06:04 04/05/2014

Báo cáo trình Quốc hội không thể “tránh” ASIAD và dịch sởi

Nguyễn Lê

Những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm không có lý do để thiếu vắng trong báo cáo chung trình Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân sởi trong đợt dịch vừa qua - Ảnh: MTG.<br>
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân sởi trong đợt dịch vừa qua - Ảnh: MTG.<br>
Đến hẹn lại lên, trước khi chính thức trình Quốc hội tại hai kỳ họp hàng năm vào tháng 5 và tháng 10, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đều được Ủy ban Kinh tế thẩm tra tại phiên họp toàn thể.

Và, xuân thu nhị kỳ, dù đã được góp ý, đã tiếp thu, nhận xét dành cho các báo cáo này thường có ý là “hồng” hơn so với thực tế.

Kỳ này cũng vậy. Trước khi họp phiên toàn thể vào chiều 29/4 để xem xét báo cáo của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Kinh tế đã có một ngày rưỡi nghe các chuyên gia mổ xẻ về kinh tế, xã hội và cải cách thể chế.

Mặc dù không phân tích sâu, song dịch sởi và sự kiện dừng đăng cai ASIAD đã được một số vị chuyên gia nhắc đến trong lo ngại về chỉ số niềm tin đang xuống thấp.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhận xét, đầu năm 2014, điểm nóng từ kinh tế đã chuyển sang vấn đề xã hội. “Nào dịch sởi, nào rút đăng cai ASIAD, nào đổi mới sách giáo khoa... đã che lấp, làm cho các vấn đề của nền kinh tế có vẻ nhẹ đi, nhưng sự thực không nhẹ đi tí nào”, ông Kiêm bình luận.

Nhấn mạnh yếu tố niềm tin khi nhìn vào cách điều hành lúng túng của ba sự kiện trên, đại biểu Kiêm cho rằng: “Dân không biết thế nào mà lần, khi nói rất hay, tuyên truyền rất hăng về ASIAD nhưng đến lúc rút thì lại coi như thắng lợi. Rồi đề án đổi mới sách giáo khoa mấy chục nghìn tỷ khi dư luận phản đối thì lùi. Dịch sởi thì có công bố hay không cũng cãi nhau”. Đó là lòng tin, ông Kiêm nói.

Nếu xét về độ nóng thì từ đầu năm 2014 đến nay, đó quả là các sự kiện tốn nhiều giấy mực của báo chí hơn bất cứ vấn đề thuần túy kinh tế nào khác.

Từ tháng 6/2013, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Trọng Sang (Tp.HCM) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh về tính khả thi và sự lãng phí khi đăng cai ASIAD 18.

Câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khi ấy là: “Các nước trong khu vực đã tổ chức ASIAD, chúng ta không lý gì lại không… Và trong tương lai chúng tôi nghĩ Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic quốc tế”.

Đến hôm 17/4 vừa qua, Thủ tướng quyết định Việt Nam sẽ rút đăng cai ASIAD 18.

Một ngày sau đó, bản báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được hoàn thành và gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chẳng đề cập gì đến sự việc ầm ĩ suốt cả một thời gian dài, cả với truyền thông quốc tế.

Cũng được hoàn thành trong tháng 4, nhưng bỏ trống ngày, ở mục công tác y tế dự phòng, quản lý môi trường y tế, bản báo cáo của Bộ Y tế cho biết dịch sởi bùng phát mạnh hơn từ đầu năm 2014 và đã phát động chiến dịch tiêm vaccine sởi do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Diễn biến tiếp theo hoàn toàn vắng bóng.

Nhưng, đó là chuyện của các bộ. Những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm không có lý do để thiếu vắng trong báo cáo chung để trình Quốc hội.

Vậy nhưng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành ngày 24/4/2014 - tài liệu để Ủy ban Kinh tế thẩm tra - cũng hoàn toàn không nhắc đến hai nội dung nêu trên.

Bởi thế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý, “vấn đề xã hội đại biểu nói rất nhiều, dừng đăng cai ASIAD thế nào, dịch sởi ra sao, không tránh được đâu, cần đưa vào báo cáo”.

Nhấn mạnh báo cáo cần đánh giá cho đúng thực tế cuộc sống, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan giúp Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội - cần bổ sung các vấn đề liên quan đến tổng cầu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công… đã được các thành viên ủy ban góp ý.

Trước đó, ở phần thảo luận,  một số thành viên nhận xét rằng báo cáo cả đánh giá thực trạng và dự báo còn quá lạc quan, trong khi giải pháp vẫn chung chung như các báo cáo mọi kỳ trước.