06:44 27/11/2009

Sức mạnh Quốc hội, nhìn từ người trong cuộc

Minh Thúy

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết bình luận về "sức mạnh của Quốc hội" với tư cách người trong cuộc

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu - Ảnh: TTXVN.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu - Ảnh: TTXVN.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có cuộc trò chuyện với VnEconomy khi kỳ họp Quốc hội thứ sáu chuẩn bị bế mạc.

Và, câu chuyện về “sức mạnh của Quốc hội” được vị đại biểu được coi là “dày dạn kinh nghiệm” nghị trường này phân tích ở nhiều góc độ.

Theo nhìn nhận của ông, tại kỳ họp vừa qua, những hạn chế cũ chưa khắc phục được là các phiên thảo luận, nhất là thảo luận về kinh tế xã hội còn phân tán. Hiệu lực, hiệu quả của giám sát vẫn không được thể hiện rõ.

Giám sát còn nhiều thiếu sót

Thưa ông, sự hạn chế về hiệu lực giám sát của Quốc hội phải chăng được kiểm chứng ngay qua những chất vấn của ông từ các kỳ họp trước?

Trong những vấn đề tôi nêu ra và với nhiều vấn đề khác cũng có những việc đã giải quyết được. Song cũng có những việc để giải quyết triệt để ngay là rất khó mặc dù cũng đã có chuyển động.

Ví dụ như vụ PCI, trước khi tôi chất vấn Thủ tướng vào cuối năm ngoái thì chưa thấy báo chí trong nước có thông tin gì. Nhưng sau khi đại biểu chất vấn Thủ tướng công khai trước Quốc hội, báo chí có thể đưa tin. Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo giải quyết và việc xử lý cũng có tiến triển.

Nói như Thủ tướng, trong quá trình điều tra, phát hiện ra tội gì thì xử ngay tội ấy. Việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ lạm dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại đã xử. Nghi án nhận hối lộ cũng đã có động thái xem xét nhất định rồi, nhưng đại biểu Quốc hội thấy vẫn chậm. Nhưng tôi hy vọng sau kỳ này công tác điều tra, xử lý sẽ được thực hiện rốt ráo hơn.

Tại kỳ họp này cũng có những vấn đề đại biểu đặt ra đã có tiến triển ngay. Ví như quy hoạch thủy điện, nhiều đại biểu tập trung chất vấn. Thành viên Chính phủ từ chỗ cho rằng thủy điện vô tội cũng đã thấy cần phải xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch được lập từ những năm trước cho phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, còn có rất nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết rốt ráo.

Phải chăng sự “chưa rốt ráo” này có nguyên nhân từ hiệu quả giám sát của Quốc hội, thưa ông?

Theo tôi thì Quốc hội phải ra nghị quyết về chất vấn, từ đó mới có cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm. Đã ra nghị quyết thì các cơ quan phải thực hiện. Hơn nữa qua nhiều lần đại biểu chất vấn, nếu trong phạm vi quyền hạn có thể giải quyết được mà vẫn không giải quyết thì Quốc hội phải đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có trách nhiệm giải quyết việc đó.

Làm sao để đồng thuận…

Thưa ông, nhiều người có nói đến sức ép của cử tri luôn đồng hành với hoạt động của đại biểu Quốc hội.. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Sức mạnh của Quốc hội thể hiện tập trung nhất là ở các phiên chất vấn và thảo luận công khai có toàn dân theo dõi. Trước sự chứng kiến của nhân dân, những vấn đề đại biểu đặt lên bàn nghị sự trong những trường hợp cụ thể dù chưa được giải đáp thấu đáo nhưng chắc chắn là những người chỉ đạo, điều hành sẽ phải suy nghĩ và tìm biện pháp giải quyết.

Bởi vì, nếu không thì nhân dân sẽ không chấp nhận được. Không phải là một vị bộ trưởng, trưởng ngành cứ đứng lên trả lời suôn sẻ trước Quốc hội không có ý kiến phản đối tại chỗ là xong. Vì còn có nhân dân đánh giá và trách nhiệm đặt ra vẫn phải tìm biện pháp giải quyết.

