19:32 28/02/2023

Sẽ lùi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với loạt đồ uống mới vì doanh nghiệp đang xoay xở trong khó khăn?

Ánh Tuyết

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều loại đồ uống như: nước giải khát không cồn, đồ uống có đường, thức uống đại mạch... được xới xáo vào thời điểm ngành đồ uống Việt Nam vừa trải qua thời kỳ lao đao vì dịch lại phải chống chọi với “bão giá” nguyên liệu đầu vào, lại dấy lên mối lo ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi...

Các doanh nghiệp ngành đồ uống mong mỏi được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Các doanh nghiệp ngành đồ uống mong mỏi được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.

Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ, một trong những nội dung đáng chú ý đó là đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế thông qua việc bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn...

Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này. Trước đó, đề xuất này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều bộ, ngành.

NHIỀU LOẠI ĐỒ UỐNG VÀO "TẦM NGẮM"

Theo ghi nhận, lượng tiêu thụ đồ uống có đường, nước giải khát không cồn tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở nhóm trẻ tuổi. Năm 2021 sản lượng các loại nước giải khát tại Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ lít/năm, trong đó, 85% lượng sản xuất và tiêu thụ mỗi năm của thị trường nước giải khát chủ yếu là nước ngọt, trà uống liền, nước ép hoa quả các loại, nước tăng lực…  

Ngành nước giải khát ở Việt Nam cũng đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, với sự tham gia của hàng loạt công ty lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Red Bull, CocaCola Việt Nam…

Theo thống kê từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh thu của ngành mỗi năm đạt tới trên 200.000 tỷ đồng, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng hàng năm cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân, béo phì và là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Theo thống kê trong giai đoạn 2002 - 2016, tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam trên 18 tuổi ở cả hai giới tăng mạnh 68%.

Cũng theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.

Do đó, "giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, đây là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phố biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra", Bộ Y tế nhìn nhận.

Vì vậy, WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lý giải việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc bảo vệ sức khỏe người dân khỏi các sản phẩm không có lợi như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn... Đồng thời, thực hiện các khuyến nghị của WHO và các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như định hướng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ.

GÁNH CHỊU THIỆT HẠI NẶNG NỀ, NGÀNH ĐỒ UỐNG CẦN THỜI GIAN PHỤC HỒI 

Tuy nhiên, phản hồi về đề xuất của Bộ Tài chính, Hiệp hội VBA cho rằng năm 2023, ngành đồ uống tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch Covid-19 cần phải khắc phục nhiều năm. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược và xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp dẫn đến những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Theo VBA, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao đối với toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ nguyên liệu thô tới các sản phẩm bao bì, đóng gói, bởi các nguyên liệu để sản xuất bia đều phải nhập khẩu từ châu Âu.

 

"Các doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam còn chịu tác động bởi một số chính sách hạn chế đồ uống có cồn, sức mua của người tiêu dùng giảm do kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid - 19, tình trạng đồ uống không rõ nguồn gốc, phi chính thức không được kiểm soát có chiều hướng gia tăng khiến cho các doanh nghiệp chính thức, làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn...", Hiệp hội VBA nêu rõ khó khăn.

Do vậy, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội VBA đều mong muốn ổn định các chính sách thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị lùi thời gian thêm việc đánh thuế từ 1-1,5 năm.

Đồng thời, VBA hy vọng nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách, phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, vì sự phát triển bền vững... 

Trước đó, năm 20218, Bộ Tài chính từng đề xuất bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế, trừ các sản phẩm sữa.

Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành cho rằng để có căn cứ thuyết phục đề nghị cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở Việt Nam với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân cụ thể. Một quan điểm khác cho rằng không chỉ nước ngọt mà nhiều sản phẩm chứa đường liệu có cần phải quản lý?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị cần xác định rõ khái niệm "đồ uống có đường" nhằm xác định rõ ở mức độ hàm lượng đường nào thì xếp vào nhóm này để áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp. 

Do đó, các đơn vị đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...

CÁC QUỐC GIA ÁP THUẾ RA SAO?

Thực tế, mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới, trong đó mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng.

Theo thống kê, năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này nhưng đến 2021 con số này lên tới gần 50 quốc gia. Trong ASEAN, có 6/10 nước đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Chẳng hạn, 6 quốc gia gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Còn Indonesia hiện đang xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Cụ thể, Thái Lan thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có ga là 20%, nước khoáng nhân tạo là 25%, nước hoa quả nhân tạo không lên men là 4%.

Indonesia kiến nghị thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và ga từ 1.500 - 2.500 rupiah cho mỗi lít tùy loại đồ uống.

Campuchia thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có ga không cồn và tương tự với thuế suất 10%; Philippines thu thuế tiêu thụ đặc biệt: 6 peso/lít đổi với đồ uống sử dụng chất làm ngọt hoàn toàn calo và chất làm ngọt hoàn toàn không calo hoặc hỗn hợp chất làm ngọt có calo và không calo; 12 peso/lit đối với đồ uống sử dụng siro ngô có hàm lượng fructose cao hoặc kết hợp với bất kỳ chất làm ngọt có calo hoặc không calo nào.

Sẽ lùi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với loạt đồ uống mới vì doanh nghiệp đang xoay xở trong khó khăn? - Ảnh 1

Một số quốc gia khác như: Kenya áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có ga, các loại nước hoa quả là 7%. Pháp thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có ga là 0,0716 Euro/lít. Anh thu 0,23 bảng Anh/lít với đồ uống có lượng đường lớn hơn 8g/100 ml...

Đối với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, Bộ Tài chính nêu rõ thực tế đã xuất hiện việc nhập khẩu sản phẩm thức uống không có cồn được sản xuất theo quy trình sản xuất và nguyên liệu sản xuất tương tự như mặt hàng bia, sau quy trình sản xuất lên men thì tách cồn khỏi sản phẩm và bổ sung hương tự nhiên.

"Do sản phẩm không có cồn nên không được xác định là bia theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; sản phẩm đáp ứng TCVN 12828:2019 về nước giải khát nên doanh nghiệp công bố tên gọi và tiêu chuẩn sản phẩm là thức uống đại mạch, do vậy, không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành", Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.

Hiện nay, một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đang nghiên cứu tiến hành áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại bia có nồng độ cồn 0 trong khoảng từ 14-22%. Tại Oman, bia có nồng độ cồn 0 chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 50% kể từ 1/10/2020 sau khi quốc gia này có các chính sách mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có mạch nha và bia không cồn.