Tesla: Các dấu mốc quan trọng và sự "bốc đồng" của CEO Elon Musk
Ra đời năm 2003, Tesla có tầm nhìn về tương lai của ngành công nghiệp ôtô: xe điện. Không chỉ thu hút chú ý lớn với hàng loạt mẫu xe điện xa xỉ, nhà máy pin điện khổng lồ, Tesla cũng khiến báo giới tốn không ít giấy mực với vị giám đốc điều hành "bốc đồng" Elon Musk.
Video: CNN.
Tesla được thành lập vào năm 2003 bởi Martin Eberhard (ảnh) và Marc Tarpenning, lần lượt là giám đốc điều hành (CEO) và giám đốc tài chính (CFO) của công ty. Eberhard và Tarpenning nảy ý tưởng Tesla sau khi General Motors "khai tử" chương trình ôtô điện EV1 của mình. Họ đặt tên công ty theo kỹ sư điện, nhà phát minh nổi tiếng Nikola Tesla.
Để thực hiện giấc mơ xe điện, Tesla cần có vốn. Đó là khi Elon Musk tham gia vào công ty. Cùng có đam mê xe điện, năm 2004, Elon Musk dẫn đầu vòng gọi vốn Series A của Tesla và đầu tư 6,36 triệu USD tiền riêng. Ông trở thành chủ tịch của Tesla.
Một năm sau đó, Tesla ký hợp đồng với hãng ôtô Anh Lotus Cars để sản xuất xe đua và xe thể thao. Lotus đứng sau thiết kế thân xe và khung gầm của chiếc xe đầu tiên của Tesla - Roadster.
Cùng năm, hai người đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page tham gia vòng gọi vốn Series B của Tesla. Musk vẫn là nhà đầu tư dẫn đầu trong vòng gọi vốn này. Musk sau đó công bố kế hoạch "bí mật" của mình dành cho Tesla: dùng số tiền huy động được để phát triển dòng ôtô vừa túi tiền và tạo ra thế hệ ôtô chạy điện không khí thải.
Cũng trong năm 2006, Tesla chứng kiến sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo. Eberhard (ảnh) từ chức CEO và chuyển sang làm cố vấn. Michael Marks, một nhà đầu tư của Tesla, trở thành CEO tạm thời, cho tới khi Ze'ev Drori - một tay đua, lên đảm nhiệm vị trí này vào tháng 11.
Elon Musk được tạp chí Inc. vinh danh là Doanh nhân của năm 2007.
Đầu năm 2008, Tesla chứng kiến sự mâu thuẫn của những người sáng lập. Kết quả là hai nhà đồng sáng lập Martin Eberhard và Marc Tarpenning rời công ty. Đây cũng là thời điểm chiếc mui trần Tesla đầu tiên được giao cho Elon Musk và dây chuyền sản xuất dòng xe này được bắt đầu.
Tháng 10/2008, Elon Musk trở thành CEO của Tesla và sa thải 25% nhân viên. Thời điểm này, Tesla chỉ có 9 triệu USD tiền mặt trong tay và đối mặt với nguy cơ không thể giao được xe Roadster cho các khách hàng đã đặt trả số tiền lên tới 109.000 USD. Tesla khi đó phải huy động 40 triệu USD bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tránh bị phá sản và đạt được các mục tiêu sản lượng.
Đầu năm 2009, Tesla ra mắt bản ý tưởng (concept) Model S - chiếc sedan xa xỉ với công suất 518 mã lực có giá từ 76.000 USD.
Không lâu sau đó, Daimler AG mua lại 10% cổ phần của Tesla với giá 50 triệu USD. Khoản đầu tư này đã cứu Tesla khỏi phá sản trong cuộc Đại suy thoái năm đó.
Cũng năm đó, cựu CEO Martin Eberhard cáo buộc Elon Musk "viết lại" lịch sử Tesla và kiện ông tội phỉ báng. Eberhard cho rằng, trong các cuộc phỏng vấn, Musk đã đổ lỗi cho mình một cách vô lý về các vấn đề tài chính và sản xuất của Tesla. Trong vụ kiện, Eberhard cho rằng Tesla đã phá hoại chiếc Tesla Roadster một cách có chủ đích trước khi giao cho ông. Tuy nhiên, sau đó, ông rút đơn kiện.
Năm 2009, Tesla cũng nhận được khoản vay 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ.
Năm 2010 đánh dấu bước tiến mới của Tesla khi trở thành hãng ôtô Mỹ đầu tiên niêm yết cổ phiếu kể từ sau Ford vào năm 1956. Cổ phiếu Tesla lên sàn Nasdaq với giá 17 USD/cổ phiếu, huy động được 226 triệu USD.
