Quy chuẩn phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam: Điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ
“Ngành công nghiệp sạc xe điện” ở các thị trường lớn nhất thế giới
Trung Quốc đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu. Theo thống kê mới nhất của EqualOcean, tổng doanh số bán hàng toàn cầu của NEV vào năm 2021 là 6,51 triệu chiếc, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh số bán hàng tại Trung Quốc đạt 3,52 triệu chiếc, tăng trưởng 160% theo năm, chiếm 54% của thị trường toàn cầu. Doanh số NEV tại Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 5 triệu chiếc vào cuối năm 2022.
Thị trường NEV toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tổng doanh số dự kiến vượt 10 triệu xe và doanh số sẽ đạt 20 triệu vào năm 2025, với tỷ lệ thâm nhập khoảng 20%. Tỷ lệ thâm nhập NEV của Trung Quốc đạt 13,4% vào năm 2021 và doanh số bán hàng dự kiến sẽ vượt quá 6 triệu chiếc vào năm 2022, có nghĩa là tỷ lệ thâm nhập sẽ trên 20%. Tỷ lệ thâm nhập NEV của Trung Quốc là 26% vào tháng 6 năm 2022, vượt quá kỳ vọng trước đó. Sản lượng tiêu thụ ước tính sẽ tăng lên 12 triệu vào năm 2025, khiến tỷ lệ thâm nhập đạt trên 30%.
Hiện việc bố trí các trạm sạc ở Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Theo liên minh cơ sở hạ tầng sạc xe điện nước này, quy mô ngành công nghiệp sạc xe điện của Trung Quốc đã tăng vọt từ 7,2 tỷ nhân dân tệ (1,06 tỷ USD) vào năm 2017 lên 41,87 tỷ nhân dân tệ (6,16 tỷ USD) vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 42,2%.
Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, 1,3 triệu trạm sạc mới đã được mở ở Trung Quốc, gấp 3,8 lần so với năm trước. Tính đến tháng 6 năm 2022, Trung Quốc có tổng cộng 3,91 triệu trạm sạc, bao gồm 1,52 triệu trạm sạc công cộng và 2,39 triệu trạm sạc tư nhân.
Theo một công ty nghiên cứu của Trung Quốc, từ năm 2021 đến năm 2023, ngành công nghiệp sạc 800V của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 70%. Đến năm 2025, tổng số NEV được trang bị khả năng sạc 800V dự kiến sẽ đạt 1 triệu chiếc, mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 270,9% từ năm 2023 đến năm 2025.
Ngành công nghiệp sạc điện ở Trung Quốc bao gồm hai mô hình cơ bản: một do các công ty ô tô xây dựng các trạm sạc của riêng họ, chẳng hạn như BYD và XPeng, và mô hình còn lại do các công ty chuyên về các trạm sạc, chẳng hạn như StarCharge và TELD, trong đó, khu vực nông thôn được chú trọng hơn trong xây dựng. Theo cơ sở dữ liệu kinh doanh Tianyancha, hiện có tới hơn 249.000 công ty Trung Quốc tham gia vào ngành công nghiệp trạm sạc và chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, đã có 54.000 công ty mới tham gia vào ngành này.
Tuy nhiên, tốc độ xây dựng các trạm sạc lại giảm sút so với sự mở rộng ồ ạt và không ngừng của việc sản xuất và kinh doanh xe điện và pin ở Trung Quốc. Hiện có hơn 10 triệu phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV) trên các con đường của Trung Quốc (80% trong số đó là xe chạy hoàn toàn bằng điện), có nghĩa là tỷ lệ xe trên trạm hiện tại là khoảng 2,5: 1. Con số này vẫn còn xa so với mục tiêu về tỷ lệ tương đương 1: 1 được đề ra trong kế hoạch năm 2015 của chính phủ về cơ sở hạ tầng sạc xe điện từ 2015 đến 2020.
