Tai nạn do “ổ gà”, đòi bồi thường không dễ

Lê Vũ
Người sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện giao thông cơ giới có nghĩa vụ đóng phí bảo trì đường bộ nhưng khi tai nạn xảy ra do đường xuống cấp, người dân chỉ có thể coi đó là điều không may. Vậy có cơ chế nào có thể giúp giải quyết quyền lợi cho người dân khi tai nạn xảy ra?

Đóng phí bảo trì đầy đủ, nhưng khi tai nạn thì... “tự chịu"

Phí bảo trì đường bộ (hay còn gọi là phí sử dụng đường bộ) được thực hiện từ 01/01/2013, áp dụng cho cả phương tiện ôtô, môtô và xe gắn máy. Tuy nhiên, đến năm 2016, quy định thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy bị bãi bỏ, còn lại xe ôtô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự.

Theo biểu phí hiện hành năm 2022, mức phí bảo trì đường bộ đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải là 1.560.000 đồng/năm. Nếu đóng trước 18 tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng, mức phí sẽ được giảm so với mức đóng hàng năm.

Mặc dù tên gọi là phí bảo trì đường bộ, nghĩa là người dân cùng Nhà nước tham gia đóng góp cho hoạt động bảo trì, nâng cấp đường bộ; nhưng khi tai nạn xảy ra, người dân lại không biết “kêu” ai.

Thời gian qua, nhiều vụ việc tai nạn đã xảy ra dọc tuyến đường Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Tiền Giang, hay mới đây là vụ tai nạn thương tâm tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đa số các vụ việc, người bị nạn là người điều khiển xe máy, khi vô tình sập bánh vào “ổ gà” thì ngã ra đường và sẽ rất nguy hiểm nếu có phương tiện cùng chiều đang lao tới.

Sập bánh
Sập bánh "ổ gà" ngã ra đường, ai chịu?

Trên thực tế, không ít vụ việc tai nạn tương tự, người lái phương tiện ôtô bị “vạ lây” vì chủ xe máy bất ngờ ngã ra đường. Lúc này, khi điều tra sự việc, cơ quan chức năng thường có xu hướng xem xét yếu tố lỗi của người lái xe ôtô như: chạy quá tốc độ, lấn làn… Trong khi đó, nguyên nhân ban đầu do “ổ gà”, đường xuống cấp lại thường bị bỏ qua. Điều này khiến các chủ phương tiện ôtô, đặc biệt là container, xe tải, xe khách chạy đường dài dọc tuyến Quốc lộ 1A luôn trong tình trạng căng thẳng, lo lắng.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), phân cấp trách nhiệm quản lý, bảo trì đường bộ đã được quy định rõ tại Điều 48 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Về nguyên tắc hệ thống đường giao thông của từng địa phương nói chung, đường cao tốc của từng địa phương nói riêng thuộc trách nhiệm quản lý, vận hành của UBND cấp tỉnh tại địa phương, cơ quan trực thuộc là Sở giao thông vận tải.

“Pháp luật đã quy định trách nhiệm quản lý, bảo trì cho các chủ thể cụ thể, do đó, trường hợp không sửa chữa, không khắc phục kịp thời, không thực hiện các biện pháp cảnh báo an toàn nếu để xảy ra hậu quả như hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tham gia giao thông... thì các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm chính và phải liên đới với nhau để bồi thường các thiệt hại phát sinh. Do đó, khi xác định có thiệt hại xảy ra, các cá nhân bị thiệt hại có thể làm hồ sơ khởi kiện gửi đến tòa án có thẩm quyền để được giải quyết và bồi thường đúng theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hùng cho biết.

Thậm chí, trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, các chủ thể này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, những người có trách nhiệm trong việc trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông tùy từng mức độ và trường hợp vi phạm sẽ phải chịu mức phạt theo từng điều khoản tại Điều luật này.

Như vậy, thẩm quyền quản lý, bảo trì đối với từng phần đường đã được pháp luật quy định cụ thể. “Để tiến hành được việc kiện đòi bồi thường, các cá nhân khi có thiệt hại cần xác định đúng thẩm quyền quản lý ở phần đường nhằm nhận được những chi phí bồi thường hợp lý cũng như có các biện pháp sớm để khắc phục đoạn đường, tuyến đường đó, giúp đảm bảo an toàn giao thông đường bộ”, Luật sư Hùng chia sẻ thêm.

Ở góc độ cá nhân Luật sư cho rằng có rất nhiều vụ việc xảy ra tai nạn cho vấn đề chất lượng đường giao thông không đảm bảo, hệ thống giao thông không được bảo trì đầy đủ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng chúng ta cũng chưa có tiền lệ về vụ việc tương tự. Người dân thường suy nghĩ do yếu tố chủ quan, lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông, còn đơn vị quản lý giao thông chỉ là đơn vị hành chính về xây dựng, quản lý đường, giữa các bên cũng không hề có thỏa thuận, ràng buộc trách nhiệm nào về chất lượng đường bộ.

