Top 5 nước xuất xe vào Việt Nam: Vì sao Indonesia?

An Nhi
Lần đầu tiên Indonesia xuất hiện trong nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu ôtô vào thị trường Việt Nam
Gần 20 năm đã trôi qua với nhiều ưu đãi đầu tư và chính sách thuế song 
đến nay, công nghiệp ôtô vẫn chỉ đang loay hoay ở mức lắp ráp đơn giản, 
sản lượng thấp, giá thành sản phẩm cao - Ảnh: Đức Thọ.<br>
Gần 20 năm đã trôi qua với nhiều ưu đãi đầu tư và chính sách thuế song đến nay, công nghiệp ôtô vẫn chỉ đang loay hoay ở mức lắp ráp đơn giản, sản lượng thấp, giá thành sản phẩm cao - Ảnh: Đức Thọ.<br>
Trong số các quốc gia xuất khẩu ôtô vào thị trường Việt Nam, lần đầu tiên Indonesia xuất hiện trong nhóm dẫn đầu về kim ngạch.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 10/2012 đã có 124 xe ôtô được nhập khẩu từ quốc gia vạn đảo này, đạt giá trị kim ngạch 1,137 triệu USD.

Xếp trên Indonesia vẫn là những cái tên quen thuộc. Cụ thể, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu với 788 chiếc trong tháng 10, đạt giá trị kim ngạch 9,435 triệu USD; ngay phía sau là quốc gia láng giềng Thái Lan với 293 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 5,610 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ ba với 129 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 3,477 triệu USD; đứng thứ tư chính là Indonesia và thứ năm là Mỹ với 120 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 3,715 triệu USD.

Như vậy, dù mới lần đầu tiên góp mặt trong top 5 song Indonesia không những chỉ vọt lên vị trí thứ tư, mà còn đánh bật Nhật Bản khỏi nhóm.

Thời gian qua, khi nhắc đến sức ép hội nhập, đến sự lấn sân của xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhiều ý kiến hay bài phân tích, đánh giá vẫn chỉ chủ yếu nhắm đến Thái Lan. Tất nhiên, với vị thế như một "Detroit" (thủ phủ của ngành công nghiệp ôtô Mỹ) tại Đông Nam Á, Thái Lan rõ ràng là một cường quốc công nghiệp ôtô trong khu vực.

Thế nhưng, đối với Việt Nam, dường như Indonesia còn ít được để ý hay nói đúng hơn, là chúng ta chưa nhận thức đủ tầm quan trọng mà sức ép từ quốc gia này có thể đem lại.

Năm 2009, câu chuyện về dòng xe chiến lược (6-9 chỗ ngồi và dung tích xi-lanh thực dưới 1,5 lít) đã rộ lên và từng được coi như mở ra một bước ngoặt mới cho định hướng phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam. Ngay tại kỳ triển lãm ôtô năm đó do Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tổ chức, Toyota đã đem đến trưng bày một chiếc xe “chiến lược”, chiếc Avanza 9 chỗ ngồi và có dung tích xi-lanh thực dưới 1.5 lít.

Dụng ý của liên doanh chiếm thị phần lớn nhất thị trường ôtô Việt Nam khi trưng bày chiếc xe này chính là muốn thể hiện họ hoàn toàn có thể đáp ứng tốt chiến lược “xe chiến lược” đã được đề xuất thời gian đó. Toyota càng tự tin hơn bởi họ đã (và bây giờ vẫn đang) rất thành công với mẫu xe đa dụng Innova, mẫu xe bán chạy nhất và cũng có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại thị trường ôtô Việt Nam cho đến tận lúc này. Mà xem ra, thực tế Avanza là một phiên bản thu nhỏ của Innova và đáng chú ý hơn, chiếc xe đó được tạm nhập tái xuất từ Indonesia.

Sau khi “xe chiến lược” đi vào ngõ cụt, quyết tâm tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng vấp phải khó khăn, Toyota đã chuyển hướng đầu tư.

Mới đây nhất, tập đoàn ôtô đến từ Nhật Bản đã quyết định đầu tư 2,7 tỷ USD để phát triển sản xuất ôtô tại Indonesia, một dự án đáng để bất kỳ quốc gia nào trong khu vực thèm muốn, thậm chí ngay cả Thái Lan. Vốn đầu tư cho dự án này tương đương với tổng số vốn mà Toyota đầu tư vào nước này suốt 40 năm trở lại đây.

Đã không ít lần, đại diện các hãng ôtô đều khẳng định Đông Nam Á là một thị trường lớn mà các hãng không thể bỏ qua, trong đó Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng, thậm chí là nhất bởi dân số đông trong khi tỷ lệ người dân sở hữu ôtô còn quá ít ỏi. Nhất là với viễn cảnh từ năm 2018, với việc hàng rào thuế quan gần như hoàn toàn gỡ bỏ, thì Đông Nam Á không khác nào một thị trường thống nhất.

Nhưng hầu hết các tập đoàn ôtô lớn, mà điển hình nhất là Ford và Toyota, đang ngày càng tăng cường đầu tư vào Thái Lan và Indonesia. Còn Việt Nam?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên mới đây, Phó chủ tịch Tập đoàn Ford Motors, ông Joe Hinrichs đã cho biết Ford “nhận ra tiềm năng lớn tại Việt Nam, một trong những thị trường quan trọng của khu vực Đông Nam Á. Nhưng việc đầu tư lâu dài cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ trong việc giữ ổn định các chính sách hỗ trợ đầu tư và thuế”.

Ông Joe Hinrichs cũng nêu lên một thực tế và qua đó gợi ý, “trong những năm qua, Thái Lan có sự thay đổi Chính phủ khá thường xuyên, song chính sách hỗ trợ đầu tư và những chính sách khác lại rất nhất quán, không thay đổi”. Nhìn rộng hơn, Indonesia cũng là một quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng như vậy.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.