13:57 14/08/2009

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Đại biểu không mời, tôi vẫn đi”

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn một số vị bộ trưởng giữa hai kỳ họp Quốc hội

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 14/8, đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đã mời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng thử đi đoạn đường 32 đang thi công từ Cầu Diễn đến chợ Nhổn, để chia sẻ với dân nỗi cực khổ.

Theo lời đại biểu Hoa thì trên con đường “khủng khiếp” này, bà đã chứng kiến cảnh những người dân chở trứng, đậu phụ… bị đổ do vướng “ổ voi”, trông “rất thương tâm”. Đường chính thi công chậm, trong khi đường phụ thì chất lượng quá tệ, khiến nhân dân rất bức xúc, đại biểu Hoa nói.

“Không cần đại biểu mời tôi vẫn đi hàng tháng, hàng tuần, dự án thực hiện chậm, đường phụ của dự án này làm chưa tốt, mặc dù có bố trí kinh phí đầy đủ”, Bộ trưởng Dũng đáp.

Dân sôi sùng sục, bộ lại lừng chừng

Con đường 32 trong chất vấn của đại biểu Hoa trên đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cụ thể mà các vị đại biểu Quốc hội đến từ cả ba miền đất nước đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cùng với trách nhiệm quản lý của ngành. Và một trong những tiêu điểm là đường vành đai 3 Hà Nội.

Nhấn mạnh những bức xúc của cử tri, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết đặt một loạt câu hỏi: Vì sao Bộ không thực hiện đúng quy hoạch của Thủ tướng từ năm 2001, sau 8 năm thực hiện Bộ mới có quyết định điều chỉnh dự án, căn cứ điều chỉnh dự án là bản vẽ chưa được phê duyệt, có cơ sở pháp lý không? Phê duyệt từ tháng 2 tại sao 6 tháng sau mới công bố cho nhân dân, tổng đầu tư sau điều chỉnh thế nào, chi cho mặt bằng là bao nhiêu?

Theo Bộ trưởng Dũng, dự án Vành đai ba từ Mỹ Đình đến giáp bán đảo Linh Đàm cơ bản đã xong, chỉ còn 380 m nút giao Thanh Xuân chưa làm được. Việc điều chỉnh dự án Chính phủ đã giao cho Bộ.

Ông Dũng cũng khẳng định, tuần nào Bộ cũng tiếp xúc với dân để đối thoại và giải quyết, đã thành lập Ban chỉ đạo do một thứ trưởng phụ trách để giải quyết, kể cả việc tham ô tham nhũng nếu có.

“Bộ đã tổ chức thanh tra, đã có dự thảo kết luận thanh tra, và báo cáo Thanh tra Chính phủ phúc tra. Nếu Bộ sai Bộ chịu trách nhiệm", ông Dũng nói.

Đại biểu Thuyết chưa hài lòng, “Bộ trưởng trả lời mới rõ 1 phần thôi”. Vì sao dân khiếu kiện sôi sùng sục như vậy mà công bố điều chỉnh lại chậm, quy định chủ đầu tư được phép điều chỉnh quy hoạch là ở điều nào, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh đã công bố cho dân biết chưa? Ông Thuyết “truy tiếp”.

Thừa nhận chưa nắm được con số chính xác về tổng mức đầu tư, song Bộ trưởng Dũng tái khẳng định Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ được thay đổi và điều chỉnh quy hoạch.

Thu phí còn nhiều bất hợp lý

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) hỏi đường Láng - Hòa Lạc ổ voi rất nhiều sao vẫn thu phí?  

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) phàn nàn về việc trạm thu phí Nam cầu Giẽ chỉ bán vé 1 lượt khiến giao thông ùn tắc. Việc đấu thầu quyền thu phí, đấu thầu có mở ra các trạm khác không, ngoài 21 trạm thu phí trên quốc lộ 1A?, ông Cảnh chất vấn.

Cũng phàn nàn về việc thu phí của trạm Nam Cầu Giẽ, đại biểu Lê Quang Bình chất vấn quy định về hai loại mức phí như hiện nay có đúng luật và đảm bảo công bằng không?

Cho là mức phí quá cao, đại biểu Trần Thị Nga (Phú Yên) tính toán, đi từ Bắc đến Nam một xe tải phải mất khoảng 1,3 triệu đồng. Theo bà, đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng xe chở quá tải.

Thừa nhận còn có nhiều bất hợp lý, thậm chí tiêu cực trong việc thu phí, Bộ trưởng Dũng giải thích trạm Nam Cầu Giẽ bán vé 1 lượt là bởi vì vé giả quá nhiều.

Còn sở dĩ có hai mức phí khác nhau là do một số công trình đường bộ đầu tư theo hình thức BOT. Do mức thu phí quy định cho các trạm do  Nhà nước đầu tư thấp, nếu thu như mức phí cơ bản thì thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài, không đảm bảo tính khả thi của dự án. Vì vậy mức thu phí của một số trạm hoàn vốn cho dự án BOT được thu vượt không quá hai lần so với mức thu phí cơ bản cho ngân sách.

Đầu tư BOT cho đường là rất lớn, có dự án 3, 4 chục năm mới hoàn vốn nên có mức thu phí cao hơn, ông Dũng giải thích.

Về vấn đề đấu thầu thu phí, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần xã hội hóa, đấu thầu bán quyền thu phí để hạn chế tiêu cực, song cũng cần có lộ trình chứ chưa thể làm đồng loạt.

Riêng về trạm thu phí trên đường Láng - Hòa Lạc, Bộ trưởng cho biết đang kiến nghị ngừng hoạt động của trạm này vì bất hợp lý.