18:37 23/12/2016

Bộ Công Thương triển khai dịch vụ công trực tuyến

P.V

Cổng dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tại bất cứ nơi đâu thay vì phải làm việc trực tiếp như trước đây

Cổng dịch vụ công trực tuyến chính thức hoạt động từ ngày 23/12.
Cổng dịch vụ công trực tuyến chính thức hoạt động từ ngày 23/12.
Ngày 23/12, Bộ Công Thương đã cho ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ công mức độ 4 dán nhãn năng lượng. Việc triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tuấn Anh nhận định, Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương và dịch vụ công mức độ 4 dán nhãn năng lượng là kết quả của quá trình cải cách thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc Bộ trong suốt thời gian qua, tuy nhiên, đây chưa phải là việc làm có ý nghĩa đầu tiên hay cuối cùng.

"Bộ Công Thương sẽ không ngừng cải cách các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói và cam kết sẽ tập trung nguồn lực một cách cao nhất để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, góp phần cải cách thủ tục hành chính ngày càng hiệu quả hơn.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương khi đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến với những cải cách lớn như cho phép người khai có thể thực hiện tất cả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ thông qua một tài khoản duy nhất.

Đồng thời giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp...

Bên cạnh đó giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh hơn, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là một bước cải cách giúp doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể giảm thiểu được thời gian xin hồ sơ của thủ tục này, tiết kiệm chi phí, công sức….

Ngoài ra, việc điện tử hóa quy trình cấp phép cũng sẽ giúp cho đơn vị xử lý có thể rút ngắn được thời gian kiểm tra hồ sơ, từ đó có thể trả kết quả cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất.

Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017.

Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hàng chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý với mục tiêu coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.