Rộng đường cho xe điện

Ngay từ lúc này, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần sớm có những chính sách hỗ trợ để mở rộng đường cho loại hình xe điện phát triển...
VinFast VF e34
Mẫu xe ô tô thuần điện VinFast VF e34.

Xe điện không chỉ là xu hướng tiêu dùng mà còn được đánh giá sẽ là tương lai tất yếu của ngành ô tô toàn cầu. Năm 2020 vừa qua có thể xem là một bước ngoặt của xe điện khi lượng xe bán ra đạt khoảng 3,1 triệu chiếc trên toàn cầu, tăng trưởng đến 40% so với năm 2019.

XE ĐIỆN SẼ LÀ TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH Ô TÔ? 

Trong đó, châu Âu đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Theo thống kê, lượng ô tô điện (bao gồm cả xe thuần điện và xe plug-in hybrid) tiêu thụ tại châu Âu năm 2020 đạt 1,395 triệu chiếc, tăng trưởng 137% so với năm trước. Trung Quốc bị tụt xuống thứ hai khi đạt 1,337 triệu xe điện và plug-in hybrid bán ra thị trường, chỉ tăng 12%.

Điểm đáng chú ý là trong khi tổng sức mua ô tô toàn cầu nói chung năm 2020 giảm 14% thì riêng thị trường xe điện lại tăng trưởng đến 43%. Hiện tượng này cho thấy một xu thế tất yếu của loại hình xe điện. Theo hãng nghiên cứu Canalys, vào thời điểm năm 2028, số lượng xe điện bán ra toàn thế giới sẽ cán mốc 30 triệu chiếc.

Nhìn từ giác độ của người tiêu dùng, xe điện đem lại nhiều lợi ích trong sử dụng. Còn đứng trên góc độ quản lý vĩ mô, việc phát triển loại hình xe điện đang là một nhiệm vụ tất yếu đối với nhiều quốc gia trước sức ép môi trường và nguồn tài nguyên hoá thạch đang dần cạn kiệt.

Trên thực tế thì ngay từ thời điểm này, hàng loạt hãng xe lớn trên toàn cầu đã đưa ra lộ trình dừng sản xuất xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống để hoàn toàn sản xuất xe điện.

Rõ ràng, xe điện đang là một xu thế tất yếu và Việt Nam cũng đã sớm bước vào con đường phát triển tương lai của ngành công nghiệp ô tô với “đầu tàu” là VinFast.

Theo kế hoạch thì ngay trong năm nay, VinFast sẽ lần lượt cho ra mắt 3 mẫu xe điện VF e34, VF e35 và VF e36. Trong đó, mẫu xe nhỏ nhất là VF e34 đã được VinFast nhận đặt hàng từ cuối tháng 3/2021.

Mới đây, VinGroup (tập đoàn mẹ của VinFast) đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với loại hình ô tô điện. Thời gian ưu đãi dự kiến diễn ra trong vòng 5 năm nhằm thúc đẩy xe điện phát triển.

THÊM ƯU ĐÃI, THÊM ĐỘNG LỰC

Kết luận sau cuộc họp của Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan và VinGroup, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất của VinGroup và sớm báo cáo Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhất trí cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để hỗ trợ phát triển sản xuất ô tô điện tại Việt Nam theo Nghị quyết 23/2018 của Bộ Chính trị về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 và quyết định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến 2025, tầm nhìn 2035.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện. Các bộ, ngành liên quan cũng cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và có tiến độ thực hiện.

Đánh giá về đề xuất ưu đãi xe điện của VinGroup, nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc hỗ trợ phát triển xe điện là rất cần thiết. Thậm chí, việc hỗ trợ nhằm mở rộng đường cho xe điện phát triển không chỉ dừng ở ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ mà cần có cả một “tổ hợp chính sách” đủ mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc sử dụng các công cụ tài chính như ưu đãi, miễn - giảm thuế, tiếp cận nguồn lực tài chính, phát triển hạ tầng, hỗ trợ nghiên cứu phát triển... cần được sử dụng tối đa để tạo động lực phát triển xe điện mà VinGourp đang sắm vai trò dẫn đường.

