Xe điện có thể được giảm lệ phí trước bạ thêm 3 năm và tiềm năng thị trường Việt
Vừa qua, Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh Vinfast đã có kiến nghị gửi Chính phủ về việc tiếp tục miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện thêm 3 năm từ ngày 1/3/2025-28/2/2028 và giảm 50% cho 3 năm tiếp theo từ ngày 1/3/2028-28/2/2031. VinFast là hãng ô tô điện trong năm 2024 bán chạy nhất thị trường Việt Nam. Năm ngoái, hãng công bố bàn giao hơn 87.000 ô tô điện tại Việt Nam.
Báo cáo Thủ tướng về việc này, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 về lệ phí trước bạ.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, phương án này đảm bảo tính ổn định của chính sách và không tác động đến số thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương. Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức giảm thu ngân sách khoảng 627 tỷ đồng mỗi năm nếu theo đề xuất kéo dài thời gian ưu đãi của doanh nghiệp.
Với phương án 2, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại thông báo số 08/TB-VPCP ngày 8/1/2025 của Văn phòng Chính phủ nhằm khuyến khích hơn nữa đối với phương tiện giao thông xanh thì có thể nghiên cứu miễn 100% lệ phí trước bạ đối với 2 năm còn lại (từ ngày 1/3/2025 đến ngày 28/2/2027) thay vì giảm 50% như quy định tại Nghị định 10.
Trước 6 tháng khi kết thúc giai đoạn ưu đãi về lệ phí trước bạ trong vòng 5 năm sẽ tổng kết, đánh giá và đề xuất cho giai đoạn tiếp theo. Nếu thực hiện theo phương án này thì cần xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Hiện theo Điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với tô điện chạy pin như sau: Trong vòng 3 năm kể từ ngày Nghị định 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ 1.3.2022): nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo: nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Tại thị trường Việt Nam, trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước tương đối ổn định và có nhiều dấu hiệu khởi sắc khiến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng để phát triển ô tô nói chung và xe động cơ điện nói riêng. Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Còn theo tổ chức nghiên cứu thị trường 6Wresearch, quy mô thị trường xe điện Việt Nam được dự kiến sẽ đạt tỷ suất tăng trưởng hàng năm (CAGR) 22,9% trong giai đoạn 2020-2025.
Theo một nghiên cứu của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,48 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 5,67 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 18% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
Xe điện đang ngày càng phổ biến trên khắp cả nước nhờ các quy định của chính phủ nhằm loại bỏ dần các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Tất cả các biện pháp này dự kiến sẽ góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của thị trường xe điện Việt Nam.
Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ của Việt Nam ngày càng tăng cùng sự quan tâm của nhóm đối tượng này đối với các công nghệ tiên tiến, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và nhận thức về môi trường dự kiến cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu với xe điện.
Ngoài VinFast, đã có ít nhất 5 thương hiệu xe năng lượng mới của Trung Quốc đang vào Việt Nam, phủ khắp các phân khúc từ xe mini đến xe SUV, MPV. Đa phần các thương hiệu xe điện Trung Quốc sẽ hợp tác liên doanh với công ty tại Việt Nam để triển khai kế hoạch phân phối. Liên doanh SGMW (General Motors - SAIC Motor - Wuling Motors) hợp tác với TMT Motor; Haima với Carvivu; Chery liên doanh với Tập đoàn Geleximco; Omoda và Jaecoo của Chery đã công bố 20 đại lý năm 2024, nâng 30 đại lý vào năm 2025. BYD cho biết sẽ có 12 đại lý trong năm nay. Đáng chú ý là hầu hết các mẫu xe Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian gần đây đều thuộc phân khúc có giá trung bình hoặc cao cấp.
Tasco mới đây tiếp tục hâm nóng phân khúc này khi hợp tác với Zeekr, một thương hiệu xe điện cao cấp khác thuộc tập đoàn Geely, về Việt Nam. Trước đó, Tasco Auto đã phân phối độc quyền Lynk & Co (thông qua GreenLynk) và gần nhất là mua lại Volvo. Việc mở bán Zeekr nhằm giúp Tasco mở rộng dải sản phẩm, nâng cao thị phần của tập đoàn trong thị trường ôtô Việt, cạnh tranh với nhiều "ông lớn" khác như Thaco Auto hay TC Group. Trong đó, Zeekr 007 là mẫu sedan thuần điện có khả năng sạc 10-80% pin chỉ trong 10 phút. Nhờ công nghệ sạc siêu nhanh, mẫu sedan điện này cũng dự kiến có thể hoạt động trên quãng đường khoảng hơn 500 km chỉ với 15 phút sạc pin.
Cuối năm 2024, một thương hiệu xe điện khác của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ về Việt Nam là AION, thương hiệu con của tập đoàn GAC.
Hiện tại, trước đề xuất của Bộ Tài chính và tình hình thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của chính sách miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin (BEV) thời gian qua, từ đó đưa ra các kiến nghị chính sách phù hợp thời gian tới.
Ngoài ô tô chạy pin, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách miễn giảm khoản lệ phí này với các loại xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, xanh, thân thiện môi trường khác như xe hybrid tự sạc (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV) và xe điện dùng pin nhiên liệu thuần tuý (FCEV)… nhằm khuyến khích phát triển giao thông xanh.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương lưu ý vấn đề đưa các chính sách ưu đãi cho ô tô điện chạy pin có thể khiến hãng xe ngoại tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu, thâm nhập thị trường Việt Nam.
Trước tình hình phát triển của thị trường Việt, giới chuyên gia cho rằng việc có thêm cơ chế hỗ trợ cho xe điện phát triển là cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp và người dân quan tâm đến xe điện nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải cân đối ở góc độ đảm bảo sự cân bằng thị trường khi xe điện nhập khẩu sẽ tràn vào thị trường trong nước. Đây là yếu tố rất quan trọng vì xe nhập khẩu trong thời gian qua đang có xu hướng tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt.