07:36 19/04/2022

Muốn sở hữu cả Twitter, Elon Musk có điều hành nổi cùng lúc 3 doanh nghiệp "khủng"?

Ngọc Trang

Musk hiện là CEO của hãng xe điện Tesla và startup hàng không vũ trụ SpaceX - hai công ty có giá trị lần lượt là 1.002 tỷ USD và 100 tỷ USD...

Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: AP
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: AP

Sau khi mua 9,2% cổ phần mạng xã hội Twitter vào tháng trước, gần đây, tỷ phú Elon Musk tiết lộ ý định muốn mua đứt công ty này. Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) tuần trước, Musk đề nghị mua lại 90,8% cổ phần còn lại của Twitter trong thương vụ trị giá gần 43 tỷ USD. 

Chưa tính đến những rào cản của thâu tóm toàn bộ Twitter, ông Musk có thể đối mặt với một khó khăn khác, đó là ông sẽ phải điều hành cùng lúc 3 công ty lớn.

Musk hiện là CEO của hãng xe điện Tesla và startup hàng không vũ trụ SpaceX - hiện lần lượt trị giá 1.002 tỷ USD và 100 tỷ USD. Ngoài ra, tỷ phú này cũng sở hữu 2 startup nhỏ hơn là Neuralink và The Boring Company. Trong khi đó, Twitter hiện có vốn hóa hơn 34 tỷ USD.

Kể cả khi Musk mua lại Twitter thành công nhưng không giữ chức CEO, nhiều khả năng ông vẫn muốn có ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của mạng xã hội này. Điều này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian của tỷ phú giàu nhất thế giới.

Theo giới quan sát, việc một người điều hành đồng thời 3 doanh nghiệp không phải là điều chưa từng có – bản thân Musk đã làm điều đó khi cũng là CEO của Neuralink, nhưng điều hành 3 công ty thuộc nhóm lớn nhất thế giới cùng lúc gần như là điều chưa từng có.

Tin tốt cho Musk là từng có người làm điều này. Tuy nhiên, tin xấu đây lại là Carlos Ghosn, cựu CEO của hãng ô tô Nissan, Renault, cũng là cựu chủ tịch của AvtoVaz và Mitsubishi.

Trên thực tế, ông Ghosn giữ vị trí điều hành tại 4 công ty trong một khoảng thời gian và đang cùng lúc điều hành 3 công ty trong số này vào năm 2018 khi ông bị bắt tại Nhật với một loạt cáo buộc sai phạm liên quan tới tài chính. Vị cựu CEO lừng lẫy một thời này sau đó đã đào tẩu khỏi Nhật tới Lebanon – quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Tokyo và hiện vẫn sống tại đây với tư cách một nhân vật lưu vong bị truy nã quốc tế.

Carlos Ghosn bị bắt ngày 19/11/2018 ở Tokyo - Ảnh: JPT
Carlos Ghosn bị bắt ngày 19/11/2018 ở Tokyo - Ảnh: JPT

Trong một cuộc phỏng vấn với Daniel Roth – phó chủ tịch, tổng biên tập của LinkedIn, ông Ghosn nói rằng yếu tố then chốt để ông có thể điều hành cùng lúc nhiều công ty là tránh việc đa nhiệm. Lúc đó, Ghosn cho biết lịch trình của mình được lên kế hoạch trước khoảng một năm, và việc ông ở quốc gia nào sẽ quyết định ông sẽ tập trung vào công ty nào.

“Tôi không kết hợp các trách nhiệm khác nhau, bởi đơn giản tôi muốn đảm bảo rằng các nhóm nhân sự cảm thấy họ có trách nhiệm và không có sự nhầm lẫn giữa các công ty”, ông nói.

Tuy nhiên, Musk có thể sẽ không làm như vậy. Trong một chương trình trong khuôn khổ sự kiện SXSW năm 2018, tỷ phú này nói rằng ông có thể phân chia hiệu quả thời gian của mình cho các công ty khác nhau bằng cách thuê đội ngũ nhân sự giỏi và phân công trách nhiệm cho họ một cách hợp lý.

“Nhờ đó, tôi gần như dành toàn bộ thời gian của mình cho công việc kỹ thuật và thiết kế”, Musk chia sẻ khi đó.

Việc chia sẻ thời gian quản lý nhiều doanh nghiệp cũng từng diễn ra tại Twitter. Jack Dorsey, người đồng sáng lập Twitter, từng giữ chức CEO của cả mạng xã hội này và Square - một startup khác của ông - từ tháng 10/2015 đến tháng 11/2021. Chiến lược quản lý thời gian của Dorsey là dành các khoảng thời gian giống nhau mỗi tuần cho công việc điều hành và họp với nhân viên.

“Lịch trình của tôi có rất nhiều hoạt động lặp lại”, Dorsey nói với Fast Company năm 2016. “Việc này cho phép chúng tôi theo dõi mọi thứ đang tiến triển thế nào, thay vì sự ngẫu nhiên không cho thấy điều đó”.

Điều đáng nói là, ban đầu khi Dorsey đảm nhận vai trò điều hành cả hai công ty, ông Musk từng khuyên nhà đồng sáng lập Twitter đừng làm vậy.

“Tôi cho rằng không nên điều hành hai công ty. Việc này thực sự sẽ khiến sự tự do của bạn giảm đi”, Musk nói tại một sự kiện của Vanity Fair năm 2015.

Thông tin về việc Musk muốn mua lại toàn bộ Twitter được đưa ra một tuần sau khi tỷ phú này được tiết lộ rằng đã sở hữu 9,2% cổ phần và là cổ đông cá nhân bên ngoài lớn nhất của mạng xã hội này. Ngay hôm sau, Twitter đề nghị bổ nhiệm Musk vào hội đồng quản trị công ty với điều kiện ông sẽ không sở hữu quá 14,9% cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Tuy nhiên, 5 ngày sau, Twitter thông báo Musk đã từ chối đề nghị trên.

Trong thư gửi hội đồng quản trị Twitter tuần trước, Musk – người hiện có hơn 81 triệu người theo dõi trên Twitter – nói rằng ông muốn mua lại Twitter để khai phóng “tiềm năng phi thường” của mạng xã hội này và đưa nó trở thành “nền tảng tự do ngôn luận toàn cầu”.

“Tôi đã đầu tư vào Twitter bởi tôi tin tưởng công ty có tiềm năng trở thành một nền tảng tự do ngôn luận toàn cầu và tôi tin rằng tự do ngôn luận là một nguyên tắc xã hội của nền dân chủ. Tuy nhiên, sau khi đầu tư, giờ đây tôi nhận ra rằng công ty sẽ không thúc đẩy hay phục vụ nguyên tắc xã hội đó với cấu trúc hiện tại. Twitter cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân”, Musk nói.

Ngay buổi chiều hôm đó, vài giờ sau khi thông tin về đề nghị thâu tóm Twitter được công bố, tại sự kiện TED2022 ở Vancouver (Canada), Musk nói rằng ông “không chắc” nỗ lực của mình sẽ thành công nhưng ông đã có kế hoạch B nếu hội đồng quản trị Twitter từ chối.