường khu vực châu Phi và Mỹ La tinh.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.