Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 6 tháng cuối năm, mỗi tháng phải xuất khẩu 23 - 24 tỷ USD
Tính đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với 6 tháng năm 2018
Theo kịch bản tăng trưởng năm 2019 của Chính phủ nhằm đảm bảo đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của cả nước ở mức 6,6% - 6,8%, ngành Công Thương có 3 nhóm chỉ tiêu được giao gồm: Chỉ tiêu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp; Chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu và cán cân thương mại; Chỉ tiêu về tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.
Giá trị gia tăng ngành công nghiệp vượt mục tiêu đề ra
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, duy trì tỷ lệ tăng dần qua các tháng. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước tăng 9,13%, vượt mục tiêu đề ra trong kịch bản tăng trưởng (là 6T/2019 tăng 9,09%).
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78% sau nhiều năm liên tiếp giảm.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018; Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và có mức tăng cao 10,4%; Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tính đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với 6 tháng năm 2018.
Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 6,7%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ chủ yếu cho sản xuất và gia công xuất khẩu tăng do nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ việc mở rộng sản xuất cũng như đầu tư mới của doanh nghiệp.
Cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 1,64 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả khá tích cực cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực thương mại trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đạt 2.391,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 6 tháng của các năm giai đoạn 2015-2017.
"Mỗi tháng phải xuất khẩu 23-24 tỷ USD"
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá tuy thấp hơn kế hoạch song vẫn là mức tăng trưởng tích cực khi đạt 7,1% và đi kèm với đó, đạt mục tiêu kép khi kiểm soát nhập siêu với thặng dự thương mại ở mức 1,6 tỷ USD.
"Nếu căn cứ vào kết quả trong 6 tháng đầu năm và bám sát kế hoạch cả năm thì trong 6 tháng cuối năm có khả năng đạt được mục tiêu dù sẽ rất khó khăn. Muốn vậy, trung bình mỗi tháng còn lại phải đạt quy mô xuất khẩu khoảng 23-24 tỷ USD", Bộ trưởng nói.
Những tháng cuối năm, với một số công trình, dự án lớn, một số cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo được đưa vào hoạt động sẽ mở rộng năng lực sản xuất, xuất khẩu và sẽ có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng chung.
Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhân mạnh đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và sẽ có tác động rất mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình như thị trường Trung Quốc.
Do đó, cần tập trung các giải pháp để khơi thông các thị trường này, không chỉ mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch (hiện có 8 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc) mà cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ mở cửa thị trường, mặt khác đẩy nhanh tiến trình phối hợp với phía Trung Quốc để cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này.
Tận dụng các hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phát triển mạnh mẽ các hoạt động giao thương với các nước có FTA như Canada, Chile, Mexico.
Riêng với mặt hàng thép, mới đây Mỹ đã công bố áp thuế tới gần 460% với thép Việt Nam xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc, Bộ trưởng cho rằng, nguồn gốc của mặt hàng thép không phải từ Trung Quốc mà từ các quốc gia khác, như vậy, đây là nguy cơ kép vì trước đây Mỹ chấp nhận nguồn gốc nguyên liệu này nhưng hiện nay lại không chấp nhận.
Bộ Công Thương đã có Đề án về phòng vệ thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành siết chặt quản lý, đảm bảo đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng phải bền vững và bảo vệ sản xuất trong nước.