Nhưng thưa ông, nguyện vọng chính đáng của của cử tri cũng phải gửi gắm qua đại biểu Quốc hội?

Điều đó thì hết sức là chính đáng, những bức xúc của cử tri chậm được giải quyết thì có trách nhiệm của Chính phủ và cũng có cả trách nhiệm của đại biểu nữa. Đại biểu phải kiên trì đến cùng để các cơ quan Nhà nước phải thực hiện những đề xuất chính đáng của nhân dân.

Ông nghĩ sao khi nhiều cử tri có nhận xét là tại kỳ họp này một số vấn đề khi thảo luận chưa nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội nhưng vẫn được đưa ra biểu quyết?

Đúng là ở đây có vấn đề.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi phương thức lãnh đạo của Đảng cần có sự đổi mới. Tất nhiên Đảng lãnh đạo toàn diện, triệt để, nhưng có thể Bộ Chính  trị và Trung ương đưa ra định hướng vấn đề để Quốc hội bàn thảo, lật đi lật lại phơi bày hết các khía cạnh của vấn đề ra, sau đó Trung ương hay Bộ Chính trị lại tiếp tục xem xét và đưa ra quyết định hợp lý.
 
Hay nói như việc biểu quyết của Quốc hội cũng có chỗ quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, sự điều hành đôi lúc cũng chưa linh hoạt. Ví dụ khi biểu quyết từng điều của một nghị quyết, có điều khá nhiều đại biểu không tán thành thì phải sửa chứ sau đó vẫn để đại biểu tiếp tục biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết thì không hợp lý.

...và tập trung sức mạnh

Thưa ông,“chưa linh hoạt” phải chăng cũng là hạn chế trong một số kỳ họp ?

Có thể nói tại kỳ họp này đại biểu nêu lên được nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Không khí sinh hoạt dân chủ vẫn được phát huy. Một số dự luật Quốc hội chưa đồng tình cũng được rút lại, không thông qua. Những cuộc tranh luận, thảo luận cũng thể hiện không khí dân chủ.

Tuy nhiên, những hạn chế cũ chưa khắc phục được là một số trường hợp bố trí thời gian không hợp lý. Nhiều phiên thảo luận nhất là về kinh tế ý kiến hơi phân tán, không chụm được, hiệu lực hiệu quả của giám sát vẫn không thể hiện được.

Ví dụ cuộc giám sát tối cao về tập đoàn, đại biểu “kêu” hôm trước thì hôm sau Vinashin đang nợ 40 nghìn tỷ đồng vẫn được cấp 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Làm như thế khác nào “đảo nợ” cho họ, chứng tỏ ý kiến đại biểu chưa được quan tâm đúng mức.

Phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, các bộ trưởng không có ai cố ý câu giờ và đều rất chân thành. Đại biểu nêu được nhiều bức xúc và nói chung đấy cũng là những vấn đề lớn rồi. Nhưng vẫn không ít đại biểu chưa biết cách chất vấn, diễn giải quá dài, trong khi chủ tọa có thể dùng biện pháp kỹ thuật để điều chỉnh được.

Ví dụ quá 3 phút theo quy định thì máy tự ngắt. Chứ để dài quá thì ảnh hưởng đến tính sôi động của phiên chất vấn và ảnh hưởng cả người đăng ký sau. Và rất có thể người đăng ký sau có nhiều câu hỏi hay. Phiên chất vấn Thủ tướng, tôi thấy đại biểu Dương Trung Quốc và Nguyễn Lân Dũng đăng ký nhưng mà không đến lượt.

Ồng vừa đề cập đến sự tản mạn trong thảo luận, sự thiếu linh hoạt trong điều hành, điều này phải chăng cũng ảnh hưởng đến trọng lượng của các quyết sách của Quốc hội?

