17:14 17/05/2016

Bầu Quốc hội: Ai được giám sát kiểm phiếu?

Nguyên Vũ

Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông  Nguyễn Thiện Nhân.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông  Nguyễn Thiện Nhân.
Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử, cá nhân những người ứng cử, thân nhân của họ hoặc cơ quan giới thiệu người ứng cử, phóng viên báo chí có thể giám sát việc kiểm phiếu.

Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với báo chí sáng 17/5, trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới đây.

Ông Nhân cho biết, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ. Với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử.

“Vì tương lai của chính mình, hãy đi bầu cử”

Thưa ông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò như thế nào trong quá trình tổ chức các hội nghị gặp gỡ tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội?

Mặt trận Tổ quốc được giao hai nhiệm vụ là tổ chức ba lần hiệp thương và tổ chức chủ trì các hội nghị tiếp xúc cử tri với các ứng viên.

Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc đã nỗ lực cùng ban bầu cử các tỉnh thực hiện nhiệm vụ của mình.

Việc gặp gỡ cử tri vận động bầu cử được tổ chức theo tinh thần công khai, dân chủ, bình đẳng giữa các ứng cử viên.

Trong quá tình tiếp xúc cử tri, cử tri có kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm đại biểu hay Quốc hội nói chung thì phải tập hợp ý kiến cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sau khi có Quốc hội mới sẽ giải quyết, xử lý kiến nghị của cử tri.

Thực tiễn qua theo dõi giám sát thì hoạt động này thực hiện tốt, tuy nhiên, việc điều hành cụ thể một buổi tiếp xúc còn khác nhau ở một số nơi, rút kinh nghiệm sắp tới hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa…

Thời gian qua một số nơi có thành phần kích động, xúi giục người dân không đi bầu cử trong ngày 22/5 tới. Ông có suy nghĩ gì và có nhắn gửi gì tới cử tri?

Trong cuộc sống, ai cũng quan tâm đến gia đình, quê hương, đất nước mình. Nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của dân mà không bức xúc thì không được. Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi bị khó khăn là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, bầu cử 5 năm mới diễn ra 1 lần, chính là thể hiện quyền công dân được bầu chọn người thay mặt mình tham gia vào lãnh đạo ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.

Có thể chúng ta có tình cảm khác nhau, cũng có người nói quan điểm đó theo cách riêng làm bà con bức xúc, nhưng không vì bức xúc về một việc trong thời điểm hiện nay mà từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình là bầu chọn ra lãnh đạo của đất nước trong 5 năm tới.

Chúng ta có thể gặp khó khăn ngắn hạn cần suy nghĩ tiếp nhưng đừng vì thế từ bỏ quyền của mình để chọn người lãnh đạo xã mình, huyện mình, tỉnh thành phố mình và đất nước mình trong 5 năm tới.

Chúng tôi kêu gọi bà con hãy vì tương lai của chính mình, hãy đi bầu cử.

Việc giám sát bầu cử và bỏ phiếu như thế nào để đảm bảo khách quan? Người dân, báo chí hay cá nhân, tổ chức độc lập nào được chứng kiến việc kiểm phiếu, thưa ông?

Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử, cá nhân những người ứng cử, thân nhân của họ hoặc cơ quan giới thiệu người ứng cử, phóng viên báo chí có thể giám sát việc kiểm phiếu. Nhưng kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, làm sao kiểm phải đúng, không ai được làm ảnh hướng lúc kiểm phiếu.

Về nội dung này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có kiến nghị với Hội đồng bầu cử quốc gia để có hướng dẫn chi tiết. Chúng tôi góp ý vào bản dự thảo và trong thời gian ngắn nhất, Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ hướng dẫn về nội dung này.

Việc giám sát phải đảm bảo đúng người giám sát là người có thẩm quyền. Nếu là ứng cử viên thì họ đã có tên trong danh sách nên sẽ biết được, nhưng ai thay mặt ứng cử viên thì phải có uỷ quyền của ứng viên. Cơ quan giới thiệu ứng cử viên có quyền giám sát, người đại diện phải có giấy của cơ quan giới thiệu. Các phóng viên giám sát phải có giấy xác nhận để được tham gia.

Quy định chung là việc giám sát không được làm ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu, nếu vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản tại chỗ, người đó có thể có ý kiến về việc lập biên bản. Đây là nội dung mới đảm bảo tính dân chủ, khách quan…

“Đã hứa với dân là dân nhớ”

Vừa qua các ứng viên đưa ra nhiều lời hứa, và một trong những việc cử tri quan tâm nhất là làm sao giám sát lời hứa của các ứng cử viên sau khi trúng cử. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc thế nào trong việc cùng cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa của các ứng viên để họ không quên lời hứa trước cử tri?

Đã hứa với dân là dân nhớ. Chương trình hành động của các ứng cử viên không những được phát biểu ở từng quận, huyện, xã phường mà còn được truyền hình, phát thanh nên tất cả các cử tri đều biết ứng cử viên đó nói như thế nào. Những lời hứa phản ánh quyết tâm cụ thể của các ứng cử viên ở thời điểm họ ra ứng cử.

Mặt trận Tổ quốc cũng như người dân trong quá trình tổ chức việc tiếp xúc đều ghi nhận các lời hứa đó, quan trọng hơn là sau khi được bầu, mỗi lần tiếp xúc sau đó, các đại biểu phải có liên hệ lại, báo cáo người dân xem họ đã làm thế nào, đặc biệt, với điều kiện mới phát sinh thì phải nhận nhiệm vụ mới chứ không phải chỉ làm theo lời hứa lúc đó.

Lần này, Mặt trận Tổ quốc và Thường vụ Quốc hội cũng xác định yêu cầu trong thời gian sau bầu cử phải giám sát lời hứa hệ thống hơn, tốt hơn thời gian qua.

Theo quy định, với những người được bầu nếu sau này không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Tuy nhiên, đến nay pháp luật chưa quy định việc này, nhiệm kỳ tới Mặt trận Tổ quốc có kiến nghị Thường vụ Quốc hội quy định rõ để dân có thể thực hiện quyền này không?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã bãi nhiệm một số đại biểu không đáp ứng tiêu chuẩn sau khi được bầu. Ở quy mô toàn quốc đã có quy trình làm cái này. Ở địa phương cần xem lại nhu cầu thực hiện việc này thế nào, nếu cần thì Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét kiến nghị có quy định hướng dẫn việc này.

Một người được nhân dân phát hiện không đủ tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân thì phải đưa ra khỏi Quốc hội và hội đồng nhân dân ngay.