14:00 07/01/2022

Bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021

Chu Khôi

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt được thành tích không ai ngờ tới, với kỷ lục trên 48,6 tỷ USD. Trong đó, có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả, gạo...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 tăng cao kỷ lục.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 tăng cao kỷ lục.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thủy sản là 41,25 tỷ USD. Đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD, khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đưa lên 44 tỷ USD. Kết thúc năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đã vượt 48,6 tỷ USD, vượt tới 4,6 tỷ USD so với con số Thủ tướng giao.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản qua các năm.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản qua các năm.

LÂM SẢN "THĂNG HOA", THỦY SẢN VỀ ĐÍCH

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã lập kỷ lục 15,87 tỷ USD trong năm 2021, trong đó nhóm gỗ và đồ gỗ đạt 14,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu gỗ vào các thị trường truyền thống đều tăng trưởng cao, điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tranh thủ được cơ hội từ các hiệp định AFTA mà Việt Nam tham gia.

Cụ thể, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021 là Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt tới 9,1 tỷ USD, tăng 21,4 % so với năm 2020; thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020; Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với 1,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020; thứ tư là thị trường EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 14,4 % so với năm 2020; thứ năm là thị trường Hàn Quốc với 0,95 tỷ USD, tăng 5,7 % so với năm 2020.

Ngành thủy sản năm nay phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến trầm trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xuất khẩu thủy sản đã cán đích với 8,9 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2020.

Có được thành tích đó là nhờ xuất khẩu hai tháng cuối năm liên tục tăng trưởng cao khi các biện pháp giãn cách được tháo gỡ. Xuất khẩu tôm đã đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước. Xuất khẩu cá tra cũng hồi phục với 1,55 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu những nông sản chủ lực
Giá trị xuất khẩu những nông sản chủ lực

ĐIỀU, CAO SU, RAU QUẢ, GẠO ĐỀU VƯỢT TRÊN 3 TỶ USD

Năm 2021, xuất khẩu điều đạt 577,5 nghìn tấn và 3,63 tỷ USD; tăng 12% về khối lượng, tăng 13,6% về giá trị so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh vừa phải ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa phải ứng phó với tình trạng thiếu container, chi phí logistics tăng cao.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, đạt khối lượng 149.000 tấn, trị giá hơn 880.600 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này; thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng hơn 24% kim ngạch xuất khẩu điều cả nước.

 

Xuất khẩu rau quả đạt 3,52 tỷ USD trong năm 2021, tăng 8,6% so với năm trước và hầu hết các thị trường chính đều tăng, trừ thị trường Trung Quốc và Hà Lan. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 54,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tuy nhiên đã giảm mạnh so với năm 2020.

Xuất khẩu cao su năm 2021 đạt 1,95 triệu tấn, với 3,24 tỷ USD. Nhờ giá cao su liên tục tăng cao, nên dù lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 11,7% so với năm 2020, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng đến 36,2%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vị trí thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc trong nhiều năm luôn đứng ở tốp đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2021, xuất khẩu cao su Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng trưởng ấn tượng: tăng 57,8% về lượng và tăng 95,2% về trị giá so với năm 2020.

Các chuyên gia thị trường nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2021 và có thể cả ở năm 2022 sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, sẽ cho Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.

Xuất khẩu gạo năm 2021 đạt 6,19 triệu tấn, kim ngạch 3,27 tỷ USD; tăng 0,8% về khối lượng và tăng 7,2% giá trị. Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu năm 2021 không đạt mục tiêu 6,5 triệu tấn, nhưng do giá bán tăng nên kim ngạch xuất khẩu lại vượt chỉ tiêu 3 tỷ USD đề ra.

Một điểm nhấn ấn tượng của ngành lúa gạo trong năm 2021 là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam cao hơn giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Đơn cử như trong tháng 11/2021, giá gạo tẻ thường loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 438 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan là 373 USD/tấn, Ấn Độ là 358 USD/tấn và Pakistan 363 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng và tăng giá trị, tức là giảm số lượng gạo xuất khẩu nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo lại tăng.

Tuy không đạt được mục tiêu 3 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn tăng 5,9% so với năm 2020, đạt 1,5 triệu tấn (giảm 4,4% về khối lượng), đem về 2,99 tỷ USD. Trong những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). 

Tuy chỉ ở ngưỡng 1 tỷ USD, nhưng ngành hàng hồ tiêu đã tạo nên mảng sáng vô cùng ấn tượng trong bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 260.000 tấn hạt tiêu với kim ngạch 940 triệu USD. So với năm 2020, khối lượng tiêu xuất khẩu giảm gần 9%, nhưng nhờ giá tiêu xuất khẩu tăng 54% nên kim ngạch xuất khẩu tăng tăng tới 44%.

Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vị trí thống trị ngành hồ tiêu toàn cầu với 40% về sản lượng và trên 60% về lượng xuất khẩu trên thế giới. VPA nhận định: xu hướng sắp tới, giá cước tàu biển và giá thuê container khó giảm, trong khi đó sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục giảm khoảng 10% so với năm 2021. Vì những lý do trên, giá xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2022.

TÌNH TRẠNG TẮC NGHẼN TẠI CỬA KHẨU NGHIÊM TRỌNG HƠN CÁC NĂM TRƯỚC

Tình trạng hàng hóa nông sản ùn ứ, tắc nghẽn tại cửa khẩu vốn đã xảy ra thường xuyên từ nhiều năm, thì hiện tại càng trầm trọng hơn những năm trước. Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn (như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma...) đã kéo dài từ đầu tháng 12/2021 đến nay.

Tại thời điểm ngày 20/12/2021, tồn 4.598 xe container và xe tải vận chuyển nông sản chờ thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản ở cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết, các chuyên gia cho rằng, do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Hiệp định thư xuất khẩu nông sản, nên hiện nay 100% hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan hải quan phía Trung Quốc kiểm tra, gây ảnh hưởng đến tiến độ thông quan.

Muốn chấm dứt tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật.

Các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển.

Nhìn toàn diện các thị trường, để đảm bảo phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bền vững và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới, phải đảm bảo duy trì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất, đến vận chuyển, chế biến cũng như xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tham gia đầy đủ toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là những mắt xích còn thiếu và yếu như cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, bảo quản nông sản, hạ tầng logistics...