Quốc hội Việt Nam hiện thiếu sự liên kết giữa các đoàn đại biểu và các đại biểu với nhau. Trước kỳ họp, các đoàn đại biểu không trao đổi thông tin với nhau là tại kỳ họp này sẽ đặt vấn đề gì và thống nhất quan niệm thế nào. Các đại biểu cũng gần như không có bàn bạc với nhau là kỳ này chất vấn gì và nên giải quyết vấn đề đó thế nào.

Trong khi đó, các đoàn đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tổ chức đến thăm nhau. Nhân đó thảo luận để đi đến thống nhất về vấn đề gì đó. Hay có thể trao đổi qua điện thoại, qua e-mail, bên hành lang…

Thiếu tính liên kết, đấy là một nhược điểm. Chính vì nhược điểm này mà tại các phiên thảo luận, cho dù có nhiều ý kiến sâu sắc cũng khó chụm lại được và không đi đến được định hướng ngay lúc đó.

Rất xin lỗi ông khi đặt câu hỏi này, việc gì cũng cần có người “đi trước mở đường”. Ông đã quan sát và đã có chính kiến, vậy ông có ý định làm người đầu tiên cho sự liên kết mà theo ông là rất cần thiết?

Sự thiếu liên kết như đã nói thì tôi cũng đã phát biểu trong một hội nghị của các đại biểu Quốc hội rồi. Thực quả bản thân tôi cũng đã có trao đổi trước kỳ họp và trong kỳ họp với một số đại biểu khác, nhưng cũng vẫn chưa làm nên được đặc trưng trong hoạt động của Quốc hội, đó là sự tập trung sức mạnh.

Nhân nói về trách nhiệm cá nhân của từng đại biểu, ông có nhận xét gì trước nhiều ý kiến của cử tri cho rằng số đại biểu sẵn sàng phát biểu chính kiến và tranh luận đến cùng vấn đề tại mỗi kỳ họp đang ngày càng “hiếm”?

Cũng cần phải chia sẻ là mỗi khi phát biểu hay tranh luận thì sức ép tâm lý của đại biểu rất là lớn. Nhất là những vấn đề nhạy cảm thì cũng có đại biểu ngại va chạm. Cũng có một số đại biểu có những lý do riêng, ví dụ đã phát biểu nhiều lần nhưng cảm thấy vấn đề mình tâm huyết chưa được chú ý đúng mức nên giảm nhiệt tình trong những lần sau.

Song, theo tôi điều quan trọng nhất là trách nhiệm trước nhân dân. Đã vào Quốc hội là phải đóng góp ý kiến, tất nhiên thẳng thắn mà vẫn xây dựng. Muốn vậy thì phải làm dần mới có kỹ năng, mới rèn luyện được bản lĩnh, nếu ngại phát biểu thì không bao giờ có kỹ năng thảo luận, tranh luận.

Đã được dân bầu rồi thì phải rèn luyện để làm tốt nhiệm vụ được giao.

Vậy ông có thể chia sẻ một chút về quá trình “rèn luyện” của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết?

Đại biểu chuyên trách như tôi thì không phải cứ đến gần kỳ họp mới chuẩn bị tinh thần mà phải chuẩn bị quanh năm. Mỗi lúc đi thực tế thì phải lưu ý ghi chép, xâu chuỗi các vấn đề, hằng ngày đều phải hướng tới công việc của mình, tới kỳ họp Quốc hội.

Riêng việc đọc tài liệu cũng phải có “phép”, chứ đọc từng trang từng dòng thì không thể hết được, phải cảm nhận được chỗ nào có vấn đề thì “xoáy” vào đó.

Mách riêng với bạn một “thủ thuật” của tôi nhé, có những lúc trên hội trường phải tranh thủ đọc... Vì có ý kiến chưa nghe đã biết rồi, có những báo cáo dài đã đọc rồi thì mình tranh thủ đọc tài liệu ngày hôm sau. Đọc tài liệu thì không ai cấm mình cả, còn nếu đọc báo thì cử tri biết là họ có ý kiến ngay.