Ba lý do khiến dầu giảm giá mạnh
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá cả hai loại dầu Brent và WTI đồng loạt tuột khỏi mốc 100 USD/thùng. Đâu là nguyên nhân khiến giá “vàng đen” tụt giảm kể từ khi lập đỉnh của 8 năm vào tháng trước?...
Trong tháng 3 vừa qua, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt ngưỡng 139 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York có thời điểm vượt 130 USD/thùng. Đây là ngưỡng giá cao nhất của hai loại dầu kể từ năm 2008.
Nhưng trong phiên giao dịch ngày 11/4, giá dầu Brent chốt ở mức 98,48 USD/thùng và giá dầu WTI đóng cửa ở mức 94,29 USD/thùng. Từ đỉnh giá thiết lập trong tháng 3, giá dầu Brent hiện đã giảm 29% và giá dầu WTI giảm hơn 27%.
Theo các nhà phân tích, có 3 nguyên nhân chính khiến giá dầu sâu.
Thứ nhất, Covid-19 đang bùng mạnh ở Trung Quốc và chiến lược “zero-Covid” (không Covid) buộc nhiều địa phương của nước này phải phong toả. Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng phong tỏa, đặt ra khả năng nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu chững lại, vì phong toả đồng nghĩa với hàng triệu người sẽ không lái xe hoặc đi máy bay tại Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Thứ hai, nguy cơ suy thoái đang tăng lên tại các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
Trong tháng 2, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,1%, do các hoạt động xây dựng và sản xuất đồng loạt sụt giảm – theo Văn phòng Thống kê Quốc gia nước này (ONS). Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích và ít nhiều gây lo ngại, bởi lẽ việc quay trở lại với cuộc sống bình thường sau làn sóng Covid do biến chủng Omicron đã được kỳ vọng sẽ mang lại cho kinh tế Anh một “cú huých” lớn. Giờ đây, chiến tranh Nga-Ukraine và sự leo thang của chi phí sinh hoạt đang đẩy kinh tế Anh đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược với mong đợi.
Tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát leo thang có thể là một sự kết hợp “độc hại”, đặt các ngân hàng trung ương trước thách thức về khả năng kiểm soát giá cả. Nếu các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá cao hoặc quá nhanh để kéo lạm phát xuống, nền kinh tế rất có khả năng sẽ rơi vào suy thoái.
Gần đây, đã có một số nhà dự báo cho rằng kinh tế Mỹ có thể suy thoái nếu Fed thắt chặt mạnh tay. Một báo cáo ngày 5/4 của ngân hàng Đức Deutsche Bank cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ khiến kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái từ cuối năm 2023. “Fed sẽ không tạo ra được một cuộc ‘hạ cánh mềm’. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt hơn sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, báo cáo của Deutsche Bank có đoạn viết.
Và nguyên nhân thứ ba khiến giá dầu lao dốc là việc các nước phương Tây cam kết xả 240 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược ra thị trường trong những tháng tới. Đây là đợt xả dự trữ dầu lớn chưa từng thấy trên thế giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết xả 1 ngày 1 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng kể từ tháng 5. Các quốc gia thành viên khác trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cam kết xả thêm 60 triệu thùng dầu nữa.
IEA nói rằng Nga có thể buộc phải cắt giảm sản lượng dầu 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4 này vì không tìm được khách mua dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga.
“Việc xả dự trữ dầu chiến lượng sẽ giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường trong mấy tháng tới đây, giảm bớt sự cần thiết giá dầu phải tăng thêm để dẫn tới sự sụt giảm của nhu cầu trong ngắn hạn”, một báo cáo ngày 11/4 của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS nhận định. “Sự thắt chặt nguồn cung do dầu Nga khó tìm khách mua – liên quan đến các biện pháp trừng phạt hoặc lý do uy tín – sẽ được nới bớt”.
Dù vậy, cũng có một số chuyên gia cho rằng việc xả dự trữ chỉ là giải pháp tạm thời, vì OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số quốc gia ngoài khối gồm Nga, đến nay vẫn nhất định từ chối tăng mạnh sản lượng khai thác dầu. Lý do mà OPEC+ đưa ra là thị trường không thiếu dầu đến mức họ phải nâng sản lượng mạnh hơn mức tăng 400.000 thùng/tháng hiện nay. OPEC+ vẫn còn chưa hết “ám ảnh” bởi sự lao dốc lịch sử của giá dầu trong những ngày đầu khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
UBS đã hạ dự báo giá dầu trong ngắn hạn 10 USD/thùng, nhưng vẫn cho rằng đến tháng 6, giá dầu Brent sẽ hồi về ngưỡng 115 USD/thùng. Nói cách khác, giá dầu vẫn sẽ cao, trừ phi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh.