08:33 17/08/2022

Bảo tồn các vườn quốc gia phải đặt con người làm trung tâm

Chu Khôi

Nhiều vườn quốc gia đang chăm sóc phúc lợi cho động vật dưới rừng, nhưng lại không chăm sóc phúc lợi cho người giữ rừng. Tại sao nói rừng vàng mà dưới tán rừng vẫn nghèo, người giữ rừng vẫn nghèo, chúng ta cần tư duy để rừng thực sự là rừng vàng…

Các đại biểu thực hiện việc tái thả động vật hoang dã về rừng Cúc Phương.
Các đại biểu thực hiện việc tái thả động vật hoang dã về rừng Cúc Phương.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đặt vấn đề như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị "Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn quốc gia" tổ chức cuối tuần qua.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế: GIZ, WWF, USAID, IUCN, FFI... đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội các vườn quốc gia, cùng đại diện 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp và các Vườn quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung bộ.

KẾT HỢP DU LỊCH VÀ GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha. Trong đó, Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên.

Đây đều là những hệ sinh thái rừng quan trọng, đa dạng, đặc trưng cho các rừng tự nhiên. Tổng diện tích của 6 Vườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các vườn quốc gia  trên toàn quốc, là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. 

Các vườn quốc gia đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học; đồng thời, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Hiện tại, Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 các Vườn quốc gia. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức các dự án du lịch sinh sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của từng Vườn, khai thác đặc trưng về vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên, đặc trưng về văn hoá bản địa.

 

"Cần dứt khoát quan điểm từ nay trở đi các vườn quốc gia, các khu rừng đặc dụng không chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang cho tổ chức có mục đích ngoài du lịch sinh thái. Như thế là mất cả chì lẫn chài'".

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhiều đại biểu tham dự cũng nhất trí với quan điểm rằng các Vườn quốc gia cần sáng tạo trong hình thức tổ chức để thu hút khách, kết hợp giữa du lịch và giáo dục môi trường; quản lý tốt các tuyến, điểm tổ chức du lịch sinh thái, nhất là các điểm cho thuê môi trường rừng. 

Đồng thời, cần tăng cường xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phải tiếp tục triển khai tốt hoạt động hỗ trợ phát triển đời sống người dân, cộng đồng vùng đệm thông qua khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển canh tác, sản xuất bền vững, đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiến nghị việc bảo tồn các vườn quốc gia phải đặt con người làm trung tâm, bởi mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.  

“Các vườn quốc gia không cần nhất nhất vườn nào cũng có trung tâm cứu hộ, cần hướng tới tái thả tự nhiên và chỉ tập trung vào các loài đặc biệt nguy cấp quý hiếm nhưng mang tính đặc hữu của Việt Nam và theo từng vùng miền”, ông Tuấn khuyến cáo.

ĐỪNG BÓC LỘT RỪNG

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận một số Vườn quốc gia đã có sáng kiến, cách làm hay không chỉ làm tốt công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ nuôi dưỡng, tái thả động vật hoang dã, mà còn đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sinh thái, lồng ghép công tác tuyên truyền giáo dục môi trường…

 

“Nếu tư duy ngược lại, người ta nói rằng “ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt”, đừng bóc lột rừng. Tư duy làm du lịch để kiếm tiền, nhưng phải đi cùng với bảo tồn rừng, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tài nguyên của Việt Nam cho bạn bè thế giới".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý rằng muốn có giải pháp thì phải có cách tiếp cận đúng, nếu tiếp cận ở góc độ bảo vệ, bảo tồn thì giải pháp cũng là bảo tồn, tiếp cận ở góc độ phát triển thì sẽ có giải pháp phát triển, nếu tiếp cận phát triển bền vững thì tìm ra giải pháp phát triển bền vững. Mỗi bước đi thì phải thống nhất cách tiếp cận, không tiếp cận theo hướng chụp giật để kiếm tiền nuôi bộ máy.

“Các vườn quốc gia đang chăm sóc phúc lợi cho động vật dưới rừng nhưng lại không chăm sóc phúc lợi cho người giữ rừng để lực lượng kiểm lâm "ra nhiều hơn vào". Chúng ta cần có tư duy làm sao thực sự là rừng vàng, nuôi sống được người giữ rừng", Bộ trưởng trăn trở, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp cận theo hướng làm sao để dòng người đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm những gì mà thiên nhiên ban tặng cộng với thành quả mà chúng ta đang giữ gìn, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Ngoài ra, các Vườn quốc gia cũng cần triển khai tốt hoạt động hỗ trợ phát triển đời sống người dân, cộng đồng vùng đệm thông qua khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển canh tác, sản xuất bền vững, đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các Ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương. 

Trong đó, cơ chế tài chính phải tạo được động lực, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, kích thích tính năng động, sáng tạo của các Ban quản lý khu rừng đặc dụng. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

 

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về rừng nguyên sinh Cúc Phương, trong Vườn Quốc gia Cúc Phương.  Các đại biểu cùng dự buổi thả về tự nhiên 4 Gà lôi trắng Lophura nycthemera và 1 Trăn hoa Python molurus. Đây là động vật  thuộc IB và IIB Nghị định 06/2019/NĐ-CP, nguồn gốc hoang dã do người dân chuyển giao để cứu hộ bảo tồn.