Tai nạn trên cao tốc, ai phải chịu trách nhiệm?
Ngày 18/2, tài xế Phan Đình Kiều (sinh năm 1969, trú tại xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lái xe Ford 7 chỗ biển kiểm soát 36A - 485.67 chở theo một gia đình gồm 4 người trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng Nam - Bắc. Khi đến km48+200, đoạn tiếp nối từ đường 4 làn sang đường 2 làn, tài xế Kiều tăng tốc, lấn sang làn khẩn cấp để vượt phải, tạt đầu xe đầu kéo mang biển kiểm soát 63C-136.59 kéo theo rơ moóc 63R-002.27 chạy cùng chiều. Pha vượt xe bất thành khiến chiếc Ford 7 chỗ va chạm với đầu xe đầu kéo, lật nghiêng và tiếp tục va chạm mạnh với một xe tải ở chiều ngược lại. Vụ tai nạn kinh hoàng khiến người vợ và hai con nhỏ thiệt mạng, tài xế Kiều và người chồng ngồi ở hàng ghế trước bị thương nhẹ, chiếc xe Ford 7 chỗ biến dạng hoàn toàn, xe tải và 2 xe container bị hư hại do va chạm liên hoàn.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, vượt xe là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được. Khi vượt phải, lái xe vẫn cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn như: phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều. Như vậy, hành vi vượt phải của tài xế Kiều thuộc lỗi vượt xe trong trường hợp cấm vượt.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến tranh luận, thắc mắc về trách nhiệm của các phương tiện khác, ví dụ chiếc xe đầu kéo biển số Tiền Giang đi cùng chiều, xe tải đi ở chiều ngược lại. Nhiều ý kiến nhận định lỗi hoàn toàn thuộc về tài xế Kiều, còn hai tài xế lái xe đầu kéo và xe tải gặp phải tình huống bất ngờ, bị “vạ lây” nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số ý kiến khác lại cho rằng, các phương tiện khác, đặc biệt là xe đầu kéo đi cùng chiều không tránh khỏi liên đới, trên thực tế “xe to đền xe nhỏ” vốn rất phổ biến.
Thậm chí, một số người liên tưởng vụ việc tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn với vụ Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào ngày 19/11/2016. Trong vụ việc ở Thái Nguyên, mặc dù tài xế Innova vi phạm giao thông, đi lùi trên cao tốc, nhưng người bị "vạ lây" là tài xế container Lê Ngọc Hoàng vẫn phải chịu mức án 4 năm 6 tháng tù.
Giải đáp những tranh luận, thắc mắc này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng sẽ xem xét các thông tin, chứng cứ liên quan để xác định tội danh của tài xế Kiều là người trực tiếp gây ra vụ tai nạn. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm của những người khác, bao gồm các tài xế liên quan trong vụ việc.
“Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ phương tiện và tốc độ ở “mức an toàn”. Quy định về “mức an toàn” này hoàn toàn khác với quy định chạy đúng tốc độ và đúng làn đường. Nghĩa là, cho dù anh chạy đúng luật, nhưng không đảm bảo an toàn thì vẫn vi phạm”, Luật sư Hùng nói.
Thực tế, khi tham gia giao thông, không ít người dù đi đúng làn, đúng tốc độ nhưng vẫn vướng vòng lao lý vì lỗi giao thông không đảm bảo an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng đó là chết người. Tuy nhiên, thế nào là an toàn thì pháp luật cũng chưa có quy định chi tiết, cụ thể. Trong quá trình tố tụng, vấn đề xác định có đảm bảo an toàn hay không lại không hoàn toàn xác định từ các yếu tố khoa học như kiểm tra, giám định mà sẽ do nhận định của cơ quan tố tụng. Do đó, với các yếu tố như không đảm bảo an toàn, có hành vi, có hậu quả thì vẫn đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Cũng theo Luật sư Hùng, vụ việc tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2 khác biệt so với vụ Innova đi lùi ở Thái Nguyên. Cụ thể, đối với vụ Innova đi lùi, tài xế container có thể quan sát xe Innova ở phía trước mặt, có thể chủ động phanh để tránh. Trong khi đó, vụ việc ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn lại được xác định có yếu tố bất khả kháng do xe 7 chỗ đi từ hướng bên phải, đi hẳn vào làn khẩn cấp và bất ngờ tạt đầu, bất chấp hậu quả. Trường hợp này, có thể tài xế container vẫn sẽ bị xác định lỗi một phần, nhưng khi đánh giá tính chất, mức độ có thể thông cảm và áp dụng mức phạt nhẹ hơn.
Theo kết quả ban đầu, cơ quan điều tra xác định, tốc độ tối đa tại đoạn đường 4 làn xe là 80 km/h, tại đường 2 làn xe là 60 km/h. Vụ tai nạn được xác định ngay tại điểm tiếp nối giữa 4 làn xe và 2 làn xe. Tại thời điểm tai nạn, xe đầu kéo biển số Tiền Giang có tốc độ 65 km/h, xe tải 64 km/h, riêng xe Ford 7 chỗ và một chiếc xe đầu kéo biển số TP.HCM không có dữ liệu giám sát hành trình.
Về nguyên tắc, khi chuyển từ đường 4 làn sang đường 2 làn sẽ tạo thành nút “thắt cổ chai” nên các phương tiện giao thông dù đang đi thẳng cũng cần quan sát gương chiếu hậu, giảm tốc độ để đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với container, xe tải do các phương tiện này có nhiều khu vực điểm mù.
Một số ý kiến khác cho rằng, tại các quốc gia phát triển, một số vi phạm trên đường cao tốc như đi ngược chiều, lấn làn, tạt đầu khiến phương tiện phía sau tông vào thì phương tiện phía sau không phạm lỗi, thậm chí phương tiện vi phạm phải đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi hậu quả xảy ra, các tài xế xe tải, container lại thường bị vạ lây và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, như vậy là thiếu công bằng và tạo tiền lệ “xe to đền xe nhỏ”.
Về vấn đề này, Luật sư Hùng cho rằng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Ô tô là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ và người sử dụng buộc phải đảm bảo an toàn cho bản thân, những người ngồi trên xe và những phương tiện cùng tham gia giao thông khác. Ngay cả đối với các quốc gia phát triển, dù biết có phương tiện lấn làn, đi ngược chiều hoặc dừng lại giữa đường nhưng nếu tài xế không giảm tốc độ, tránh xe, thậm chí cố tình chèn ép, tông vào thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Dẫu vậy, tại Việt Nam, do một số quy định còn chung chung, chưa thực sự rõ ràng tại Luật Giao thông đường bộ 2008 nên khi đưa vụ việc ra xét xử vẫn còn nhiều luồng quan điểm, nhận định khác nhau, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các bên khi đưa ra bản án.