08:57 14/08/2007

“Bơm” vốn, chặn khủng hoảng kinh tế

Quốc Trung

Các chỉ số chứng khoán sụt giảm liên tục tuần qua do sự bất ổn nghiêm trọng của thị trường tài chính toàn cầu

Mặc dù các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ đã rót hàng chục tỉ USD vào hệ thống ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau "cú sốc" tín dụng, giá cổ phiếu trên thị trường tài chính toàn cầu ngày 10/8 vẫn tiếp tục giảm sút - Ảnh: Reuters.
Mặc dù các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ đã rót hàng chục tỉ USD vào hệ thống ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau "cú sốc" tín dụng, giá cổ phiếu trên thị trường tài chính toàn cầu ngày 10/8 vẫn tiếp tục giảm sút - Ảnh: Reuters.
Các chỉ số chứng khoán sụt giảm liên tục tuần qua do sự bất ổn nghiêm trọng của thị trường tài chính toàn cầu. Lo ngại khủng hoảng kinh tế thế giới, trong 48 giờ, các ngân hàng Á-Âu đã "bơm" 326 tỷ USD nhằm cứu vãn tình hình.

Cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã bùng phát do những lo ngại về bất ổn tín dụng bắt đầu xảy ra tại thị trường cho vay thế chấp thứ cấp của Mỹ, nhiều khoản vay đang chuyển sang nợ xấu. Ngân hàng BNP Paribas của Pháp quyết định ngừng hoạt động ba quỹ cho vay ở Mỹ.

Cú sốc nặng với trung tâm tài chính London

Trong nửa cuối tuần qua, đặc biệt là ngày 10/8, thị trường chứng khoán châu Âu đã bị chao đảo mạnh, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London giảm hơn 120 điểm trong phiên giao dịch đầu giờ.

Chỉ số chứng khoán của các công ty hàng đầu ở London cũng mất 89,3 điểm (1,4%). Cổ phiếu của các ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giá cổ phiếu của Ngân hàng Barclays giảm 3,7%, Lloyds TSB giảm 1,5%...

Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng khủng hoảng tài chính sẽ đi kèm với việc lãi suất sẽ tăng lên mức 6% và đồng nghĩa với việc trong vòng hai năm tới, kinh tế Anh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Kinh tế Anh dễ bị tác động bởi những biến động giá cả trên thị trường tài chính nhiều hơn các nền kinh tế khác vì nó quá phụ thuộc vào "sức mạnh" của trung tâm tài chính London.

Mặc dù các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ đã rót hàng chục tỉ USD vào hệ thống ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau "cú sốc" tín dụng, giá cổ phiếu trên thị trường tài chính toàn cầu ngày 10/8 vẫn tiếp tục giảm sút.

Trên thị trường chứng khoán New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 200 điểm ngay trong phiên giao dịch buổi sáng. thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm mạnh, song đã phục hồi đôi chút trong phiên giao dịch sáng 13/8, với chỉ số MSCI (chỉ số chứng khoán châu Á không kể Nhật) tăng 1,20%, nhưng chỉ số chứng khoán ở nhiều nước vẫn giảm.

Nhà phân tích Martin Slaney, thuộc GFT Global Markets, nói: "Các thị trường rất nhạy cảm đối với bất kỳ thông tin lo ngại về thị trường vay thế chấp. Mối lo ngại bao trùm hiện nay là các thị trường tín dụng toàn cầu sẽ phải chịu "cơn lũ quét" như những tác động tiếp theo của những rắc rối đang diễn ra tại thị trường cho vay thế chấp của Mỹ".

Các ngân hàng “đổ dầu vào lửa”

Một số nhà phân tích khác cho rằng, tương tự như cuộc khủng hoảng của các thị trường lớn nhất toàn cầu sau sự kiện 11/9/2001, các ngân hàng trung ương lần này đã nỗ lực bình ổn bằng cách bổ sung nhiều tỉ USD vào thị trường toàn cầu, tuy nhiên, hành động này chỉ khiến tình hình trở nên đáng báo động hơn.

Theo các nguồn tin nước ngoài, trong 2 ngày 9 và 10/8, các ngân hàng lớn và tổ chức tài chính ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật đã tung ra khoảng 326 tỷ USD để duy trì hoạt động của thị trường tài chính, hy vọng ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế hàng đầu của thị trường vốn BMO ở Toronto (Canada), ông S. Kuper ví von Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke "đang có cảm giác như thuyền trưởng tàu Titanic đâm vào tảng băng giữa đêm tối, sương mù và không biết thiệt hại đến mức độ nào". Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu J.C. Trichet cho biết, cảm giác như ngồi trên đống lửa.

Ngay sau quyết định của BNP Paribas, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lập tức tung ra khoản tiền khổng lồ gần 95 tỷ Euro cho các ngân hàng vay nhằm giảm tác động trên thị trường tiền tệ của châu lục này.
ECB ngày 10/8 còn rót thêm hơn 62 tỷ Euro nữa. Đây là khoản tiền kỷ lục và cao hơn nhiều so với số tiền mà ECB tung ra sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

ECB gọi quyết định hỗ trợ các ngân hàng châu Âu này là một "chiến dịch điều chỉnh" thị trường ngân hàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 10/8 đã 3 lần can thiệp và bổ sung thêm 38 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng của nước này, đưa tổng số tiền mà FED rót vào hệ thống tài chính từ ngày 9/8 lên 62 tỉ USD.

FED còn mạnh mẽ tuyên bố sẵn sàng tung ra một lượng tiền đủ để ngăn chặn những tác động xấu của tình hình căng thẳng hiện nay của thị trường cho vay thế chấp đối với nền kinh tế Mỹ.

Lo ngại cuộc khủng hoảng tín dụng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng trung ương Canada, Australia,... cũng đã phải rót hàng tỉ USD cho hệ thống ngân hàng trong nước với lãi suất cho vay thấp.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết đã chi 8,45 tỷ USD trong ngày 10/8; Ngân hàng Dự trữ Australia cũng đã bổ sung khoảng 4,2 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng.