14:57 06/04/2022

Tính trừng phạt xuất khẩu than của Nga, châu Âu vẫn “chùn tay” với dầu thô và khí đốt?

An Huy

Gói trừng phạt vừa đề xuất sẽ đánh dấu đòn đánh đầu tiên của châu Âu vào năng lượng Nga...

Một mỏ than ở Nga - Ảnh: Bloomberg.
Một mỏ than ở Nga - Ảnh: Bloomberg.

Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch nhằm tiến tới chấm dứt nhập khẩu than từ Nga. Tuy nhiên, các nước trong khối này vẫn chần chừ với việc áp lệnh trừng phạt lên dầu thô và khí đốt Nga.

Ngày 5/4, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất cắt giảm dần tiến tới chấm dứt nhập khẩu than từ Nga từ mức 4 tỷ Euro, tương đương 4,3 tỷ USD, mỗi năm hiện nay. Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ năm mà châu Âu đưa ra đối với Nga nhằm đáp trả cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Các đề xuất khác trong gói trừng phạt này nhằm vào xuất khẩu công nghệ và các sản phẩm chế tạo của Nga trị giá khoảng 10 tỷ Euro, tương đương 10,9 tỷ USD.

Từ khi Nga tấn công Ukraine vào hôm 24/2, EU đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga, nhưng chưa nhằm vào ngành năng lượng của nước này. Gói trừng phạt vừa đề xuất sẽ đánh dấu đòn đánh đầu tiên của châu Âu vào năng lượng Nga. Chi tiết cụ thể của kế hoạch, bao gồm lộ trình cấm than Nga, dự kiến sẽ được công bố trong ngày 6/4, tại một cuộc họp của các đại sứ EU. Kế hoạch này vẫn cần có sự phê chuẩn của tất cả 27 quốc gia thành viên trong khối.

Việc trừng phạt than Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một số nước châu Âu, nhưng than là một trong những nguồn năng lượng mà châu Âu dễ “cai” nhất, cũng giống như những gì mà phần đông thế giới đang làm.

Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

GIÁ THAN TĂNG MẠNH, NHƯNG CHÂU ÂU CÓ THỂ CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC

Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới năm 2020, chỉ sau Australia và Indonesia – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Châu Âu đến nay vẫn là khách hàng mua than lớn nhất của Nga. Năm ngoái, các nước trong EU nhập khẩu tổng cộng 57 triệu tấn than Nga, so với 31 triệu tấn than mà Nga xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu than từ Nga đáp ứng hơn một nửa nhu cầu tiêu thụ than của khu vực trong năm 2020.

Nhưng từ trước khi tính đến việc cấm nhập than Nga, châu Âu đã đang trong quá trình dịch chuyển khỏi than – nhiên liệu hoá thạch có mức độ gây ô nhiễm cao nhất thế giới. Sản lượng điện được phát bằng than của châu Âu đã giảm liên tục trong những năm gần đây, với mức giảm 29% trong thời gian từ 2017 đến 2019 – theo công ty nghiên cứu năng lượng Ember.

Năm 2021, lượng tiêu thụ than của EU có lúc tăng do giá khí đốt lên cao kỷ lục, nhưng IEA dự báo rằng nhu cầu than của EU sẽ quay trở lại với xu hướng giảm liên tục. Từ trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, tổng nhập khẩu than của châu Âu đến năm 2024 đã được dự báo giảm 6%.

Khi châu Âu giảm nhập khẩu than, các quốc gia khác có thể nhảy vào mua than Nga. IEA dự báo nhập khẩu than của Ấn Độ sẽ tăng 4% trong năm 2024 và của Đông Nam Á sẽ tăng hơn 6%. Nga cũng đã hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng nhập khẩu than từ Nga, sau khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu than từ Australia.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung than, cho dù châu Âu cắt giảm nhập khẩu than từ Nga theo lộ trình, cũng có thể gây ra thách thức lớn đối với các quốc gia trong khu vực vẫn còn sử dụng than để phát điện, trong đó có Ba Lan và Đức. Nguồn cung suy giảm kết hợp với nhu cầu tăng ở Trung Quốc đã đẩy giá than toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 10/2021, trước khi “hạ nhiệt” trở lại – theo một báo cáo của IEA.

Giá than cao có thể duy trì lâu hơn một khi EU cấm nhập than từ Nga. Giá than giao sau tại Rotterdam – giá tiêu chuẩn của thị trường than châu Âu – đóng cửa ở mức 257 USD/tấn trong phien ngày thứ Hai tuần này, nhưng đã tăng lên vùng 300 USD/tấn trong phiên ngày thứ Ba, theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services.