Bên cạnh đó, việc chứng minh lỗi của đơn vị quản lý giao thông là hết sức khó khăn, nhất là vấn đề chỉ rõ được lỗi trực tiếp từ chất lượng đường là nguyên nhân chính gây ra tai nạn. Thông thường đều xác định do lái xe bất cẩn, không làm chủ được phương tiện, không làm chủ được tốc độ và không quan sát kĩ đường nên xảy ra tai nạn.

Vì thế, chưa nhiều vụ kiện như vậy trên thực tế để làm tiền lệ cho việc khởi kiện của người dân. Thiết nghĩ, nếu có những vụ kiện như thế, có quy định ràng buộc trách nhiệm với đơn vị xây dựng, quản lý, bảo trì giao thông cũng là một phương án để buộc các đơn vị này nâng cao chất lượng xây dựng đường và kịp thời sửa chữa đường. Như vậy cũng góp phần hạn chế tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.

Theo tính toán ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến đến năm 2028, quỹ bảo trì đường bộ thu được sẽ cơ bản đáp ứng được công tác duy tu, sữa chữa đường sá, giao thông mà không cần phải dùng đến Ngân sách nhà nước. Do đó, người dân sẽ không phải lưu thông trên những con đường xấu nữa. Điều này có thực hiện được hay không vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn.

Các nước đòi bồi thương như thế nào?

Tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, việc công dân khởi kiện yêu cầu các bên bồi thường thiệt hại trong các vụ việc dân sự, kinh tế, hành chính khá phổ biến. Thậm chí, với nhiều vụ việc, mức độ thiệt hại không đáng kể, đương sự vẫn có thể khởi kiện ra tòa án. Án phí sẽ do bên thua kiện chi trả.

Mặc dù vậy, việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do “ổ gà” gây nên cũng không hề dễ dàng.

Thực trạng
Thực trạng "ổ gà" khiến Chính phủ nhiều quốc gia phải đau đầu. Ảnh: Freeway Insurance.

Tại Mỹ, nếu người hoặc phương tiện bị thiệt hại do đường sá xuống cấp, chủ phương tiện có thể khiếu nại đòi bồi thường lên cơ quan quản lý đường giao thông. Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ duy tu, sửa chữa sẽ phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra “trong chừng mực hợp lý”.

Điều đó có nghĩa, cần phải chứng minh được rằng “ổ gà” đó đã xuất hiện trong một khoảng thời gian theo quy định, đã nhận được báo cáo hiện trạng của cán bộ chuyên môn hoặc phản ánh của người dân mà cơ quan chuyên trách không thực hiện tu sửa.

Nếu “ổ gà” vừa mới xuất hiện, hoặc chưa nhận được báo cáo, phản ánh đường xuống cấp, cơ quan nhà nước có thể sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện.

Tại Anh, số lượng “ổ gà” xuất hiện nhiều đến mức, cứ mỗi 19 giây lại có một “ổ gà” được vá lại, với chi phí trung bình 40 bảng Anh. Thời tiết lạnh, kèm theo ẩm ướt là tác nhân chính khiến “ổ gà” rất phổ biến tại quốc gia này. Do đó, Chính phủ Anh đã thiết lập hẳn một cơ chế giúp giải quyết quyền lợi cho các chủ xe gặp tai nạn do “ổ gà” gây nên.

Cụ thể, chủ phương tiện ôtô có thể lựa chọn đòi bồi thường thiệt hại với công ty bảo hiểm, hoặc với đơn vị bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, nhiều người không lựa chọn làm việc với công ty bảo hiểm, bởi điều này có thể ảnh khiến mức đóng bảo hiểm tăng lên vào năm sau.

Quy định
Quy định "ngặt nghèo" khi đòi bồi thường thiệt hại do "ổ gà" gây nên. Ảnh: Visordown

Theo tư vấn của Compare The Market Limited, để được bồi thường, chủ xe phải thực hiện các bước sau:

- Thu thập bằng chứng bằng cách quay, chụp lại hiện trường vụ tai nạn.

- Báo cáo vụ việc lên cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

- Nhận báo giá sửa chữa tại garage ôtô. Trong báo giá cần phải thể hiện rõ nguyên nhân tai nạn là do “ổ gà”.

- Gửi yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu của chủ phương tiện, hội đồng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết vụ việc và trả các kết quả: bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa; bồi thường một phần chi phí sửa chữa; hoặc từ chối yêu cầu bồi thường.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối bồi thường, chủ phương tiện có thể yêu cầu cung cấp thông tin về đoạn đường nơi có “ổ gà”, để xem đoạn đường đó có được kiểm tra, sửa chữa thường xuyên hay không để làm căn cứ yêu cầu bồi thường một lần nữa.

Ngoài ra, chủ phương tiện cũng có thể khiếu nại quyết định của cơ quan có thẩm quyền ra tòa án hành chính; nhưng việc làm này không được khuyến nghị và chủ phương tiện có thể sẽ phải chi trả án phí nếu thua kiện.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.