Bất động sản Hà Nội "cháy hàng"
Dù không có độ "sốt” cao như Tp.HCM, nhưng thị trường bất động sản Hà Nội vẫn đang trong tình trạng “cháy hàng”
Dù không có độ "sốt” cao như Tp.HCM, nhưng thị trường bất động sản Hà Nội vẫn đang trong tình trạng “cháy hàng”.
Theo thống kê của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam, thị trường văn phòng của Hà Nội kể từ đầu quý 3 đến nay luôn trong tình trạng cháy hàng. Hệ số sử dụng các văn phòng hạng A và B vẫn ở mức cao, đạt 99,7%. Riêng các cao ốc hạng A mới là Pacific Place và Opera Business Centre đã cho thuê hết 100%.
Trong khi đó, cầu về văn phòng hạng A vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu thành lập văn phòng mới của các công ty đa quốc gia, sự mở rộng văn phòng của các công ty Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá thuê văn phòng hiện nay không phản ánh đúng lượng cầu này. Trong quý 3, giá thuê các văn phòng hạng A tăng nhẹ, xấp xỉ 1%, văn phòng hạng B tăng 5% so với quý trước.
Thế nhưng, về nguồn cung, tính đến hết quý 3, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội chỉ có thêm một dự án mới duy nhất là The Manor với 6.000m² diện tích văn phòng hạng B.
Theo kế hoạch, quý 4 năm nay, thị trường Hà Nội sẽ có 2 dự án văn phòng hạng B đi vào hoạt động đó là dự án Toà nhà Kinh Đô (phố Lò Đúc) và Toà nhà Số 9 Đào Duy Anh (11.000m² văn phòng tại mỗi dự án).
Ở phân khúc văn phòng hạng B sẽ có thêm 2 dự án mới là Viet Tower (số 1 phố Thái Hà với 13.000m² văn phòng) và Sun City (phố Hai Bà Trưng với khoảng 6.000m² văn phòng).
Tuy nhiên, với tổng diện tích mới dự kiến đưa vào sử dụng trong quý 4/2007 chưa đầy 30.000 m2 thì cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế hiện nay.
Trong khi đó, theo điều tra của Công ty CB Richard Ellis, trong năm 2008, thậm chí là sang tận năm 2009 sẽ không có dự án văn phòng hạng A nào được đưa vào hoạt động. Do đó, trong tương lai ngắn hạn, nguồn cung văn phòng hạng A vẫn chưa có cải thiện nào đáng kể.
Đối với thị trường căn hộ cho thuê cũng không có gì “sáng sủa” hơn về nguồn cung. Từ nay đến cuối năm cũng sẽ không có dự án căn hộ cho thuê mới nào được đưa vào sử dụng. Tỷ lệ phòng trống vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 5%, nhưng so với quý trước đã có sự tăng nhẹ. Nguyên nhân là do trong quý 3, toà nhà mới DMC Tân Long vẫn còn một số căn hộ chưa cho thuê hết và một số căn hộ của Sedona Suites đang được nâng cấp.
Quý 4 năm nay đánh dấu sự xuất hiện của hơn 500 căn hộ cho thuê thuộc 4 dự án Somerset Hòa Bình, Fraser Suites Hanoi, Skyline và Atlanta. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với sự “đổ bộ” ồ ạt của nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm ăn nên thị trường này cũng sẽ “cháy hàng” vào đầu năm 2008.
Trong khi đó, đối với thị trường nhà ở để bán, mảng thị trường căn hộ vẫn tiếp tục “sốt” với giá bán liên tục tăng cao. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá cho các căn hộ tại khu vực Trung Hòa - Nhân chính, Mỹ Đình, Kim Liên… đã tăng từ 3 - 5 triệu/m2 . Toà nhà đa năng tại Làng Quốc tế Thăng Long (phố Trần Đăng Ninh) dự kiến sẽ tăng giá bán lên khoảng 17 triệu đồng/m2 cho khách đã đặt cọc từ 2 năm trước với mức giá chỉ 11 triệu đồng/m2.