Nhà phân tích Matthew Jones thuộc ICIS nói với CNN Business rằng lệnh cấm than Nga của châu Âu sẽ “khiến cho tình hình nguồn cung than vốn đã thắt chặt ở châu Âu càng thắt chặt hơn, dẫn tới việc các quốc gia trong khu vực phải loay hoay tìm kiếm những nguồn cung than thay thế”.

“Giá than giao tháng kế tiếp ở Rotterdam trên sàn ICE đã tăng 15%, và giá than giao năm kế tiếp đã tăng 13% sau khi có tin về lệnh cấm than Nga của châu Âu”, ông Jones nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Henning Gloystein – Giám đốc phụ trách vấn đề năng lượng, khí hậu và tài nguyên thuộc Eurasia Group – cho rằng các nước châu Âu có thể chịu được cú sốc này. Eurasia ngày 5/4 nhận định rằng nếu mua than từ Australia, EU có thể bù đắp được sự đứt đoạn nguồn cung than từ Nga.

“Lệnh trừng phạt nhằm vào than Nga sẽ khiến nhiều nhà máy điện ở châu Âu gặp khó khăn, nhưng họ có thể vượt qua được”, ông Gloystein nhận định.

TRỪNG PHẠT KHÍ ĐỐT NGA, ĐIỀU KHIẾN CHÂU ÂU “DÈ CHỪNG”

Dầu thô và khí đốt – hai mặt hàng năng lượng quan trọng mà Nga cung cấp cho châu Âu – vẫn vắng bóng trong gói trừng phạt mà EU vừa đề xuất. Nga là nguồn cung đáp ứng 26% nhu cầu dầu thô và 46% nhu cầu khí đốt của EU trong năm 2020, theo Eurostat.

Dù vậy, châu Âu đã tính đến chuyện cấm dầu Nga. Trong một tuyên bố ngày 5/4, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói rằng EU đang “thảo luận các trừng phạt bổ sung, bao gồm nhằm vào dầu Nga”.

Trong một nỗ lực nhằm bù đắp nguồn cung cho thị trường, Mỹ đã quyết định xả 180 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược của nước này trong vòng 3 tháng. Các nước thành viên khác của IEA cũng nhất trí phối hợp với Mỹ xả dự trữ dầu trong một cuộc họp khẩn vào tuần trước, nhưng chưa chốt được khối lượng xả là bao nhiêu.

Khí đốt Nga là mục tiêu có thể khiến châu Âu phải “dè chừng” hơn cả, vì sự khác biệt quan điểm giữa các nước thành viên với mức độ phụ thuộc khác nhau vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Những nước có sự phụ thuộc lớn không muốn mất đi nguồn cung quan trọng này, trong khi những nước phụ thuộc ít muốn hành động mạnh tay để nhằm vào “trái tim” của nền kinh tế Nga.

Trong chiến lược nhằm “dứt tình” với năng lượng Nga, EU đã cam kết từ nay đến cuối năm giảm 66% tiêu thụ khí đốt Nga, và chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào năng lượng Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, đây được đánh giá là một mục tiêu không dễ gì thực hiện.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte viết trên mạng xã hội Twitter rằng “từ giờ trở đi, Lithuania sẽ không tiêu thụ một cm3 khí đốt Nga nào nữa”. Nhưng thuyết phục những nước như Đức và Hungary hành động tương tự sẽ rất khó.

Theo nhận định của ông Gloystein, sự chần chừ của châu Âu trong việc trừng phạt dầu thô và khí đốt Nga không chỉ xuất phát từ việc khối này lo sợ “tự bắn vào chân mình”.

“Châu Âu muốn có thể tiếp tục gia tăng sự trừng phạt tuỳ theo diễn biến ở Ukraine. Nếu họ tối đa hoá ngay trừng phạt, thì nếu Nga tiếp tục đẩy cuộc chiến leo thang, họ sẽ đáp trả như thế nào?”

Ngoài ra, ông Gloystein cũng cho rằng châu Âu tính đến phản ứng của Nga nếu ngành dầu khí của nước này bị EU trừng phạt.

“Có những mối lo thực sự rằng hành động như vậy sẽ dẫn tới những động thái leo thang căng thẳng mạnh mẽ từ Nga. Moscow có thể sẽ buộc phải đưa ra những hành động chóng vánh và quyết liệt vì ngân sách cho cuộc chiến của họ sẽ chẳng mấy chốc mà cạn kiệt”, vị chuyên gia nói.