Bộ Tài chính: Ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất xe thân thiện môi trường
Bộ Tài chính khẳng định cần có chính sách ưu đãi thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích sản xuất xe thân thiện môi trường như xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, xe điện, xe sử dụng khí thiên nhiên...
Tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đang nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường.
Được biết, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định: “Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng” áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt “bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế quy định tại Điều này”.
Bộ Tài chính cho biết, quy định nêu trên nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường là loại xe có hai động cơ: động cơ xăng và động cơ điện.
Theo đó, trong điều kiện bình thường xe chủ yếu chạy bằng động cơ điện và động cơ xăng có tính chất dự phòng khi ắc quy dùng để chạy động cơ điện hết điện. Việc sử dụng loại xe này giúp lượng khí thải ra môi trường thấp hơn nhiều so với loại xe ô tô thông thường khác.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung quy định rõ loại xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng.
“Đối với xe thân thiện môi trường, ngoài xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, xe điện còn có các loại xe sử dụng khí thiên nhiên. Do vậy cần có chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất những dòng xe này”, Bộ Tài chính khẳng định.
Trước đó, từ ngày 1/3/2022, Chính phủ cũng quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 3% đối với các dòng xe dưới 9 chỗ (trước sửa đổi là 15%) nhằm thúc đẩy ô tô điện phát triển tại Việt Nam.
Chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô điện được đánh giá là có tác động tích cực đến doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Nhờ việc hỗ trợ từ việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế, từ đó, cung ứng ra thị trường những dòng xe với mức giá tốt hơn. Người tiêu dùng từ đó cũng cơ hội mua xe điện với giá tiết kiệm hơn.
Tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.
Cụ thể, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41:2016/BGTVT, loại xe ô tô pick up chở hàng cabin kép khi tham gia giao thông được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ô tô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ô tô con.
Qua nghiên cứu cho thấy các nước trong khu vực như Singapore, Brunei, Philippines áp dụng thuế suất đối với ô tô pick up vừa chở người, vừa chở hàng cũng giống như các dòng xe khác, không phân biệt giữa các chủng loại xe.
Trong khi đó, một số nước áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô pick up chở hàng cabin kép ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ như: Campuchia thấp hơn 30%; Thái Lan thấp hơn khoảng 17%....
Do đó, để góp phần đảm bảo quản lý nhà nước đối với ô tô pick up chở hàng cabin kép và điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông tại các thành phố lớn, lệ phí trước bạ đối với ô tô pick up chở hàng cabin kép cũng đã được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ.
Theo đó kể từ ngày 10/4/2019, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô pick up chở hàng cabin kép bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Bộ Tài chính cho rằng, để bảo đảm chính sách thuế phù hợp với mục đích sử dụng xe, cần thiết phải nghiên cứu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô pick up chở hàng cabin kép cho phù hợp với quy định của chính sách thuế, phí và lệ phí hiện hành.