08:29 01/04/2022

Giá dầu lao dốc vì Mỹ ồ ạt xả dự trữ, chuyên gia cảnh báo “chiến lược nguy hiểm”

An Huy

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) trong vòng 6 tháng tới. Giới chuyên gia cho rằng đây không phải là một nguồn cung bền vững và Mỹ sẽ phải gom dầu trở lại để làm đầy kho...

Một nhà máy lọc dầu ở bang Washington, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.
Một nhà máy lọc dầu ở bang Washington, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (31/3) khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) trong vòng 6 tháng tới. Đợt xả ồ ạt này là một nỗ lực quan trọng của Mỹ nhằm kiểm soát đà tăng mạnh của giá dầu thô và khí đốt.

Phản ứng với động thái trên, giá dầu đã có một phiên sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ xả dự trữ mạnh như vậy là một “chiến lược nguy hiểm”.

ĐỢT XẢ DỰ TRỮ KỶ LỤC CỦA MỸ

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 4,88%, còn 107,91 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 6,99%, còn 100,28 USD/thùng.

“Quy mô của đợt xả dự trữ này là chưa từng có tiền lệ. Thế giới chưa bao giờ có một đợt xả dự trữ dầu nào lên tới 1 triệu thùng mỗi ngày mà lại duy trì trong khoảng thời gian dài đến như vậy. Đợt xả kỷ lục này sẽ tạo ra một khối lượng cung dầu lịch sử nhằm bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường cho tới tận cuối năm nay, khi sản lượng khai thác dầu trong nước tăng tốc”, tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn viết.

“Quy mô của động thái can thiệp này là rất lớn”, một báo cáo của ClearView Energy Partners nhận định. Công ty này ghi nhận đây là đợt xả dự trữ dầu chiến lược lớn chưa từng thấy của Mỹ. Đợt xả lớn thứ hai trong lịch sử là khi Mỹ rút 50 triệu thùng dầu từ SDR để cung ra thị trường vào tháng 11 năm ngoái.

Giá xăng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đã tăng lên mức cao kỷ lục do Nga tấn công Ukraine dẫn tới mối lo về sự gián đoạn nguồn cung. Lạm phát vì thế tăng mạnh ở Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới. Các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà Mỹ và đồng minh phương Tây áp lên Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đã và đang làm gián đoạn dòng chảy dầu thô từ Nga ra thị trường toàn cầu. Giới đầu tư và phân tích cho rằng nếu căng thẳng không xuống thang, sự gián đoạn nguồn cung này sẽ càng gia tăng theo thời gian.

GIỚI PHÂN TÍCH NÓI GÌ?

Trong một báo cáo ngày 31/3, ngân hàng Goldman Sachs nói rằng việc Mỹ xả dự trữ sẽ giúp cho thị trường dầu hướng tới cân bằng lại trong năm 2022, nhưng sẽ không đủ để giải quyết sự thâm hụt mang tính cơ cấu.

“Việc xả dự trữ này sẽ làm giảm mức độ hao hụt nhu cầu do giá cao, trong khi sụt giảm nhu cầu do giá cao đang là cơ chế cân bằng duy nhất trong bối cảnh thế giới đang thiếu vắng một ‘nệm đỡ’ là lượng dầu tồn kho dồi dào và sự linh hoạt của nguồn cung”, báo cáo viết.

“Đây sẽ chỉ là một đợt xả dự trữ dầu, không phải là một nguồn cung bền vững trong những năm sắp tới. Việc xả dự trữ như vậy sẽ không giải quyết được sự thiếu hụt nguồn cung mang tính cơ cấu đã hình thành trong nhiều năm qua”.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Các chuyên gia của Goldman Sachs nói thêm rằng khi giá dầu “hạ nhiệt”, nhu cầu tiêu thụ sẽ không giảm nữa và hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ khó tăng mạnh. Điều đó sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 và có khả năng Mỹ lại phải gom dầu để làm đầy dự trữ chiến lược.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày thứ Sáu để thảo luận về vấn đề thiếu hụt nguồn cung dầu – Bộ trưởng Bộ Năng lượng Australia Angus Taylor công bố ngày 31/3.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã họp vào ngày 31/3, quyết định gần như giữ nguyên tốc độ tăng sản lượng. Theo đó, sản lượng khai thác dầu của cả nhóm sẽ tăng thêm 432.000 thùng mỗi ngày trong tháng 5.

“Các yếu tố nền tảng và sự đồng thuận chung về triển vọng thị trường dầu đều phản ánh một thị trường đang có sự cân bằng. Biến động gần đây không xuất phát từ các yếu tố nền tảng, mà do các diễn biến địa chính trị”, OPEC nói trong một tuyên bố sau cuộc họp, giải thích cho việc vì sao nhóm không nâng sản lượng mạnh hơn.

Chuyên gia Ed Bell của Emirates NBD cho rằng cho dù Mỹ xả dự trữ dầu mạnh chưa từng thấy, khó có chuyện giá dầu bước vào một đợt giảm sâu.

“Thị trường vẫn đang dồn sự chú ý vào triển vọng nguồn cung dầu trong thời gian tới, sự hao hụt sản lượng dầu từ Nga, mức tăng sản lượng dè dặt của OPEC+, và phản ứng mờ nhạt với giá dầu tăng cao của các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ”, ông Bell nói với CNBC.

“Trong dài hạn, tôi cho rằng việc Mỹ xả dự trữ dầu chiến lược mạnh như vậy là một chiến lược khá rủi ro. Đến mùa hè, mức tiêu thụ dầu ở Mỹ sẽ rất mạnh. Lượng dầu dự trữ của Mỹ sẽ xuống thấp vào đúng lúc cần có dự trữ để phòng trường hợp có biến động bất lợi về nguồn cung”.

Vị chuyên gia nói thêm rằng thị trường dầu lửa sẽ còn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung mang tính cơ cấu trong thời gian dài. Bởi thế, việc rút dự trữ của Mỹ thậm chí có thể “củng cố kịch bản giá lên cho dầu” trong 12-24 tháng tới.