Các trạm thu phí chủ yếu phân bố ở miền Đông và miền Trung của đất nước tỷ dân này, số lượng trạm thu phí ít hơn ở miền Bắc và miền Tây và các vùng nông thôn. Hơn nữa, nhiều trạm sạc thu phí hiện tại phải đối mặt với vấn đề thường xuyên không hoạt động, với những khoảng thời gian nhu cầu cao điểm không liên tục ví dụ như trong các ngày lễ. Theo một bản tin địa phương, tỷ lệ sử dụng trung bình của các trạm sạc ở Trung Quốc chỉ khoảng 4%.
Trong đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè, trước tình trạng nguồn cung điện thiếu tin cậy, Chính phủ Trung Quốc đã phải đưa ra hạn chế đối với việc sạc xe điện để ưu tiên các nhu cầu điện hằng ngày quan trọng hơn.
Trong khi đó tại Mỹ, Tổng thống Biden mới đây đã công bố các tiêu chuẩn mới cho chương trình xây dựng mạng lưới quốc gia gồm 500.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030. Đề xuất này sẽ giúp thiết lập nền tảng để các bang trên toàn nước Mỹ xây dựng các dự án trạm thu phí mà tất cả các lái xe đều có thể tiếp cận được, bất kể vị trí, thương hiệu xe điện hay công ty thu phí.
Đầu năm nay, Nhà Trắng đã đưa ra kế hoạch phân bổ 5 tỷ USD cho các bang để tài trợ cho các bộ sạc EV trong 5 năm tới.
Điện khí hóa ngành giao thông vận tải, một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ, là rất quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chính quyền đã quảng cáo rằng xe điện có giá cả phải chăng hơn đối với người Mỹ so với ô tô chạy bằng khí đốt và đã đặt mục tiêu 50% doanh số bán xe điện vào năm 2030.
Nhà Trắng cũng đã đưa ra kế hoạch phân bổ 5 tỷ USD cho các bang để tài trợ cho các bộ sạc EV trong 5 năm tới. Kế hoạch này là một phần của luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, bao gồm 7,5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới các trạm sạc xe điện trên toàn quốc.
“Mọi người đều xứng đáng có cơ hội được hưởng lợi từ xe điện,” Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg cho biết với báo giới. “Chúng tôi không chỉ chú ý đến số lượng bộ sạc EV mà còn cả chất lượng của chúng. Mọi người sẽ có thể tìm thấy một trạm sạc hoạt động khi nào và ở đâu họ cần”.
Các quan chức Mỹ cho biết các tiêu chuẩn này sẽ đảm bảo một mạng lưới bộ sạc thống nhất với các hệ thống thanh toán, thông tin giá cả và tốc độ sạc tương tự. Quy tắc yêu cầu thông tin thời gian thực về giá cả và vị trí của trạm để người lái xe có thể lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến đi của họ. Và các trạm sẽ được yêu cầu có số lượng và loại bộ sạc tối thiểu.
Mỹ là thị trường lớn thứ ba trên thế giới về xe điện sau Trung Quốc và Châu Âu. Theo một nghiên cứu năm 2020, người lái xe ô tô EV chi tiêu ít hơn 60% mỗi năm cho chi phí nhiên liệu so với người lái xe ô tô chạy bằng khí đốt.
Bài toán trạm sạc xe điện ở Việt Nam
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), hiện nay nước ta đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) và có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%.
Tại thời điểm năm 2021, có 39 TCVN áp dụng cho xe điện nhưng số lượng các TCVN hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện và các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh hay những thay đổi lớn trong thời gian gần đây như các tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng về pin, về thời gian sạc, hay về các hệ thống điều khiển trong xe điện. Các TCVN cũng chưa có những nội dung cụ thể như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy của xe điện; yêu cầu về tái chế đối với ắc quy, pin sau một thời gian sử dụng; yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động;... Hệ thống QCVN chưa có quy chuẩn kỹ thuật và an toàn cụ thể nào về tiêu chuẩn của thiết bị và hệ thống trạm sạc cũng như các yêu cầu an toàn trong quá trình sạc.
