Bị siết cấm vận, Triều Tiên chuyển sang chiến lược kép
Tại Triều Tiên, các loại nhu yếu phẩm sản xuất nội địa đang ngày càng nhiều lên, thay cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
Trên các kệ hàng siêu thị, tạp hoá tại Triều Tiên, những sản phẩm tiêu dùng từ kem đánh răng vị cà rốt, mặt nạ than củi cho đến xe đạp, tấm năng lượng mặt trời... sản xuất nội địa đang ngày càng nhiều lên, thay cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đa số hàng hoá tiêu dùng tại Triều Tiên vẫn là hàng nhập từ
Trung Quốc. Nhưng dưới chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nước này đang
nỗ lực đẩy mạnh hàng hoá sản xuất nội địa nhằmm chặn dòng tiền chảy ra nước
ngoài và củng cố tư tưởng Chủ thể (tự lực cánh sinh), giới doanh
nhân ở nước này cho biết.
Theo Reuters, hiện không có số liệu chính thức về lượng hàng
sản xuất nội địa của Triều Tiên. Còn số liệu xuất khẩu sang nước này từ Trung
Quốc và Triều Tiên, có thể không phản ánh chính xác tình hình.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu xuất khẩu của nước này sang Triều Tiên có giảm khi chính quyền Kim Jong
Un tăng cường hàng nội địa hay không.
Theo các du khách tới Triều Tiên, với sự hậu thuẫn của chính phủ, các công ty lớn của Triều Tiên như hãng hàng không quốc gia Air Koryo, tập đoàn Naegohyang đang ngày càng đa dạng hoá các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước như xì gà, quần áo thể thao.
"Naegohyang" hay còn gọi là "My Homeland" khởi đầu là một nhà máy thuốc lá tại Bình Nhưỡng. Nhưng vài năm trở lại đây, hãng này mở rộng sản xuất cả bộ bài, đồ điện tử và quần áo thể thao. Công ty thậm chí còn tài trợ cả các đội bóng đá nữ. Còn hãng hàng không Air Koryo hiện cung cấp cả xì gà, đồ uống có ga, xăng dầu và taxi.
"Nhiều nhà máy mới mọc lên nên các sản phẩm thực phẩm của
chúng tôi cũng đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã và thương hiệu”, Rhee
Kyong-sook, 33 tuổi, nhân viên tại một cửa hàng tạp hoá cho biết.
Kim Chul-ung, giáo viên vật lý 39 tuổi, cho biết: “Giờ tôi
có thể thưởng thức hương vị quả tươi trong nước uống đóng chai sản xuất tại Triều
Tiên, thay cho các loại nhập khẩu trước đây”.
Theo du khách nước ngoài tại Triều Tiên, hàng tiêu dùng nội
địa của nước này ngày càng hiện đại hơn và bạn có thể thấy mã vạch QR hoặc mã vạch
ma trận (matrix barcode) trên nhiều mặt hàng từ mỹ phẩm cho tới đồ uống có ga. Thị
trường cũng ngày càng cạnh tranh hơn. Các nhà cung cấp cũng thường cho khách
hàng nếm thử đồ ăn, điều đã từ lâu không có ở Triều Tiên.
“Khoảng năm 2013, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bắt
đầu đề cập tới việc phải tìm cách thay thế hàng nhập khẩu”, Andray Abrahamian từ
tập đoàn Choson Exchange của Singapore, đơn vị đào tạo kỹ năng kinh doanh cho
người Triều Tiên, cho biết.
"Rõ ràng họ nhận thấy rằng hàng Trung Quốc đang tràn ngập, không chỉ là hàng tiêu dùng cao cấp mà còn cả nhu yếu phẩm như thực phẩm”, ông này nhận định.
Các chuyên gia bán lẻ nhận định thị trường Triều Tiên vô
cùng hấp dẫn nhờ tầng lớp giàu có (còn gọi là donju) – những người kiếm ra tiền
trong nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ.
"Người Triều Tiên không còn thích hàng hoá Trung Quốc do
chất lượng quá kém”, một doanh nhân Đông Nam Á chuyên xuất khẩu hàng tiêu dùng
sang Triều Tiên cho biết.
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Đa số nguyên liệu thô sản xuất hàng tiêu dùng tại nước này vẫn được nhập từ Trung Quốc.
Đơn cử như cà phê uống liền đang ngày càng phổ biến tại Triêu Tiên, nhưng đường sử dụng trong đó lại được nhập từ Trung Quốc, ông Abrahamian cho biết.
"Tuy hàng nội địa như xe đạp, tấm năng lượng mặt trời, thực phẩm đang có xu hướng tăng, nhưng việc sản xuất các mặt hàng này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông này cho biết. Do đó, các công ty Triều Tiên sẽ vẫn bị ảnh hưởng lớn nếu nước này bị siết cấm vận.