Vẫn còn "lênh đênh", nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bất ngờ suy giảm

Đức Thọ
So với tháng liền kề trước đó, lượng ôtô CBU nhập khẩu về nước trong tháng 4/2018 giảm đến 32%
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê hằng tuần, phần lớn ôtô CBU nhập khẩu vẫn chỉ mang xuất xứ Thái Lan
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê hằng tuần, phần lớn ôtô CBU nhập khẩu vẫn chỉ mang xuất xứ Thái Lan

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính có khoảng 2.500 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước trong tháng 4/2018, đạt giá trị kim ngạch 80 triệu USD.

Nếu con số ước tính này sát với con số thực hiện được công bố vào cuối tháng 5, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc (CBU) tháng 4/2018 xem như đã có cú sụt giảm bất ngờ cả về lượng lẫn giá trị.

Cụ thể, so với tháng liền kề trước đó, lượng ôtô CBU nhập khẩu về nước trong tháng 4/2018 giảm đến 32% trong khi giá trị kim ngạch giảm nhẹ 6%.

Yếu tố bất ngờ của sự suy giảm kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU tháng 4/2018 nằm ở bối cảnh thị trường hiện nay. Sau khi "vượt rào" thành công với thủ tục Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ, các hãng xe đang tích cực đưa mặt hàng ôtô CBU có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia về nước.

Tuy nhiên, theo số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê hằng tuần, phần lớn ôtô CBU nhập khẩu vẫn chỉ mang xuất xứ Thái Lan. Mới nhất, tính trong tuần từ ngày 20/4 đến 26/4, trong số 556 xe nguyên chiếc được nhập khẩu về nước vẫn chưa có chiếc xe nào mang xuất xứ Indonesia.

Đáng chú ý là ôtô nhập khẩu từ Indonesia vốn dĩ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong những năm gần đây.

Lý do chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ của ôtô Indonesia là bởi thủ tục VTA do Chính phủ nước này cung cấp được chấp nhận sau Thái Lan. Bên cạnh đó, nếu như hầu hết các mẫu xe nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN đều có xuất xứ Thái Lan thì xe có xuất xứ Indonesia hầu như chỉ thuộc về Toyota với mẫu xe Fortuner và tới đây là Avanza và Wigo.

Thời gian này, ôtô CBU xuất xứ ASEAN cập cảng vẫn chỉ là những lô xe đầu tiên nhanh chân về nước sau khi các hãng xe giải quyết xong thủ tục VTA. Với mỗi lô xe có thể lên đến hàng nghìn chiếc như Honda từng thực hiện hồi tháng 3/2018, việc một vài lô xe chậm cập cảng hoàn toàn có thể khiến kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU nói chung bị sụt giảm mạnh.

Theo tính toán, mặt hàng ôtô CBU sẽ chỉ có thể về nước đều đặn hơn vào nửa sau của năm 2018. Khi đó, những biến động về kim ngạch mới thực sự đáng lưu tâm. Còn lúc này, chẳng hạn trong tháng 4/2018, sự suy giảm của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU đơn giản chỉ là bởi các lô xe vẫn đang "lênh đênh" trên đường về nước.

Vẫn còn lênh đênh, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bất ngờ suy giảm - Ảnh 1.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.