Riêng khu chung cư đông nam Trần Duy Hưng chuẩn bị khởi công, dự kiến mức giá 16 - 17 triệu /m2. Dự án này chỉ có 200 căn hộ chung cư nhưng đã có hơn 2.000 đơn xin mua.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản Hà Nội nói chung, thị trường căn hộ để bán nói riêng luôn ở trong tình trạng “nóng” là do các nhà đầu tư trong nước đang chiếm ưu thế ở các dự án vừa và nhỏ. Điều này dẫn đến việc họ chủ động thao túng luôn nguồn cung trong một thời gian khá dài.
Tuy nhiên, một tín hiệu vui cho khách hàng là đầu 2008, thị trường này sẽ đón nhận sự góp mặt của khá đông nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, nguồn cung trong khoảng cuối 2009 đến 2010 sẽ tăng đáng kể, qua đó sẽ làm “giảm nhiệt” về giá và nguồn cung trên phạm vi toàn thành phố.
Thị trường khách sạn ở Hà Nội cũng nằm không là ngoại lệ về cơn “sốt” cầu. Các khách sạn 5 sao đều có hệ số sử dụng cao, đạt 74.35% (hệ số này ở các khách sạn 4 sao là 79.69%) và giá thuê phòng trung bình tăng nhẹ lên 124 USD. Cầu vẫn ở mức cao do không có khách sạn mới nào được xây dựng từ 2005 đến 2007.
Trước tình trạng đó, khách sạn Sofitel Metropole đã chuyển hết diện tích văn phòng thành 70 phòng khách sạn 5 sao. Tuy nhiên ngoài 70 phòng này, không có khách sạn 4-5 sao mới nào được xây mới cho đến năm 2008. Duy chỉ có khách sạn 5 sao Inter Continental sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2008 với 327 phòng.
Dự kiến đến 2010, thị trường khách sạn 4 và 5 sao sẽ có thêm khoảng 3.700 phòng. Tuy nhiên nguồn cung mới này cũng chỉ đủ đáp ứng một phần lượng khách du lịch và các thương gia quốc tế đến Hà Nội dự kiến sẽ tăng cao trong năm tới.
Riêng thị trường bán lẻ Hà Nội có một vài tín hiệu khả quan hơn. KFC đã mở thêm cửa hàng thứ tư tại Hà Nội và Metro Cash Carry mở thêm siêu thị thứ hai tại khu Yên Sở. Chuỗi cửa hàng ăn nhanh lớn của Hàn Quốc, Lotteria cũng mở cửa hàng thứ hai của mình tại Hà Nội trong quý vừa rồi.
Sự xuất hiện của hai toà nhà Pacific Place và Opera Business Centre cung cấp thêm khoảng 2.000 m2 diện tích bán lẻ. Tuy nhiên, giá thuê được cho là quá cao (trên 60 USD/m2) nên hai toà nhà này chủ yếu chỉ thu hút được các thương hiệu sang trọng, nổi tiếng thế giới. Do đó, các công ty thuộc tầng lớp “trung lưu” thì vẫn đang mỏi cổ tìm một vị trí làm sao hợp với túi tiền của mình.
Trong Quý 1 năm 2008 sẽ có thêm khoảng 18.000 m2 diện tích bán lẻ được đưa vào sử dụng do hai dự án Việt Tower và Thái Thịnh Plaza sẽ đi vào hoạt động. Hiện tại Parkson đã thuê hết 7 tầng thương mại của Việt Tower. Hầu hết các vị trí bán lẻ lớn sẽ chưa đi vào hoạt động cho đến năm 2009, thậm chí là đến tận năm 2010.
Theo dự báo của một số chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp tục ở trong tình trạng “cháy hàng” do mức tăng của cầu vượt mức tăng cung. Trong khi đó, cùng với việc Chính phủ chưa quyết định đánh thuế đầu cơ bất động sản thì việc “cháy hàng” hay thừa hàng nhiều khi cũng chỉ là trên lý thuyết.