“Ô tô điện không những là xu hướng của thế giới mà còn phù hợp với chiến lược đã được đề ra của Việt Nam, đó là phát triển dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, là chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Phát triển xe điện chính là tổng hòa của tất cả những yếu tố ấy. Bởi vậy, theo tôi, những chính sách trên nên thực hiện và cần có những thí điểm mạnh dạn hơn nữa để khuyến khích phát triển theo hướng này”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn chia sẻ quan điểm.

trạm sạc Porsche Taycan
Trạm sạc nhanh dành cho mẫu xe thể thao thuần điện Porsche Taycan tại TP.HCM.

Việc hỗ trợ phát triển cũng là rất cần thiết khi nhìn trên góc độ môi trường. GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, từng công bố con số có tới 70% lượng bụi mịn trong không khí đến từ xe máy, ôtô dùng động cơ đốt trong. Do đó, việc thay thế dần các loại xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống để chuyển sang xe điện sẽ giúp môi trường không khí sẽ sạch lên rất nhiều. Đồng thời, các vấn đề như hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm tiếng ồn… cũng sẽ được xe điện giải quyết thay vì tiếp tục phải “chịu đựng” bởi xe động cơ đốt trong.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô ở mức cao như Việt Nam, việc ưu đãi thuế và lệ phí cũng tương tự chính sách trợ giá mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng cho xe điện.

Xe điện vẫn đang là loại hình phương tiện giao thông mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu có những giải pháp hỗ trợ, xe điện thậm chí có thể bùng nổ tương tự như internet hay công nghệ 5G mà Việt Nam đang không thua kém các nước phát triển trên thế giới.

VinFast đang là hãng xe tiên phong trong lĩnh vực ô tô điện và trên thực tế, nhiều hãng xe khác cũng đang bắt đầu “dọn đường” để đưa ô tô điện vào Việt Nam. Porsche đã xây dựng các trạm sạc nhanh tại Hà Nội và TP.HCM để phục vụ mẫu xe Taycan, Mitsubishi hay Audi cũng đang tiến hành xây dựng các trạm sạc cho xe điện. Rõ ràng, xu thế xe điện đang ngày càng hiện thực và việc mở rộng đường cho xe điện phát triển là một nhu cầu quan trọng cần sớm được đáp ứng.

Tin mới

“Bệ đỡ” chính sách: Điều kiện cần để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt giai đoạn mới

“Bệ đỡ” chính sách: Điều kiện cần để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt giai đoạn mới

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về qui mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Qui mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước đã có khác nhiều so với trước đây. Trên thế giới và các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan ngành ô tô đang có những phát triển rất ấn tượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị và nguy cơ thị trường xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần ngay tại thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi nếu như không có những cơ chế chính sách phù hợp.
EU đã có đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc

EU đã có đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc

Pháp, Hy Lạp, Ý và Ba Lan sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu tuần này để ủng hộ mức thuế lên tới 45% đối với xe điện (EV) nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc, đủ để thúc đẩy các biện pháp thương mại cấp cao nhất của Liên minh châu Âu và có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.
Cơ quan công nghiệp ô tô Trung Quốc xin cứu trợ “khẩn cấp” từ chính phủ

Cơ quan công nghiệp ô tô Trung Quốc xin cứu trợ “khẩn cấp” từ chính phủ

Hiệp hội các đại lý ô tô Trung Quốc (CADA) vừa đưa ra cảnh báo với chính phủ về tình trạng thua lỗ ngày càng gia tăng của các đại lý Trung Quốc. CADA đã trình báo cáo khẩn cấp về khó khăn tài chính của các đại lý và rủi ro đóng cửa do cuộc chiến giá cả khốc liệt trong ngành ô tô Trung Quốc gây ra.