14:54 29/09/2011

Bức tranh kinh tế 9 tháng: “Không được chủ quan”

Anh Quân

Nhiều cân đối vĩ mô cho thấy nền kinh tế đã qua giai đoạn "đen tối". Nhưng ở mỗi con số cụ thể vẫn còn đọng lại những lưu ý

Chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến tại thời điểm 1/9 đã giảm tới 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chuyện hy hữu từ trước tới nay.
Chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến tại thời điểm 1/9 đã giảm tới 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chuyện hy hữu từ trước tới nay.
“Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng, có thể thấy kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 11 đã có những chuyển biến tích cực”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói trước báo giới, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 26/9.

Tiếp sau sự kiện kể trên, nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng này cũng khẳng định, tăng trưởng kinh tế được cải thiện; lạm phát có xu hướng giảm dần; thu ngân sách đạt khá, góp phần giảm bội chi; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, nhập siêu tiếp tục giảm; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm...

Bằng ấy những chỉ tiêu và cân đối vĩ mô “sáng” hơn trước cho thấy nền kinh tế đã qua giai đoạn "đen tối", khiến quan điểm của ông Đam có sức thuyết phục. Nhưng ở mỗi con số cụ thể vẫn còn đọng lại những lưu ý.

Tăng trưởng mấy quý gần đây, theo các cơ quan thuộc Chính phủ, đều đạt mức cao hơn so với quý trước. Nhưng ngược với những con số dần được cải thiện, nhiều doanh nghiệp “kêu như vạc” chuyện khó ở đầu vào sản xuất do tăng thêm chi phí, lẫn tiêu thụ ở đầu ra nhùng nhằng chẳng chịu bứt phá.

Mức tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2011 chỉ đạt 5,76%, dù thấp hơn so với con số tương ứng của 9 tháng năm 2010, vẫn cho thấy sản lượng nền kinh tế đang dần phục hồi qua các quý. Nhưng điểm đáng chú ý là sụt giảm tăng trưởng ở các ngành kinh tế cấp 1, dù đều thấp hơn khoảng 0,6-0,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, mức độ ảnh hưởng là rất khác nhau do không cùng tỷ trọng đóng góp vào GDP.

Nông nghiệp có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều nhất, đóng góp của ngành vào tăng trưởng chung dưới 0,4%, tương ứng với GDP 9 tháng chỉ đạt mức tăng 2,39% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,04%). Tuy nhiên, xét về giá trị thì nông nghiệp chịu áp lực lớn từ tăng giá thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù khối lượng xuất khẩu phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do giá tăng cao, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên đến 18,9 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này là bất lợi đối với mặt bằng giá chung trong nước. Do lương thực và thực phẩm có quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát tại Việt Nam bị ảnh hưởng ghê gớm từ diễn biến giá thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo năm tính đến tháng 9/2011, dù đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn tăng ở mức hơn 22,4%, trong đó, đóng góp của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lên đến trên 13,3%.

Dù đối với với đại bộ phận lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, giá cả tăng cao là có lợi, xét ở một góc độ cải thiện chênh lệch thu nhập. Nhưng hẳn nhiên, lợi ích thực tế thu về chưa chắc đã nằm trọn trong các con số về tăng giá trị nói trên.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhập khẩu nguyên liệu nông, lâm nghiệp 9 tháng năm 2011 so với cùng kỳ tăng gần 30,4%. Có nghĩa, phần tăng giá nông sản bị tác động rất lớn bởi tăng giá đầu vào từ phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Ngược lại, sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng có mức điều chỉnh về tăng trưởng giá trị tương đương với nông nghiệp, nhưng tỷ trọng trong GDP cao gấp khoảng 2 lần cho thấy các ngành này vẫn còn duy trì được trong khó khăn. Tuy nhiên, lợi suất lại là điều đáng bàn.

Trong khi sức mua bị “hút” vào nông sản như đề cập ở trên, sản phẩm công nghiệp dù vẫn tăng trưởng về sản lượng đến 6,62% nhưng chịu sức ép ở hai đầu: chi phí dâng lên nhưng tiêu thụ không tăng tương ứng với sản lượng. Công nghiệp tăng trưởng trong khó khăn có lẽ là cụm từ lý giải hợp lý cho 9 tháng năm 2011.

Bởi lẽ, trong khi lạm phát tăng cao và kéo lãi suất lên tới mức “khó chịu” đối với các doanh nghiệp, chỉ số giá bán sản phẩm người sản xuất hàng công nghiệp 9 tháng năm nay chỉ tăng gần 18,3%.

Trong khi đó, cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất 9 tháng năm 2011 so với cùng kỳ tăng gần 17,5%. Liên quan tới con số này, chỉ số giá USD tương ứng tăng xấp xỉ 9,7%. Những con số kể trên khi phản ánh vào chi phí sản xuất sẽ khiến cho giá thành đội lên tương ứng. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì cho hay: "Rất ít người vay được với lãi suất dưới 17%/năm".

Ngược lại, tổng mức bán lẻ 9 tháng đã loại trừ yếu tố giá tăng chưa đến 4%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp cùng thời kỳ. Bài toán đầu tiên đối với doanh nghiệp trong hoàn cảnh này, thông thường là tiết giảm lại sản xuất và cố gắng hạ thấp tồn kho xuống mức thấp nhất.

Tính toán trên số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng thực tế giảm từ 0,7-1,1% trong tháng 6 và tháng 7, trước khi tăng trở lại khoảng 4% trong tháng 8. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến cũng cho thấy sự sụt giảm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8.

Ở hoàn cảnh đó, chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến điều chỉnh rất mạnh trong tháng 8. Số liệu chốt tại thời điểm 1/9 của chỉ số này đã giảm tới 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chuyện hy hữu từ trước tới nay.

Từ các chỉ số này, có thể cho rằng khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thu gọn lại sản xuất, hạn chế tồn kho để giảm tác động từ chi phí vay vốn kinh doanh tăng cao. Cũng liên quan đến diễn biến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết đã có 4,7 nghìn doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng năm 2011.

Nhưng còn một điểm đáng lưu ý khác, phải chăng các doanh nhân còn e ngại những bất ổn ở giai đoạn cuối năm?

Trong một báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây, cơ quan này đề cập đến 3 nhân tố có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế 3 tháng tới.

Thứ nhất, Ủy ban cho rằng về cuối năm, tình hình ngoại hối có thể căng thẳng do một số yếu tố như cầu ngoại tệ có xu hướng tăng cao do yếu tố mùa vụ, các doanh nghiệp tăng mua USD để nhập khẩu và thanh toán. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp trước đây vay ngoại tệ bán lấy VND để kinh doanh, nay cần mua để trả nợ vay.

Thứ hai, thị trường chịu áp lực trước nhu cầu điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản mà điển hình là điện. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực đang tiếp tục “hối thúc” điều chỉnh tăng giá bán điện trong khi lạm phát tâm lý còn lớn.

Thứ ba, cung tiền, tín dụng, chi ngân sách các tháng cuối năm có xu hướng tăng, nếu không được kiểm soát hợp lý sẽ tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Ủy ban khuyến cáo tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 1,5%/tháng và trần tăng trưởng tín dụng nên ở mức 15% là phù hợp.

“Chúng ta không được chủ quan vì tình hình còn rất khó khăn”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này hôm họp báo Chính phủ. Quan ngại của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia được vị này cân đong cụ thể, với lạm phát tâm lý tăng 1% sẽ làm ảnh hưởng tăng lạm phát thật 0,64%; với tỷ giá tăng 1% sẽ kéo lạm phát tăng tới hơn 2%..., ông Đam dẫn lại một kết quả nghiên cứu.