Thị trường ôtô “vào số”

Hiền Mai
Nếu tại đa số các nền kinh tế mới nổi chỉ có sự xuất hiện của vài thương hiệu ôtô thì ở Việt Nam, con số đó lớn hơn rất nhiều
Dự báo thị trường ôtô trong nước sẽ còn tiếp tục nóng ít nhất là đến hết quý 4/2007 - Ảnh: Đức Thọ
Dự báo thị trường ôtô trong nước sẽ còn tiếp tục nóng ít nhất là đến hết quý 4/2007 - Ảnh: Đức Thọ
Nếu tại đa số các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ thường chỉ có sự xuất hiện của vài thương hiệu ôtô thì ở Việt Nam, con số đó lớn hơn rất nhiều trong khi quy mô thị trường còn đang rất nhỏ.

Hiện tượng này đã gợi mở một câu hỏi không dễ trả lời là Việt Nam có thực sự đang trở thành một “thỏi nam châm” của ôtô thế giới?

Xe “nội” đang gặp thời 

Nhìn lại lịch sử hơn 10 năm trước của ngành công nghiệp ôtô có thể nhận thấy được nhận định tươi sáng của các nhà sản xuất ôtô khổng lồ trên thế giới về tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Chính vì thế nên ngay sau khi Việt Nam thực hiện mở cửa, cải cách kinh tế, đầu những năm 1990 rất nhiều các hãng ôtô thế giới như Toyota, Ford, Mercedes-Benz, GM, BMW, Mazda, Kia, Isuzu, Honda… đã đăng ký thành lập liên doanh để lắp ráp và sản xuất ôtô.

Trong vòng 6-7 năm, hàng loạt các liên doanh sản xuất và lắp ráp ôtô đã được thành lập và trở thành thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) sau này.

Mặc dù trong suốt một thập kỷ hoạt động, các liên doanh thuộc VAMA đã không mấy thành công, trong đó có một số hãng tuyên bố lỗ song có một thực tế là thị trường ôtô Việt Nam vẫn còn đủ hấp dẫn để các hãng xe cố gắng giữ “miếng bánh” của mình.

Gần như 10 năm liên tục sản lượng bán hàng của các hãng xe trong nước không tăng đáng kể do một số chính sách (chủ yếu về thuế) nhằm hạn chế lượng xe lưu thông do điều kiện hạ tầng chưa kịp đáp ứng. Nhưng cũng gần như trọn vẹn 10 năm đó, các hãng xe này cũng đã được "bảo vệ" một cách tốt nhất từ việc không can thiệp vào giá đến một số chính sách về nhập khẩu… Điều này cũng đã giúp cho các hãng xe dù bán không được nhiều sản phẩm song vẫn có thể “ung dung” tiến lên.

Dấu mốc bùng nổ của thị trường ôtô chính là sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể từ đầu năm 2007, thị trường ôtô ngay lập tức “nóng” lên với hiện tượng khan hàng trên hầu hết các dòng, các mẫu xe kéo theo đó là hiện tượng cò mồi, tăng giá bán nhằm “móc túi” khách hàng.

Thậm chí hiện nay nhiều chuyên gia đã dự báo thị trường ôtô trong nước sẽ còn tiếp tục nóng ít nhất là đến hết quý 4/2007 và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong một thời kỳ dài. Vậy là, sau một thập niên thúc thủ, dường như thời kỳ tăng tốc phát triển đã đến với các nhà sản xuất ôtô trong nước.

Xe “ngoại” thêm nhiều tên tuổi mới 

Tất nhiên trong một quãng thời gian dài gặp khó khăn, một số hãng xe cũng phải ra đi do không chịu được “nhiệt” như Daihatsu hay BMW. Thế nhưng ngay sau đó BMW đã trở lại Việt Nam thông qua nhà phân phối Euro Auto và trước khi rời Việt Nam, đại diện Daihatsu cũng đã khẳng định sẽ trở lại Việt Nam trong thời điểm phù hợp.