Tại thị trường Việt Nam, hiện đã có nhiều hãng xe giới thiệu các mẫu xe điện mới. Tuy nhiên rất cả mới chỉ dừng ở mức “thăm dò”, hoặc có bán ra thì cũng có số lượng rất ít, chỉ có lắp đặt sạc theo xe tại nhà cho khách hàng. Các hãng đều chưa quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng trạm sạc phục vụ cho xe điện của mình tại Việt Nam.
Đầu tư mạnh tay mới chỉ có VinFast là đơn vị duy nhất đầu tư trong việc phát triển hạ tầng trạm sạc trên cả nước. Mục tiêu của VinFast là xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc trong toàn quốc để đảm bảo việc lưu thông của xe điện, tại các tỉnh phía Bắc dự kiến sẽ xây dựng khoảng 200 trạm với các trụ sạc được đầu tư có công suất 60kW, 150kW và 300kW. Thời gian dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2022.
Tuy nhiên, trong một hội thảo mới đây, đơn vị này cho biết trong quá trình xây dựng trạm sạc xe điện gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì Bộ Khoa học và công nghệ có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Bên cạnh đó là các vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện/mức độ cung cấp điện không đồng đều…
Mặc dù đã có những cố gắng nỗ lực của các bộ, ngành trong thời gian qua khi một số tiêu chuẩn quốc gia về xe điện đã được xây dựng và công bố, những các chuyên gia trong ngành cho rằng số lượng TCVN và QCVN đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa thực sự đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022, cả nước ta đã có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô, xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Trước tình hình hiện tại ở Việt Nam và từ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia trong ngành cho rằng nếu không hoàn thiện được hạ tầng trạm sạc với những quy chuẩn cụ thể thì việc phát triển xe điện tại Việt Nam sẽ khó phát triển vì người dân sẽ không thể mua xe điện khi thiếu trạm sạc. Dù có khuyến khích nhưng người dân vẫn sẽ “ngại” dùng xe điện cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ngành công nghiệp phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề quy chuẩn cho trạm sạc xe điện, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho biết tại một hội thảo mới đây rằng trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn/tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công thương. Theo luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi “chưa có quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng”. Toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện, hoàn toàn đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn. Nhưng vấn đề được giới chuyên gia đặt dấu hỏi là liệu các quy chuẩn theo tiêu chuẩn đó có phù hợp với Việt Nam hay không? hiệu quả đến đâu?
Trước sự bùng nổ của xe điện trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó thì một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng với hạ tầng trạm sạc cho Việt Nam là rất bức thiết trong giai đoạn đầu của lộ trình phát triển xe điện.
Ngoài ra, cũng cần tính tới việc đấu nối phù hợp với lưới điện quốc gia khi số lượng trạm sạc xe điện tăng, cần có các yêu cầu liên quan tới đấu nối trạm sạc, cụm trạm sạc, điểm đấu nối tối ưu của các trạm sạc nhanh và xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới phát triển hạ tầng trạm sạc, đấu nối và vận hành trạm sạc xe ô tô điện.
Thực tế, hệ thống cơ sở vật chất hiện nay liên quan đến hạ tầng trạm sạc của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của xe điện. Việt Nam đang thiếu các bãi đậu xe có lắp trạm sạc, trạm sạc bố trí trên các tuyến đường tỉnh lộ. Nhất là bổ sung trạm sạc cho các bãi đậu xe hiện tại. Chưa kể bài toán xây dựng mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác cần một quãng đường rất dài di chuyển. Nếu không có trạm sạc thì rõ ràng là người tiêu dùng khó có thể tìm mua và sử dụng xe điện.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật quy hoạch. Bộ đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là 1 kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc. Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.