Lạm phát lõi ở Nhật Bản bớt nóng, BOJ vẫn có thể tăng lãi suất
Lạm phát lõi của Nhật đã chậm lại trong tháng 6 nhưng đã duy trì trên mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong hơn 3 năm...

Điều này cho thấy áp lực tăng giá dai dẳng và củng cố kỳ vọng của thị trường về việc BOJ sẽ tăng lãi suất hơn nữa.
Trong bối cảnh như vậy, BOJ đối mặt thách thức không nhỏ trong việc cân bằng giữa một bên là áp lực lạm phát gia tăng và một bên là rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế từ chính sách thuế quan của Mỹ. Chọn thời gian để tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ là một công việc không dễ dàng đối với BOJ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi - thước đo không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, nhóm hàng hóa có mức độ biến động giá cao và thường xuyên - tăng 3,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu thống kê chính thức được công bố ngày 18/7.
Mức tăng này khớp với dự báo trung bình trước đó của thị trường, nhưng thấp hơn mức tăng 3,7% trong tháng 5. Sự giảm tốc này của lạm phát chủ yếu do việc chính sách trợ cấp giá xăng dầu được nối lại, nhưng mức lạm phát lõi vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BOJ tháng thứ 39 liên tiếp.
Một chỉ số khác, được gọi là lạm phát “lõi của lõi”, loại bỏ cả giá thực phẩm tươi sống và nhiên liệu - được BOJ theo dõi chặt chẽ với tư cách một thước đo giá cả do nhu cầu trong nước quyết định - tăng 3,4% trong tháng 6 so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng 3,3% trong tháng 5.
“Lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao và gần như chắc chắn sẽ vượt quá dự báo của BOJ. Tuy nhiên, với căng thẳng thương mại đang phủ bóng lên nền kinh tế, vẫn có khả năng BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất lâu hơn dự báo”, nhà kinh tế cấp cao Abhijit Surya của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận xét.
Dữ liệu lạm phát mới này sẽ là một trong những yếu tố mà BOJ sẽ xem xét kỹ lưỡng tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 30-31/7. Giới phân tích cho rằng hội đồng BOJ dự kiến sẽ điều chỉnh tăng dự báo lạm phát trong báo cáo cập nhận hàng quý.
Giá thực phẩm, không bao gồm các loại thực phẩm tươi sống dễ biến động như rau, đã tăng 8,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ 2024, cao hơn so với mức tăng 7,7% của tháng trước đó, cho thấy áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng đối với các hộ gia đình.
Giá gạo ở Nhật Bản gần như tăng gấp đôi so với mức của năm trước, dẫn đến giá cơm nắm tăng đột biến 19% và giá sushi ở tiệm tăng 6,5% - theo báo cáo lạm phát. Tuy nhiên, giá gạo ở Nhật đang có dấu hiệu dịu đi. Trong tháng 5, giá gạo ở nước này tăng 101,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn nửa thế kỷ. Trong tháng 6, tốc độ tăng của giá gạo so với cùng kỳ năm ngoái là 100,2%.
Giá gạo dịu đi sau khi Chính phủ Nhật Bản xả kho gạo dự trữ để hạ nhiệt giá gạo, nhưng vẫn ở mức cao. Giá gạo ở nước này bắt đầu tăng mạnh từ nửa sau năm 2024 do vụ thu hoạch mất mùa vào năm 2023.
Trong khu vực dịch vụ, mức lạm phát là 1,5% trong tháng 6, tăng từ mức 1,4% trong tháng 5, cho thấy rằng các công ty đang đẩy chi phí lao động gia tăng về phía người tiêu dùng, dù với tốc độ lạm phát của khu vực dịch vụ vẫn chậm hơn so với lạm phát giá hàng hóa.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda vẫn nói rằng BOJ sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất để đảm bảo rằng lạm phát cơ bản - tức sự tăng giá do nhu cầu trong nước tăng và tiền lương tăng - đạt mức 2% một cách bền vững.
Việc giá cả tăng trên diện rộng đang khiến BOJ quan tâm nhiều hơn đến việc liệu giá cả tăng do chi phí đẩy có thể ảnh hưởng đến lạm phát cơ bản thông qua việc gây ra thay đổi trong kỳ vọng của công chúng về lạm phát trong tương lai hay không. “Nếu rủi ro lạm phát gia tăng, BOJ có thể cần hành động quyết đoán như một người bảo vệ sự ổn định giá cả” và điều đó có nghĩa là tăng lãi suất - bà Naoki Tamura, một thành viên có quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ của BOJ, phát biểu hồi tháng 6.
Năm ngoái, BOJ đã chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài hơn 1 thập kỷ. Đến tháng 5 năm nay, cơ quan này đã có 3 đợt tăng lãi suất, đưa lãi suất ngắn hạn lên 0,5%, cao nhất trong 17 năm. Cơ sở của việc tăng lãi suất này là quan điểm rằng Nhật Bản đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Mặc dù BOJ đã phát tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất lên cao hơn nữa, nhưng tác động của thuế quan Mỹ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã buộc BOJ phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế vào tháng 5 năm nay, và đối mặt với một quyết định khó khăn về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
Theo giới phân tích, một yếu tố then chốt đối với thời điểm tăng lãi suất của BOJ là liệu các công ty Nhật Bản có tiếp tục tăng lương vào năm tới hay không trong bối cảnh những trở ngại từ thuế quan của Mỹ.
Nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong quý 1 năm nay do chi phí sinh hoạt tăng cao khiến tiêu dùng suy yếu. Kim ngạch xuất khẩu giảm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6 vừa qua khi thuế quan của Mỹ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ở đất nước mặt trời mọc.
Phần lớn các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters vào tháng 6 dự kiến BOJ sẽ không có thêm đợt tăng lãi suất nào trong năm nay. Các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America dự báo đến tháng 1/2026, BOJ mới có đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Cuối tuần này, Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc bầu cử Thượng viện - kỳ bầu cử mà mối quan tâm của cử tri tập trung vào vấn đề chi phí sinh hoạt. Cùng với đó, thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt nền kinh tế Nhật trước rủi ro rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế kỹ thuật. Ông Trump đã nói rằng ông không kỳ vọng đạt đực một thỏa thuận thương mại với NHật Bản.
Nếu không có thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật, thuế quan 25% mà ông Trump áp lên hàng hóa Nhật Bản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.