Bộ Y tế phản hồi về thủ tục chuyển tuyến gây khó khăn cho bệnh nhân
Bộ Y tế đang từng bước ứng dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn khám lại để tạo thuận tiện, kịp thời cho người bệnh. Tới đây, một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, người dân có thể đi khám tại cấp trên mà có thể không cần giấy chuyển tuyến...
Gửi kiến nghị đến Bộ Y tế, cử tri tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay theo quy định, bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tuyến trên phải làm thủ tục chuyển tuyến gây ra khó khăn.
Có những trường hợp điều trị tuyến trên đã ổn định, cần tái khám theo dõi định kỳ vẫn phải làm giấy chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện, lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh; làm giấy chuyển tuyến bệnh viện cấp Trung ương.
Việc xin thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, nhất là bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, cử trị kiến nghị Bộ Y tế cần quan tâm, xem xét đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh.
QUY ĐỊNH CHUYỂN TUYẾN ĐỂ TRÁNH QUÁ TẢI CHO TUYẾN TRÊN
Phản hồi vấn đề cử tri nêu, Bộ Y tế cho biết việc phân tuyến khám chữa bệnh hiện nay được xây dựng nhằm đảm bảo người bệnh được khám và điều trị tại các cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh, và khả năng chuyên môn của từng tuyến. Tuyến cao hơn sẽ đảm nhiệm điều trị các bệnh lý nặng và phức tạp hơn.
Khi người bệnh có tình trạng bệnh vượt quá khả năng của tuyến dưới, cơ sở y tế sẽ thực hiện thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Ngược lại, khi người bệnh đã ổn định tại tuyến trên và cần theo dõi định kỳ, họ có thể được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và chăm sóc.
Hiện nay, thủ tục chuyển tuyến được thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo quy định, từ ngày 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện trong phạm vi toàn tỉnh. Từ ngày 1/1/2021, đã được thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú. Điều này tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh ở các cơ sở tuyến huyện và tuyến tỉnh, mà không cần giấy chuyển tuyến.
Quy định về giấy chuyển tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, và mất cân đối quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế.
Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.
Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ quy định về giấy chuyển tuyến, góp phần hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng điều trị của các bệnh viện.
Để cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người bệnh, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đã có các giải pháp được đưa ra.
Đơn cử như, đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao, người bệnh có thể đi khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trên, mà không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với một số bệnh mạn tính, người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc chuyên khoa như ở cấp cao hơn, giúp họ được điều trị thuận tiện mà không phải chuyển lên cấp cao hơn, và vẫn được hưởng quyền lợi. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang từng bước ứng dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn khám lại điện tử để thuận tiện, kịp thời cho người bệnh.
ĐẦU TƯ CHO Y TẾ CƠ SỞ, HẠN CHẾ BỆNH NHÂN PHẢI VƯỢT TUYẾN
Để giảm quá tải, hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến, cử tri tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp để nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến huyện, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám, chữa bệnh chất lượng cao, không phải lên tuyến trên.
Đây cũng là kiến nghị của cử tri nhiều địa phương như TP. Hà Nội, An Giang, Bình Phước, TP. Cần Thơ…Theo đó, cử tri phản ánh chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng quá tải khám, chữa bệnh là phổ biến tại hầu hết các bệnh viện ở các tuyến, đặc biệt quá tải trầm trọng ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh.
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết công tác đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
Trong đó, đã quy định Ủy ban nhân dân các địa phương bố trí ngân sách (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Đồng thời, bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc...
Bộ Y tế đã triển khai các chương trình luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn...
Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế. Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán. Thực hiện các ưu đãi, thu hút cán bộ y tế về cơ sở làm việc. Ngoài ra, một số địa phương cũng xây dựng các chính sách thu hút đội ngũ nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế.
Hiện Bộ Y tế đang huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn, nhằm tăng cường đầu tư toàn diện hơn trong thời gian tới.
Cùng với đó, triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).