Xe điện tự sạc: Hướng đi phù hợp của ngành ô tô Việt Nam?

Lê Vũ
Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần xe điện trong bối cảnh “nút thắt” về trạm sạc, nhiều hãng xe lớn như Toyota, Lexus, Nissan, Volvo đã áp dụng chính sách riêng cho thị trường Việt Nam. Trong đó, xe “lai” điện được nhiều hãng xe chọn lựa và ưu tiên nhập về Việt Nam, thay vì xe “thuần” điện...

Chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện là chiến lược chung, thể hiện sự đồng lòng của chính phủ các quốc gia trên thế giới, nhằm góp phần giảm phát thải khí các-bon, khí độc hại (HC, NOx, CO) và bụi mịn. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ còn kéo dài. Trước mắt nhiều hãng xe đang tìm kiếm những lựa chọn tối ưu tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Nút thắt” về trạm sạc

Hiện các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Na Uy, Trung Quốc… đang chi hàng tỷ USD cho việc xây dựng và mở rộng hệ thống trạm sạc trên toàn quốc. Trong khi đó, tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, hạ tầng trạm sạc vẫn đang là “bài toán khó” đối với Chính phủ.

Hiện chỉ có Vinfast là hãng xe đầu tiên và duy nhất xây dựng được một hệ thống trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước với số lượng lên tới 150.000 cổng sạc (kế hoạch năm 2022). Tuy nhiên, các trạm sạc này chỉ phục vụ cho các sản phẩm ôtô điện của Vinfast.

Nếu hãng xe nào cũng phải đầu tư hệ thống trạm sạc riêng như vậy sẽ rất lãng phí tài nguyên và không hiệu quả về kinh tế. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã khuyến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô nhiên liệu sạch. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở hạ tầng (trạm sạc điện) trên phạm vi toàn quốc để hòa nhập với xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực. Những trạm sạc này cần có quy chuẩn rõ ràng và tương thích tốt với các loại xe điện thông dụng.

Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2030 sẽ phát triển hạ tầng sạc điện để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Xe điện tự sạc: Hướng đi phù hợp của ngành ô tô Việt Nam? - Ảnh 1

Lợi thế lớn của xe “lai” điện

Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần xe điện trong bối cảnh “nút thắt” về trạm sạc, nhiều hãng xe lớn như Toyota, Lexus, Nissan, Volvo đã áp dụng chính sách riêng cho thị trường Việt Nam. Trong đó, xe “lai” điện được nhiều hãng xe chọn lựa và ưu tiên nhập về Việt Nam, thay vì xe “thuần” điện.

Xe “lai” điện được hiểu đơn giản là những dòng xe sử dụng cả động cơ điện lẫn động cơ đốt trong, bao gồm hai loại chính là xe Hybrid và xe Plug-in Hybrid. Trong đó:

Xe Hybrid (HEV) là loại xe ôtô sử dụng kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong. Khi di chuyển chậm, động cơ điện sẽ hoạt động. Khi tăng tốc, động cơ điện chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho động cơ đốt trong. Đồng thời, động cơ điện có khả năng tự tái tạo (tự sạc) và đóng một vai trò nhất định trong việc giảm thiểu tác động của nhiên liệu xăng, dầu tới môi trường.

Xe Plug-in Hybrid (PHEV) cũng tương tự xe Hybrid. Tuy nhiên, PHEV có thêm cổng sạc ngoài cho pin năng lượng. Do nguồn điện được cung cấp lớn hơn và chủ động hơn, nên xe điện PHEV có khả năng di chuyển đoạn đường xa hơn, tiết kiệm được khoảng 30-60% nhiên liệu xăng/dầu diesel (theo số liệu của POWER & BEYOND).

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội), trong thời kỳ đầu phát triển xe điện tại các nước phát triển, xe Hybrid cũng được coi là xe điện. Sau đó, khi công nghệ ôtô phát triển dần, cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông cho xe điện thì các nước mới dịch chuyển dần sang xe “thuần” điện. “Do không cần đến hạ tầng trạm sạc, không làm thay đổi thói quen sử dụng của người dùng nên tại thời điểm này, tôi vẫn cho rằng xe Hybrid khá phù hợp đối với thị trường Việt Nam và sẽ là một “bước đệm”cần thiết để chúng ta chuyển dần thành xe điện trong tương lai”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết thêm.

Xe điện tự sạc: Hướng đi phù hợp của ngành ô tô Việt Nam? - Ảnh 2

Công nghệ “độc quyền” e-POWER

Trong khi Hybrid được cho là bước đệm cho quá trình chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện, Nissan, hãng xe tiên phong về xe điện trên thế giới còn có thêm một giải pháp khác, đó là công nghệ e-POWER.

