10:24 26/02/2007

Bài toán bản quyền phần mềm

Thanh Hà

Bước vào 2007 và các năm tới, bản quyền phần mềm sẽ là một trong những nỗi lo lớn mà Việt Nam phải đối mặt

Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 6 triệu PC phải mua bản quyền phần mềm theo cam kết khi gia nhập WTO - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 6 triệu PC phải mua bản quyền phần mềm theo cam kết khi gia nhập WTO - Ảnh: Việt Tuấn.
Sau một năm được đánh giá là thành công với ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam trên bước đường hội nhập, Việt Nam sẽ phải quay lại với thực tế, với hàng loạt vấn đề đặt ra trong phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Đặc biệt, bước vào 2007 và các năm tới, bản quyền phần mềm sẽ là một trong những nỗi lo lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

3 tỷ USD tiền bản quyền?

Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện Microsoft bắt đầu “gặt hái” tiền ở Việt Nam được bình chọn là một trong 10 sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông 2006 do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam bình chọn.

Việc “gặt hái” tiền của Microsoft sau bao năm ngồi nhìn sản phẩm của mình bị dùng “chùa” là tín hiệu tốt nhưng cũng cảnh báo về những khoản kinh phí lớn mà người sử dụng máy tính Việt Nam sẽ phải trả cho bản quyền phần mềm trong năm 2007 và những năm tới.

Cũng ngay trước đó, những cảnh báo mạnh mẽ đã được đưa ra từ nhiều chuyên gia trong ngành, trong đó nhấn mạnh tới con số ước tính ấn tượng mà Việt Nam sẽ phải trả cho bản quyền phần mềm trong 5 năm tới.

Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành, nếu Việt Nam quyết định giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền theo cách mua hết bản quyền hệ điều hành và phần mềm văn phòng của nhà sản xuất thì Việt Nam sẽ tốn một khoản chi phí khổng lồ.

Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng vài triệu máy PC đang sử dụng và ước tính Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu PC mới trong năm 2005. Như vậy, nếu tính mức độ tăng trưởng thị trường là 25%/năm thì trong vòng 5 năm tới (kể từ khi gia nhập WTO), Việt Nam sẽ có khoảng 6 triệu PC phải mua bản quyền phần mềm (theo cam kết khi gia nhập WTO).

Điều đó có nghĩa là, nếu Việt Nam dùng phần mềm thương mại cho văn phòng ví dụ như Windows và Office thì sẽ phải trả bản quyền phần mềm cho 6 triệu PC x 500 USD = 3 tỷ USD. Còn nếu mua bản quyền cho các cơ quan Nhà nước với con số ước tính khoảng 2 triệu công chức và viên chức thì có thể phải trả tới khoảng 1 tỷ USD.

Tuy việc mua bản quyền phần mềm chưa diễn ra rộng rãi, nhưng ngay trong thời điểm cuối năm 2006, cũng đã có hàng loạt các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước, được đánh giá là tiên phong trong việc ký thỏa thuận để mua bản quyền phần mềm của Tập đoàn Microsoft.

Điển hình là Bộ Tài chính đã thỏa thuận mua 15.000 bản quyền phần mềm văn phòng Office. Một doanh nghiệp là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận sở hữu trong vòng 3 năm 4.000 giấy phép sử dụng cho Microsoft Office 2003, đồng thời cũng sẽ được sử dụng sản phẩm này tại nhà.

Cũng có thể nhìn nhận rằng, việc mua bản quyền phần mềm là một tín hiệu tốt, cho thấy Việt Nam đã bắt đầu tôn trọng các luật chơi của WTO cũng như luật chơi của thời kỳ hội nhập. Việc Bộ Tài chính - một trong những bộ quan trọng nhất của Việt Nam tiên phong mua bản quyền phần mềm cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực thi bản quyền phần mềm và khắc phục tình trạng Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới.

Việc thực thi bản quyền nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng là chuyện đương nhiên phải làm nhưng những lo ngại về khoản tiền phải trả cho bản quyền phần mềm cũng là điều mà Việt Nam đáng phải xem xét. Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam cho rằng: Việt Nam bắt buộc phải tôn trọng cam kết và tuân thủ Hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) trong đó có bản quyền phần mềm máy tính nhưng không có nghĩa là “mua nhanh, mua hết và xóa hết”. Điều cần thiết là phải cân nhắc lộ trình, phương thức và biện pháp hội nhập theo cam kết.

Cũng theo kiến nghị của ông Long, “Nhà nước phải đi đầu, gương mẫu thực hiện với lộ trình phù hợp bằng cách nghiên cứu lộ trình, lựa chọn đa công nghệ, tránh đấu thầu độc quyền và cử đầu mối đàm phán, tránh mỗi bộ, ngành tự đàm phán riêng. Trong lộ trình đó, cũng có thể kêu gọi đối tác cạnh tranh cùng tham gia từ nhà sản xuất đến cung cấp về lộ trình và những cam kết giảm tỷ lệ. Đề nghị Chính phủ có biện pháp mạnh với các cơ quan, đơn vị dùng ngân sách Nhà nước để mua riêng lẻ với số lượng lớn đồng thời ngăn chặn quyết liệt việc sử dụng tùy tiện, bừa bãi theo thói quen các phần mềm thương mại”.

Khuyến khích phần mềm nguồn m

Cũng tại Hội thảo quốc gia về phần mềm nguồn mở tổ chức cuối năm 2006 tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam đã kêu gọi việc thúc đẩy nâng cao nhận thức và ý thức tiết kiệm cho đất nước trong tiến trình hội nhập bằng cách ứng dụng và phát triển các sản phẩm trong nước làm ra, khuyến khích sử dụng miễn phí các phần mềm có tính năng tương đương như OpenOffice, phần mềm nguồn mở, tăng cường ứng dụng chuẩn mở theo xu hướng công nghệ mới của Web 2.0 như Google, Yahoo, Sun, Oracle đang làm.

Bên cạnh đó, Hội tin học cũng kết hợp xây dựng mô hình cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam với mục tiêu: “Người Việt còn nghèo, hãy dùng phần mềm nội để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước”. Nhanh chóng xây dựng đề án 1 triệu phiên bản ứng dụng nguồn mở cho văn phòng và Internet cùng với tài liệu hướng dẫn đến tận tay người sử dụng.

Ngoài ra, Hội cũng đề xuất xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng phần mềm nguồn mở cộng đồng và xây dựng các mô hình đào tạo phổ cập, kể cả cấp chứng chỉ cho chuẩn mở và ứng dụng phần mềm nguồn mở cho toàn xã hội.