Cùng với hàng nghìn chiếc xe nhập khẩu với đủ chủng loại và thương hiệu, trong đó có những cái tên lừng danh như Audi, Acura, Lexus, Infiniti, Ferrari… về nước thông qua các đơn vị và cá nhân riêng lẻ là số lượng lớn xe nhập khẩu thông qua các nhà phân phối chính thức.

Theo thông tin từ Euro Auto, lượng đơn đặt hàng xe BMW đã tăng rất cao sau khi nhà phân phối này chính thức tung sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh sự sôi động trên các dòng xe hạng nhỏ mang thương hiệu Kia do Trường Hải phân phối và Huyndai do Công ty Cổ phần Ôtô Huyndai đưa về, cái tên Porsche cũng đang góp phần tạo nên sức nóng trên thị trường xe nhập khẩu.

Dường như những cái tên Mercedes-Benz, Toyota, Honda, Ford, GM (Chevrolet, Daewoo), Isuzu, Mitsubishi, Suzuki, Fiat… thuộc VAMA hiện nay là chưa đủ, một số hãng xe khác vẫn tiếp tục gia nhập ngành công nghiệp ôtô và thị trường ôtô Việt Nam.

Trong đó đáng chú ý là sự kiện hãng xe rất được mong chờ Volkswagen (Đức) đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Vinashin-Shinec tại thành phố Hải Phòng, với số vốn 120 triệu USD hồi tháng 3/2007.

Theo thông tin ban đầu từ Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện cũng đang có 2 hãng xe xin đầu tư sản xuất xe tải và xe thương mại tại Hải Phòng và Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, theo nguồn tin của VnEconomy, tập đoàn Lotus đến từ Vương quốc Anh chuyên cung cấp các dòng xe thể thao cũng mong muốn gia nhập thị trường ôtô Việt Nam. Ngay trong tuần này, đại diện Lotus sẽ có một số cuộc gặp và làm việc với đại diện một số Bộ ngành để tìm hiểu và xúc tiến những bước đi đầu tiên.

Tin mới

Ngành ô tô đang khai thác sức mạnh của AI như thế nào?

Ngành ô tô đang khai thác sức mạnh của AI như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ thay đổi thế giới kinh doanh theo những cách sâu sắc và ngành công nghiệp ô tô cũng không ngoại lệ. Các công ty đang áp dụng AI để đạt được lợi thế cạnh tranh, cho dù là về hiệu quả hoạt động, xử lý lượng lớn dữ liệu để đưa ra quyết định, tiếp thị, cải thiện dịch vụ khách hàng, đổi mới sản phẩm và dịch vụ và kiểm soát chất lượng.
Quy định mới đối với vấn đề khí thải xe ô tô từ ngày 16/12/2025

Quy định mới đối với vấn đề khí thải xe ô tô từ ngày 16/12/2025

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Thông tư 06/2025 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải xe ô tô tham gia giao thông đường bộ. Nội dung quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông đường bộ, bao gồm Cacbon Monoxit (CO), Hydrocacbon (HC) trong khí thải xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và độ khói của khí thải xe ô tô lắp động cơ cháy do nén.
Vì sao Apple thất bại còn Xiaomi lại thành công với sản xuất ô tô?

Vì sao Apple thất bại còn Xiaomi lại thành công với sản xuất ô tô?

Lei Jun, người sáng lập và chủ tịch của Xiaomi Corp., công ty công nghệ duy nhất đến thời điểm hiện tại đã thành công trong việc đa dạng hóa sang sản xuất ô tô. Tuy nhiên, con đường tương tự đã từ chối Apple, gã khổng lồ ngành công nghệ của thế giới.
Thị trường “Detroit châu Á” vật lộn trước sự khủng hoảng của xe điện Trung Quốc

Thị trường “Detroit châu Á” vật lộn trước sự khủng hoảng của xe điện Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc đang lan sang thị trường lớn nhất của nước này tại châu Á là Thái Lan. Khi phải vật lộn để cạnh tranh với BYD, các kế hoạch sản xuất đầy tham vọng nội địa gặp rủi ro, các công ty nhỏ hơn tìm sang Thái Lan như giải pháp để tồn tại nhưng để lại hệ luỵ không nhỏ cho thị trường này.