Bộ Tài chính chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán nâng cao sự thận trọng và thái độ hoài nghi nghề nghiệp khi thu thập và đánh giá độ tin cậy về các hồ sơ tài liệu của khách hàng. Cần rà soát đầy đủ các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ báo cáo tài chính, nhận biết các giao dịch lòng vòng để làm “làm đẹp” các chỉ số tài chính và báo cáo tài chính.
Trong năm 2022, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 54 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Tính đến 20/12/2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiếp nhận 44 hồ sơ kiểm tra và các biên bản vi phạm hành chính do Cục Quản lý giám sát kế toán – kiểm toán Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra tại 44 công ty kinh doanh và cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.
NHỮNG SAI PHẠM PHỔ BIẾN
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết các sai phạm chính được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán kiểm toán như sau.
Thứ nhất, cử người không có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng làm dịch vụ kế toán trưởng, không đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 và quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 174/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Chính phủ.
Thứ hai, cung cấp dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Thứ ba, thông báo cho Bộ Tài chính chậm trên 15 ngày khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở chính; khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của kế toán viên hành nghề tại đơn vị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị; Khi có thay đổi về tỷ lệ vốn góp của các thành viên quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 26 Luật kiểm toán độc lập; khi có thay đổi về Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp của các thành viên quy định tại Khoản 4, Điều 26 Luật kiểm toán độc lập…
Với các cá nhân, qua kiểm tra phát hiện các cá nhân hành nghề kế toán kiểm toán viên có các hành vi: Thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật; thực hiện hạch toán không đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán, vi phạm các quy định; lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định, vi phạm các quy định; nộp báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính hàng năm hoặc khi có yêu cầu chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định…
KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN CẦN NÂNG CAO SỰ THẬN TRỌNG VÀ THÁI ĐỘ HOÀI NGHI
Bên cạnh việc triển khai kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp hành nghề dịch vụ kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán nâng cao sự thận trọng và thái độ hoài nghi nghề nghiệp trước khi xem xét, chấp nhận khách hàng và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán theo các thủ tục và quy trình của đơn vị.
Tăng cường công tác đào tạo trong nội bộ các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán, đảm bảo các kế toán viên hành nghề có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện cung cấp dịch vụ kế toán.
Thực hiện đầy đủ các quy trình đánh giá rủi ro, tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, chế độ kế toán doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng đảm bảo chất lượng dịch vụ kế toán.
Nâng cao sự thận trọng và thái độ hoài nghi nghề nghiệp khi thu thập và đánh giá độ tin cậy về các hồ sơ tài liệu của khách hàng, đánh giá khả năng hoạt động liên tục của khách hàng, tính đầy đủ và chính xác về giao dịch và số dư với các bên liên quan của khách hàng, rà soát đầy đủ các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ báo cáo tài chính, nhận biết các giao dịch lòng vòng để làm “làm đẹp” các chỉ số tài chính và báo cáo tài chính.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ tài liệu; Tổ chức công tác văn thư; quản lý chữ ký, con dấu, tránh các rủi ro trong hồ sơ tài liệu của doanh nghiệp.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán và các kế toán viên hành nghề khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để tuân thủ trong quá trình cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng đảm bảo chất lượng dịch vụ.