09:23 21/04/2022

Bất chấp khủng hoảng chip, Tesla lãi kỷ lục 3,3 tỷ USD trong quý 1

Đức Anh

Trong quý, Tesla đạt doanh thu hơn 18,7 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái...

CEO Elon Musk của Tesla - Ảnh: AP
CEO Elon Musk của Tesla - Ảnh: AP

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thiếu chip vẫn đang tiếp diễn và sự gián đoạn sản xuất do phong tỏa phòng dịch ở Trung Quốc, hãng xe điện Tesla vẫn báo lợi nhuận kỷ lục 3,3 tỷ USD trong quý 1, tăng hơn 750% so với cùng kỳ năm 2021 (438 triệu USD). Trong quý, hãng này đạt doanh thu hơn 18,7 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả lợi nhuận và doanh thu của Tesla trong quý đầu năm đều vượt dự báo của các nhà phân tích. Giá cổ phiếu Tesla tăng 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 20/4 sau khi kết quả kinh doanh được công bố.

Trong quý đầu năm, doanh thu từ ô tô của Tesla đạt 16,86 tỷ USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh cốt lõi này của Tesla đạt kỷ lục 32,9% với lợi nhuận gộp đạt 5,54 tỷ USD.

Chứng nhận không phát thải (Regulatory credit) mang về cho Tesla 679 triệu USD doanh thu. Những năm qua, đây là một trong những mảng kinh doanh béo bở của Tesla. Chứng nhận không phát thải được chính quyền các bang đưa ra để giảm ô nhiễm môi trường và những hãng xe dư điểm có thể bán lại cho các nhà sản xuất khác để kiếm tiền.

Theo Tesla, tăng trưởng doanh thu quý 1 của hãng tăng lên một phần nhờ số lượng xe bán ra và mức giá bán bình quân tăng lên. Đầu tháng này, Tesla thông báo đã giao 310.048 trong quý đầu năm – ước tính sát nhất với doanh số của công ty. Trong đó, xe Model 3 và Model Y chiếm tới 95%, tương đương 295.324 xe được giao trong quý.

Trong cuộc gọi hội nghị thông báo về kết quả kinh doanh, Giám đốc tài chính Zachary Kirkhorn và CEO Elon Musk cho biết Tesla “tự tin” rằng năm nay công ty có thể tăng trưởng ít nhất 50% so với doanh thu và lợi nhuận của năm 2021. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh công ty đã mất khoảng 1 tháng do phải ngừng sản xuất khi Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19.

“Hoạt động sản xuất đang được khôi phục ở mức hạn chế và chúng tôi đang cố gắng trở lại công suất tối đa nhanh nhất có thể”, ông Kirkhorn nói.

Theo ông Musk, dù bị đình trệ sản xuất ở Trung Quốc, công ty vẫn có thể sản xuất khoảng 1,5 triệu ô tô trong năm nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo khách hàng đặt xe có thể phải chờ lâu và một số đơn hàng mà khách đã đặt có thể phải tới năm sau mới có xe.

Vị CEO cũng thừa nhận rằng các tính năng lái tự động sẽ mất nhiều thời gian hơn để thử nghiệm so với dự kiến. Musk từ chối cung cấp thông tin chi tiết về taxi tự lái (robotaxi) “tương lai” mà ông cho biết Tesla đang phát triển hồi đầu tháng này.

“Tesla sẽ tổ chức một sự kiện robotaxi vào năm sau và chúng tôi đang nhắm tới sản xuất hàng loạt vào năm 2024”, Musk nói.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, cuộc khủng hoảng thiếu chip cũng như nhiều phụ tùng ô tô, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, tồn kho xe toàn cầu của Tesla đã giảm xuống chỉ còn 3 ngày cung cấp trong quý 1/2022, giảm từ mức 4 ngày của quý 4 năm ngoái và 8 ngày của quý 1/2021.

“Các nhà máy của chúng tôi đã hoạt động dưới mức công suất trong vài quý”, Tesla cho biết.

Công ty này không thông tin chi tiết về việc giao hàng trong tương lai, nhưng cho biết dự báo tăng trưởng hàng năm đạt mức 50% trong nhiều năm. Công ty cũng đồng thời cảnh báo rằng những áp lực với chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp tục trong cả năm nay. Ông Musk nhận định lạm phát đang tồi tệ hơn so với dự kiến và sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm nay.