Toyota Motors đầu tư 50 triệu USD vào Tesla, lập nên một liên doanh để phát triển xe điện và phụ tùng ôtô. Cùng năm đó, Tesla chuyển sang một nhà máy tại Fremont, California và bắt đầu sản xuất ôtô điện Model S, sau này bổ sung thêm Model X và Model 3.
Sau khi ra mắt Model S, cổ phiếu Tesla lao dốc, đẩy công ty vào cuộc khủng hoảng sống còn, theo Ashlee Vance, người viết tiểu sử của Musk. Trong cuốn sách "Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future", Vance cho biết Elon Musk đã có một thỏa thuận bán Tesla cho Google với giá 6 tỷ USD. Tuy nhiên, thỏa thuận này được kéo dài tới tháng 5/2013 và Musk đã có thể hủy bỏ. Tháng 5 năm đó, Tesla báo lãi quý đầu tiên. Chỉ khoảng 1 tuần sau đó, công ty huy động được 1,02 tỷ USD để trả các khoản nợ cho Bộ Năng lượng Mỹ.
Năm 2014, Tesla phát hành trái phiếu huy động 2 tỷ USD để xây siêu nhà máy Gigafactory1 tại bang Nevada. Nhà máy này sản xuất pin cho xe Model 3 và các tấm năng lượng cho công ty năng lượng mặt trời.
Đầu năm 2015, Tesla ra mắt các tấm năng lượng mặt trời Powerwall và Powerpack, dùng cho gia đình.
Cũng năm đó, Tesla phát hành thêm 2,69 triệu cổ phiếu, huy động 738 triệu USD để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm một nhà máy pin và cơ sở sản xuất mới cho Model 3. Thời điểm này, Tesla cũng bắt đầu giao xe Model X, với giá từ khoảng 89.000 USD.
Cuối tháng 3/2016, Tesla ra mắt xe điện Model 3, phiên bản dành cho thị trường đại chúng. Công ty này tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để huy động 1,46 tỷ USD nhằm đẩy mạnh sản xuất Model 3 với mục tiêu 500.000 chiếc vào cuối năm 2018.
Cuối năm 2016, Tesla mua lại hãng năng lượng mặt trời SolarCity với giá 2,6 tỷ USD. Công ty này được thành lập bởi các anh em họ của Musk. Trước đó, Musk đã đầu tư vào SolarCity và là chủ tịch của công ty này.
Tháng 3/2017, Tesla công bố nhận được 1,8 tỷ USD đầu tư từ Tencent Holdings Ltd., đổi lấy 5% cổ phần. Khi đó, Tencent là "công ty giá trị nhất" tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 7, sau một thời gian ngắn trở thành công ty ôtô giá trị nhất thế giới, cổ phiếu Tesla lao dốc mạnh do loạt tin xấu và không đạt được mục tiêu sản lượng của Model X và Model S. Khi đó, vốn hóa của Tesla "bay hơi" hơn 12 tỷ USD, tương đương 5,6% vốn hóa.
Mọi thứ trở lại tươi sáng hơn với Tesla vào đầu năm 2018 khi vượt qua mục tiêu sản lượng 5.000 chiếc Model 3 một tuần vào tháng 7/2018. Model 3 vượt qua Nissan Leaf trở thành xe điện xa xỉ bán chạy nhất thế giới với doanh số 57.000 chiếc trong năm 2018.
Tuy vậy, sóng gió lại ập tới sau dòng đăng tải (tweet) trên Twitter của Musk, nói về việc đang cân nhắc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu và đã tìm được nguồn tiền. Động thái này đẩy cổ phiếu Tesla tăng hơn 10% trước khi tạm dừng giao dịch. Musk sau đó tuyên bố hủy kế hoạch này. Với dòng tweet đó, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện Musk vì đưa ra những phát ngôn "gây hiểu lầm" cho các nhà đầu tư. Cuối cùng, Musk đồng ý với thỏa thuận nộp phạt 20 triệu USD và từ chức chủ tịch Tesla. Ngoài ra, Tesla cũng bị phạt 20 triệu USD và phải cam kết giám sát việc sử dụng mạng xã hội của Musk.
Đầu năm 2019, Tesla gây chú ý khi tuyên bố sa thải 7% nhân lực, khiến cổ phiếu lao dốc gần 13%.
Ngày 26/2, SEC tiếp tục cáo buộc Musk vi phạm thỏa thuận vào năm ngoái với các dòng tweet mới. Trước đó một tuần, Musk viết: "Tesla không sản xuất được chiếc ôtô nào vào năm 2011, nhưng sẽ sản xuất khoảng 500.000 chiếc trong năm 2019". Không lâu sau đó, Musk đính chính rằng năm nay Tesla sẽ chỉ giao khoảng 400.000 xe. Việc SEC cho rằng Tesla đã vi phạm thỏa thuận khi không kiểm duyệt các hoạt động trên mạng xã hội của CEO.