11:17 28/11/2009

Bấm nút rồi, chưa thôi trăn trở…

Nguyên Hà

Đại biểu Quốc hội chia sẻ tâm tư với VnEconomy trước giờ bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa 12

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai muốn Quốc hội "khó tính" hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai muốn Quốc hội "khó tính" hơn.
Muốn Quốc hội khó tính không có nghĩa là muốn “làm khó” Chính phủ. Biểu quyết bằng bấm nút điện tử đã khiến cử tri khó giám sát hoạt động của đại biểu. Việc thực hiện “lời hứa” của một số vị bộ trưởng chưa thực đầy đủ…

Đại biểu Quốc hội chia sẻ tâm tư với VnEconomy trước giờ bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa 12, diễn ra từ 20/10 đến 27/11 vừa qua.

Khó tính khác “làm khó”

Hơn một lần phát biểu tại hội trường với đề nghị Quốc hội cần khó tính hơn, nhưng theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai, như thế không có nghĩa là “làm khó” Chính phủ.

Vì, kinh tế phát triển, đời sống của dân được cải thiện  là “thắng lợi của chúng ta” chứ không phải hạn chế là của Chính phủ, còn thắng lợi là của Quốc hội. Phương thức khác nhau, nhưng mục đích thì chỉ có một.

Cũng theo vị đại biểu này thì tuy còn có ý kiến khác nhau về một số chỉ tiêu năm 2010, nhưng như thế không có nghĩa là Quốc hội “cò kè bớt một thêm hai” với Chính phủ. Quan trọng là bản chất của vấn đề, là con số đó khi quyết định sẽ đảm bảo cho sự điều hành của Chính phủ đạt được mục tiêu Quốc hội đã quyết định.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp đại biểu đã bấm nút thông qua mà chưa thỏa mãn được bà Mai nhìn nhận chính là do thông tin vừa thiếu, vừa yếu. Theo bà, thông tin không chỉ là những tài liệu gửi sẵn mà đại biểu rất cần những thông tin nhiều chiều, công khai minh bạch ngay tại diễn đàn Quốc hội. “Tiếc là hiện nay thời gian thảo luận về kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề quan trọng khác tại hội trường còn hạn hẹp quá”, đại biểu Mai bày tỏ.

Còn nhiều băn khoăn, song “tâm tư nhất” vẫn là luật chậm đi vào cuộc sống, là hiệu lực của pháp luật. “Quốc hội miệt mài làm luật với trách nhiệm cao nhưng nhiều luật có đi vào thẳng cuộc sống được đâu. "Nhiều dự án luật còn sơ sài, nên tôi đề nghị Quốc hội phải khó tính là vì thế", đại biểu Bạch Mai nói.

Cử tri làm sao giám sát?

Ngay từ đầu kỳ họp, đại biểu Dương Trung Quốc đã bày tỏ sự băn khoăn về cơ sở khoa học của những con số báo cáo cùng với sự quan tâm của cử tri đến hoạt động của Quốc hội.

Theo ông, người dân là trọng tâm của kinh tế quốc dân, vậy nên rất cần làm rõ GDP tăng như thế thì người dân được hưởng thụ cái gì? Hay GDP có chứa đựng cả yếu tố tai hại về môi trường mà người dân phải chịu đựng, cả sự lãng phí cũng nằm luôn trong đó.

Tuy nhiên, điều khiến nhà sử học này băn khoăn nhất là tính công khai minh bạch. Ông cho rằng nếu chỉ dựa vào những ý kiến ở hội trường để nói là đa số đại biểu tán thành hay không tán thành một vấn đề gì đó thì không thuyết phục.

Song, với việc bấm nút biểu quyết bằng công nghệ điện tử, theo ông có thể nhanh và chính xác, nhưng đã mất đi yếu tố cực kỳ quan trọng là tính công khai. Vì, cử tri không thể biết chính xác vị đại biểu mình bầu ra đồng ý hay không đồng ý với vấn đề được đưa ra biểu quyết. Như thế, một người hoàn toàn có thể nói thế này, nhưng bấm thế khác.

Ông Quốc cũng nêu một cách làm mà ông biết ở Hạ viện Anh, khi biểu quyết, ai đồng ý và ai không đồng ý thì đi riêng từng cửa và ra ngoài ký vào văn bản. Cách biểu quyết ở nhiều nước khác cũng có thể cho cử tri thông tin cụ thể xem đại biểu nào bỏ phiếu thuận, không thuận hay để phiếu trống trước những vấn đề lớn Quốc hội quyết định. Có như thế cử tri mới có đủ cơ sở để cân nhắc xem có tiếp tục bỏ phiếu cho đại biểu nào đó ở khóa sau hay không.

Có làm, nhưng chậm

Một trong những nét mới của kỳ họp này là tình hình thực hiện các lời hứa qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ trước phiên chất vấn.

Là người chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Tất Thành Cang (Tp.HCM) cho biết là “chưa thỏa mãn”.

Vì, “nói gì thì nói kinh tế của hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM muốn phát triển thì giao thông phải là hàng đầu, thì cần có nguồn lực tài chính tập trung”. Vậy nên các giải pháp về kỹ thuật, thẩm định, kết nối... đều cần có bàn tay hỗ trợ của Bộ. Bộ cần tham mưu cho Chính phủ để có nguồn lực tập trung giải quyết nạn kẹt xe ở hai thành phố này.

"Vậy nhưng khi trả lời chất vấn thì Bộ trưởng nói đã phân cấp rồi nên có nhiều việc bộ không tham gia. Tôi sẽ tiếp tục gặp Bộ trưởng, nếu vẫn chưa thỏa mãn thì sẽ kiến nghị với Chính phủ", đại biểu Tất Thành Cang nói.

Với trả lời của các vị bộ trưởng khác, vị đại biểu này cũng “sốt ruột” vì nhiều việc rất nóng trên diễn đàn Quốc hội từ kỳ trước nhưng rất chậm được giải quyết. Như vấn đề ô nhiễm môi trường hay việc buộc Vedan phải bồi thường cho nông dân...