13:30 12/08/2021

“Thông đường” cho xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc

Chu Khôi

Các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc cần đảm bảo lưu thông nông sản qua biên giới. Đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc khi nước bạn áp dụng quy định mới từ năm 2022...

Tháo gỡ thủ tục thông quan, tránh ùn ứ tại cửa khẩu.
Tháo gỡ thủ tục thông quan, tránh ùn ứ tại cửa khẩu.

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc với lãnh đạo bốn tỉnh biên giới là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng, cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, chiều 11/8/2021.

XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC TĂNG ẤN TƯỢNG

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông, lâm thủy sản sang Trung Quốc vẫn đạt những con số vô cùng ấn tượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8%. Cụ thể, rau quả đạt 1,21 tỷ USD, tăng 16,1%; xuất khẩu gạo đạt 308,7 triệu USD, tăng 12,5%; hạt điều đạt 292,1 triệu USD tăng 85,3%.

Đặc biệt, xuất khẩu cao su tăng kỷ lục, đạt 793,7 triệu USD, tăng tới 82,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 814,0 triệu USD, tăng 27,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 566,1 triệu USD, tăng 32,6%.

 
"Hiện nay phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam. Do vậy, thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác, như Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%".
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây sang Trung Quốc qua các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 335 triệu USD.

Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II đã làm thủ tục kiểm dịch cho 4.429 lô hàng với tổng khối lượng gần 1,3 triệu tấn, tăng 94,31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là thanh long với 1.075 lô, khối lượng 454.300 tấn, tăng trên 242% so với cùng kỳ; mít quả tươi 1.251 lô, khối lượng gần 226.000 tấn, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Quỳnh, gần đây do tình hình dịch Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh bị ảnh hưởng lớn, có ngày chỉ xuất khẩu được 37 xe hàng.

Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa có nhu cầu xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng cao, trong khi năng lực bến bãi tại khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu nên các lực lượng đã phải tổ chức phân luồng, điều tiết phương tiện và bố trí địa điểm dừng đỗ tạm thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Bùi Văn Khắng chia sẻ, tổng trọng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh từ 1/1  đến 31/7/2021 đạt 1,14 triệu tấn, tăng  91,35% so cùng kỳ 2020; trong đó có hơn 800.000 tấn là nông lâm thủy sản.

“Hiện chỉ có 10% là xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, còn lại xuất khẩu chủ yếu theo chính sách biên mậu. Đây là nút thắt cần tháo gỡ và có sự vào cuộc của cơ quan chức năng hai nước. Thương nhân, doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật thông tin kịp thời về điều kiện xuất khẩu như: kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… nên hàng hóa thông quan gặp nhiều khó khăn”, ông Khắng phản ánh.

 
"Lượng hàng hóa lưu trữ tại các cửa khẩu của tỉnh hiện lên tới 4.000 - 5.000 tấn, trong khi số lượng kho lạnh chưa kịp đáp ứng. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc quy định chặt chẽ về kinh doanh biên mậu khiến nông lâm thủy sản Việt Nam lưu thông chậm qua biên giới".
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

"Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cấp cửa khẩu, cảng để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa; hoàn thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa", ông Khắng cam kết, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, để giảm lệ thuộc vào kinh doanh biên mậu.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đạt 671.640 tấn, tăng 28,93%; kim ngạch xuất khẩu đạt 602,14 triệu USD, tăng 38,03% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Trung Quốc vẫn dùng lái xe chuyên trách nên làm chậm khả năng thông quan hàng hóa. Do đó, để tránh hàng hóa bị ùn ứ, ông Duy kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý.

Cùng với đó, các tỉnh cần cung cấp thông tin về chủng loại, số lượng, thời điểm thu hoạch các loại nông sản về các đầu mối tiêu thụ là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để kết nối với các địa phương có cửa khẩu” ông Duy đề nghị.

 NÂNG CẤP HẠ TẦNG XUẤT NHẬP KHẨU

Trong bối cảnh lưu thông đường bộ và đường thủy được siết chặt để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, cần tận dụng khả năng giao thương qua đường sắt. Một chuyến tàu có thể chở hàng chục container, có nghĩa chúng ta sẽ giảm được chừng ấy xe trên đường bộ.

Tiếp thu ý kiến từ các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, chủ trương đầu tư cho cơ sở hạ tầng, từ cao tốc, đường sắt, đến cảng biển, cần được đẩy mạnh.

Theo ông Tiến, trong bối cảnh dịch Covid-19, cơ quan chức năng của Trung Quốc có rất nhiều quy định mới trong việc nhập khẩu nông sản. Thời gian qua, các tỉnh có cửa khẩu đã vào cuộc rất tích cực, quan hệ tốt với các địa phương của Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu, nhờ vậy thương mại nông sản giữa hai nước đang có sự tăng trưởng tốt.

 
Hiện Việt Nam đã xuất khẩu 9 loại trái cây chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị hồ sơ cho 8 loại nông sản nữa để xuất khẩu chính ngạch, chỉ chờ dịch Covid-19 được kiểm soát để ký Nghị định thư với Trung Quốc.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc khi nước bạn áp dụng quy định mới từ 2022.

Theo đó, các đơn vị chuyên môn, ngoài hướng dẫn sản xuất bằng văn bản, cần hướng dẫn thêm bằng trực tuyến, trực tiếp tại cơ sở để người dân, địa phương sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong xuất khẩu. Cục Bảo vệ thực vật cần giảm thiểu tối đa các quy trình kiểm dịch thực vật trong phạm vi cho phép.

Với các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, Thứ trưởng đề nghị tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tuân thủ các yêu cầu từ phía doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc.

“Chúng ta cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển. Muốn làm được như vậy, các bên phải liên tục giữ liên lạc và thông tin cho nhau”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.