Trung Quốc chính thức thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới

Mai Phương
Với mức tăng trưởng doanh số ôtô 46% trong năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới
Cuối năm 2008, đã có tới 51 triệu người Trung Quốc sở hữu ôtô, từ mức 1 triệu người vào năm 1977 - Ảnh: AP.
Cuối năm 2008, đã có tới 51 triệu người Trung Quốc sở hữu ôtô, từ mức 1 triệu người vào năm 1977 - Ảnh: AP.
Với mức tăng trưởng doanh số ôtô 46% trong năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới. Vị trí này đã thuộc về nước Mỹ suốt hơn 1 thế kỷ qua.

Theo số liệu do Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) công bố ngày 11/1, nước này tiêu thụ 13,6 triệu ôtô trong năm 2009. Trong khi đó, theo số liệu do hãng nghiên cứu Autodata công bố cách đây chưa lâu, doanh số thị trường xe Mỹ năm 2009 đã giảm 21%, còn 10,4 triệu chiếc, thấp nhất từ năm 1982 tới nay.

Từ năm 1999 tới nay, doanh số thị trường ôtô của Trung Quốc liên tục tăng nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức bình quân trên 9% mỗi năm giúp thúc đẩy tiêu dùng tại nền kinh tế đông nhân nhất thế giới. Theo giới phân tích, Trung Quốc có khả năng duy trì ngôi vị thị trường xe lớn nhất thế giới thậm chí cả khi tăng trưởng doanh số ôtô tại nước này chậm lại trong năm 2010 khi Chính phủ Trung Quốc giảm bớt chính sách ưu đãi thuế.

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã giảm một nửa thuế tiêu thụ cho người mua xe mới từ mức 10% xuống 5%, đồng thời hỗ trợ tổng số tiền 5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 732 triệu USD) cho người dân thay thế xe cũ. Nhờ đó, thị trường ôtô Trung Quốc tăng trưởng mạnh bất chấp suy thoái toàn cầu.

Ngày 10/12/2009 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm các biện pháp hỗ trợ thị trường ôtô, bao gồm việc tăng thuế đánh vào xe mới với động cơ từ 1,6 lít trở xuống lên mức 7,5%.

Cuối năm 2008, đã có tới 51 triệu người Trung Quốc sở hữu ôtô, từ mức 1 triệu người vào năm 1977. Thu nhập khả dụng danh nghĩa của các hộ gia đình Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian cũng tăng gấp 46 lần.

Các hãng sản xuất ôtô nước ngoài như General Motors (GM) và Volkswagen thời gian quan đã tranh thủ nhu cầu gia tăng mạnh tại Trung Quốc để bù đắp cho sự giảm sút nhu cầu tại các thị trường Mỹ và châu Âu.

Ngày 4/1, GM - hãng xe nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc - cho biết doanh số của hãng tại thị trường này năm ngoái đã tăng 67 % lên mức  kỷ lục 1,38 triệu xe.

Về phần mình, hãng Ford đang chi 490 triệu USD để xây nhà máy thứ ba tại Trung Quốc. Volkswagen dự định đầu tư 4 tỷ Euro (tương đương 5,7 tỷ USD) vào thị trường này trong thời gian từ nay tới năm 2011. Hãng Hyundai của Hàn Quốc cũng có ý định xây dựng xây nhà máy thứ ba tại Trung Quốc nhằm tăng sản lượng tại thị trường này thêm 50%, lên mức 900.000 xe, vào năm 2011.

Theo CAAM, tới cuối năm 2008, Trung Quốc có 117 nhà sản xuất ôtô, dẫn tới nguy cơ thừa công suất. Các nhà chức trách Trung Quốc đã khuyến cáo các hãng xe thận trọng, tránh tình trạng sản xuất ra nhiều xe hơn nhu cầu.

Vào năm 1908, Henry Ford, người sáng lập hãng xe Ford của Mỹ, đã giới thiệu T-Model, chiếc ôtô đầu tiên trên thế giới có mức giá phải chăng cho công chúng. Chiếc xe này được sản xuất tại nhà máy Piquette Plant tại Detroit, khiến thành phố này được xem là quê hương của ngành công nghiệp ôtô Mỹ và thế giới. “Đóng đô” tại Detroit, GM đã giữ vị trí hãng xe lớn nhất thế giới trong nhiều năm.

Tuy nhiên, sau đó, các hãng xe Mỹ đã đuối sức trước sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ châu Á. Năm 2008, Toyota đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ 77 năm ở “ngôi vương” trong ngành công nghiệp ôtô thế giới của GM. Tệ hơn, năm 2009, cả GM và Chrysler cùng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì tác động của suy thoái.

Không chỉ chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của thị trường ôtô Trung Quốc, lần suy thoái toàn cầu này còn chứng kiến sự mạnh lên của nước này ở nhiều phương diện khác.

Theo thống kê mới nhất, Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang trên đà vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

(Theo Bloomberg)

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.