Công nghệ này hiện đang được trang bị trên mẫu xe Kicks, X-Trail và Note tại một số thị trường Châu Á. Giữa năm nay, các đại lý của Nissan tại Việt Nam đồng loạt nhận đặt cọc mẫu xe Kicks e-POWER. Tại Thái Lan, mẫu xe này có tuỳ chọn động cơ xăng 1.2, 3 xi-lanh kết hợp mô tơ điện. Công suất tối đa 127 mã lực và mômen xoắn 260 Nm.

Theo đại diện Nissan, tại các quốc gia ASEAN, cơ sở hạ tầng sẽ là một thách thức đối xe thuần điện, bởi vậy công nghệ e-POWER sẽ là một lựa chọn phù hợp nhất.

e-POWER là công nghệ độc quyền dành riêng cho Nissan. Khách hàng có thể tận hưởng trải nghiệm lái xe điện độc đáo và thú vị mà không cần thay đổi thói quen. e-POWER mang đến trải nghiệm lái tương tự như một chiếc ôtô điện, cung cấp mô-men xoắn tức thì nhưng không cần cắm điện”, ông Nirmal Nair, Phó chủ tịch Nissan, phụ trách các thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ với AutoNews mới đây.

Công nghệ e-POWER là hệ thống truyền động hoàn toàn bằng động cơ điện, các bánh xe được dẫn động 100% thông qua mô-tơ điện công suất cao. Tuy nhiên, thay vì sạc lại pin bằng cách cắm điện, pin của e-POWER sẽ được sạc trực tiếp bằng động cơ đốt trong trên xe.

Công nghệ e-POWER có các thành phần tương tự với công nghệ Hybrid khi đều có cả pin, mô-tơ điện và động cơ đốt trong. Tuy nhiên, e-POWER đem lại sự vận hành giống hệt xe điện bởi truyền động hoàn toàn bằng mô-tơ điện công suất cao. Trong khi đó, các xe Hybird thông thường thì mô-tơ điện có công suất nhỏ hơn, pin có dung lượng thấp hơn và thường chỉ đóng vai trò bổ trợ. Phần lớn thời gian còn lại, xe vẫn được dẫn động bằng động cơ đốt trong.

Còn theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc: “Xe sử dụng công nghệ e-POWER về bản chất là một biến thể của xe Hybrid dạng mắc nối tiếp. Tuy nhiên, trong công nghệ này, Nissan đã tối ưu động cơ đốt trong nhỏ gọn lại và tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể. Khi sử dụng công nghệ này, người dùng sẽ có cảm giác giống như lái xe ôtô điện, nhưng lại không cần cắm sạc. Điều này khá phù hợp với điều kiện tại Việt Nam hiện nay khi mà các trạm sạc chưa được phát triển nhiều”.

Ngoài ra, khác với xe Hybrid, động cơ e-POWER sẽ dùng pin Lithium-Ion, cho phép giảm tối đa trọng lượng và kích thước của viên pin trong khi vẫn dự trữ được một lượng điện lớn. Loại pin này cũng sạc nhanh, an toàn, hiệu suất cao, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, với việc mẫu Nissan Kicks e-POWER đang chuẩn bị đến tay người dùng sẽ là cơ hội trải nghiệm thực tế để giới chuyên gia và người tiêu dùng Việt đánh giá những hiệu quả mà công nghệ này đem lại. Việc phát triển các dòng xe Hybrid cũng như công nghệ e-POWER sẽ góp phần vào việc giảm phát thải và giải quyết thực trạng hạ tầng trạm sạc cho xe điện còn thiếu tại Việt Nam.

Tin mới

“Bệ đỡ” chính sách: Điều kiện cần để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt giai đoạn mới

“Bệ đỡ” chính sách: Điều kiện cần để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt giai đoạn mới

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về qui mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Qui mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước đã có khác nhiều so với trước đây. Trên thế giới và các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan ngành ô tô đang có những phát triển rất ấn tượng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị và nguy cơ thị trường xe sản xuất trong nước bị giảm thị phần ngay tại thị trường trong nước là điều khó tránh khỏi nếu như không có những cơ chế chính sách phù hợp.
EU đã có đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc

EU đã có đủ sự ủng hộ để áp thuế xe điện Trung Quốc

Pháp, Hy Lạp, Ý và Ba Lan sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu tuần này để ủng hộ mức thuế lên tới 45% đối với xe điện (EV) nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc, đủ để thúc đẩy các biện pháp thương mại cấp cao nhất của Liên minh châu Âu và có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.
Cơ quan công nghiệp ô tô Trung Quốc xin cứu trợ “khẩn cấp” từ chính phủ

Cơ quan công nghiệp ô tô Trung Quốc xin cứu trợ “khẩn cấp” từ chính phủ

Hiệp hội các đại lý ô tô Trung Quốc (CADA) vừa đưa ra cảnh báo với chính phủ về tình trạng thua lỗ ngày càng gia tăng của các đại lý Trung Quốc. CADA đã trình báo cáo khẩn cấp về khó khăn tài chính của các đại lý và rủi ro đóng cửa do cuộc chiến giá cả khốc liệt trong ngành ô tô Trung Quốc gây ra.