Dự kiến mỗi năm cần khoảng 151 tỷ đồng hỗ trợ các gia đình chỉ sinh 2 con gái
Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền mặt hoặc hiện vật cho những gia đình chỉ sinh 2 con gái, với kinh phí dự kiến mỗi năm khoảng 151,8 tỷ đồng...

Mới đây, trong hồ sơ dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Các giải pháp thực hiện chính sách bao gồm: Cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, trừ trường hợp xác định giới tính phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh di truyền liên quan đến giới tính.
Đồng thời, đưa nội dung không trọng nam hơn nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh vào cộng đồng dân cư. Đình chỉ có thời hạn đối với người hành nghề y có hành vi công bố, thông báo, tiết lộ thông tin về giới tính thai nhi cho khách hàng.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định trường hợp xác định giới tính phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh di truyền liên quan đến giới tính. Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật với những gia đình chỉ sinh hai con gái.
Căn cứ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từng thời kỳ, chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định áp dụng biện pháp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chính phủ thực hiện hỗ trợ theo mục tiêu để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên phạm vi toàn quốc, cũng như quy định chi tiết bổ sung các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.
Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Y tế cho rằng thực hiện giải pháp này mang lại lợi ích kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội, khi hạn chế chi phí cho việc lựa chọn giới tính, dành phần kinh phí đó để phát triển kinh tế gia đình, bồi bổ sức khỏe, chăm lo cuộc sống.
Thực hiện giải pháp này cũng sẽ góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế, an sinh xã hội, giảm phá thai, dự phòng vô sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, văn minh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng lo ngại có thể một bộ phận người dân vẫn tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi do văn hóa Nho giáo, với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới.
Về kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách đối với biện pháp ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt, hoặc hiện vật với những gia đình chỉ sinh hai con gái, Bộ Y tế dự báo mỗi năm sẽ có khoảng 385.000 trẻ sinh là con thứ hai (theo Cục Dân số tính toán trên số liệu Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4 năm 2024 của Tổng cục Thống kê – nay là Cục Thống kê).
Giả định tính theo tỷ số giới tinh khi sinh năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái, thì có 182.119 số trẻ sinh con thứ hai là trẻ em gái. Như vậy, hằng năm số gia đình sinh con thứ hai là con gái là 182.119.
Theo báo cáo chuyên khảo "Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Xu hướng, sự khác biệt và các nhân tố ảnh hưởng", của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) năm 2020, thì tỷ lệ tự nhiên của các gia đình chỉ có con gái (tức là cả hai con đều là con gái) khoảng 18,7%.
Hiện nay giả định mức sinh sẽ tăng sau khi có Pháp lệnh Dân số sửa đổi trao quyền các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định về số con, thì trong số này ước khoảng 20% số gia đình có 2 con đều là gái khoảng 36.424.
Bộ Y tế ước tính, nếu hỗ trợ một lần theo mức lương tối thiểu vùng trung bình/tháng là 4,17 triệu đồng, thì hằng năm kinh phí chi khoảng hơn 151,8 tỷ đồng.
Bộ Y tế cho rằng với dự kiến chính sách, quy định, kinh phí bảo đảm thực hiện nêu trên, việc thực hiện chính sách đã có cơ sở pháp lý của cấp có thẩm quyền, giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan.
Nếu chính sách và quy định được phê duyệt sẽ bảo đảm được tính khả thi của nguồn lực thực hiện chính sách. Giải pháp hiện hành và giải pháp đề xuất trong Luật Dân số đều mang lại những kết quả nhất định trong việc ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh; tác động tích cực, đồng bộ để làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.