Thở oxy tại nhà: không chỉ định ứng phó với ô nhiễm không khí
Những ngày ô nhiễm không khí ở mức "rất xấu", nhiều người tiêu dùng đã tìm tới các nhà thuốc hoặc cửa hàng bán vật tư y tế để tìm mua bình oxy được quảng cáo là "95% oxy tươi".

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên đáng báo động do tình trạng tập trung đông dân cư dẫn tới ô nhiễm, khói bụi từ các công trình xây dựng, mật độ phương tiện giao thông lớn cộng thêm khí thải từ than, củi hoặc do người dân ngoại thành đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí ở nội đô.... Bên cạnh đó nguồn ô nhiễm ngay trong mỗi gia đình như ô nhiễm do khói thuốc, do thói quen sinh hoạt, dùng loại bếp, thiết bị sưởi ấm ... vô tình đã trở thành nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.Trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài tại Hà Nội những ngày gần đây, lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khoẻ. Theo đó, người dân hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời; súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường, khu vực ô nhiễm…

Thở ôxy 100% kéo dài có thể gây xẹp phổi do ôxy đã thay thế hết ni tơ trong phế nang, ni tơ không được hấp thu vào máu nên có tác dụng giữ cho phổi không xẹp hết vào cuối thì thở ra. Nếu ôxy thay thế hoàn toàn cho ni tơ, ôxy sẽ nhanh chóng được hấp thu vào máu và phế nang sẽ xẹp xuống. Thở ôxy kéo dài gây mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, ù tai.
Thở ôxy làm giảm hoạt động các vi nhung mao đường hô hấp, giảm hoạt động bạch cầu, làm khô niêm mạc miệng, mũi họng, khí phế quản nếu không được làm ẩm tốt nên dễ gây viêm phổi, khô, tắc đờm và tạo cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Vi khuẩn cũng có thể lây lan theo hệ thống dây dẫn, bình chứa, bình làm ẩm sang người bệnh nhân. Ngoài ra, khu vực có chứa ôxy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không được đảm bảo an toàn.PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng nhấn mạnh việc thận trọng mua ôxy nguyên chất về thở tại nhà. Thở ôxy thường chỉ định ở những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do cơn hen phế quản cấp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Còn những người không bị suy hô hấp sẽ không có chỉ định dùng ôxy. Hơn nữa ôxy cũng không chỉ định cho người bị mệt hay ứng phó với không khí ô nhiễm ngoài trời. Sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối những chỉ định về liều lượng, thời gian thở.
