[Cà phê cuối tuần] Nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI Mỹ vào Việt Nam
Nhiều nhà đầu tư Mỹ khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư tập trung vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp, hạ tầng, y tế, giáo dục
Năm 2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc được đánh giá là cơ hội vàng cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI từ Mỹ và các nước kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2020, Mỹ đầu tư vào Việt Nam xếp thứ 12, với tổng vốn 222 triệu USD. Luỹ kế, tổng vốn FDI Mỹ vào Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD. Nguồn vốn này được đánh giá chưa tương xứng với mối quan hệ thương mại giữa hai bên Việt - Mỹ.
Việt Nam không phải điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. So với các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, lợi thế Việt Nam ít hơn. Do đó, để thu hút được dòng vốn chất lượng từ Mỹ, Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu không muốn để vuột mất một cơ hội lớn.
Cà phê cuối tuần kỳ này, VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (Vafie) xung quanh câu chuyện thu hút đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh bầu cử Mỹ chờ ngày hồi kết, các sắc lệnh mới của Mỹ thời kỳ tiếp theo dưới quyền Tổng thống nhiệm kỳ mới liệu có tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam?
XUẤT HIỆN NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC TỪ VỐN FDI MỸ VÀO VIỆT NAM
Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam nhưng dường như vẫn còn e ngại, chưa đầu tư nhiều so với dòng vốn Mỹ đổ ra ngoài thế giới mỗi năm. Ông nhìn nhận thế nào về quan hệ FDI giữa Việt Nam và Mỹ?
Những năm trước xếp thứ tự các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Mỹ dậm chân tại vị trí số 10 -11 nhưng năm 2019 tụt xuống xếp hạng thứ 12, chưa tương xứng với quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Mỹ.
Tuy nhiên, lưu ý là Mỹ đầu tư ra các nước trong đó có Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau như British Virgin Islands, Panama, Hồng Kông, đây đều là những thiên đường thuế. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì nguồn đầu tư đó ra nước ngoài cũng khá nhiều. Như vậy, thực tế tổng nguồn vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam có thể lớn hơn 10 tỷ USD cả trực tiếp lẫn gián tiếp, thông qua một nước thứ ba.
Kể từ năm 2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc xuất hiện. Trong làn sóng ấy, Việt Nam có thực sự được hưởng lợi như chúng ta vẫn luôn kỳ vọng?
Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những tháng vừa qua chững lại do xu thế sụt giảm chung của dòng vốn toàn cầu. Cùng với tác động của đại dịch Covid 19 thì việc giữ được nguồn vốn vào tương đương như những năm trước đã là cố gắng, nỗ lực rất tốt. Việc trông vào xu thế dịch chuyển sản xuất sẽ có độ trễ nhất định, không thể tính theo tháng mà có thể phải tính theo năm.
Những chính sách của ông Trump được đánh giá là hướng nội, đưa các doanh nghiệp trở về khôi phục thị trường Mỹ, tạo việc làm và phát triển nền kinh tế. Như vậy khả năng dòng vốn sẽ quay đầu trở về Mỹ nhiều hơn là sang các nước khác, trong đó có Việt Nam?
Trong 4 năm điều hành đất nước, các chính sách của ông Trump đúng là xoay trục lại, xu hướng bảo hộ trong nước, dù vậy quan điểm vẫn là làm cho Mỹ mạnh lên. Chẳng hạn, ngay sau một thời gian ngắn nhậm chức, ông Trump đã ký lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay thời gian đây sau những lùm xùm không giải quyết Mỹ cũng rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Chính sách hướng nội của ông Trump nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo tồn giá trị của Mỹ về mặt công nghệ. Mặt khác do tác động của đại dịch Covid nên ông Trump càng hối thúc doanh nghiệp quay trở lại Mỹ gấp rút hơn. Điểm tích cực là nhiều người Mỹ, đặc biệt là tầng lớp doanh nghiệp, trung lưu ủng hộ nhưng lại làm giảm sút dòng vốn đầu tư của Mỹ ra nước ngoài.
Trước đây vốn giải ngân FDI ra nước ngoài của Mỹ đạt 300 tỷ nhưng những năm vừa rồi như 2019 sụt giảm mạnh. Tại Việt Nam, trước đây Mỹ đầu tư vào Việt Nam cao hơn Trung Quốc nhưng gần đây Trung Quốc vượt lên, đầu tư vào Việt Nam mạnh. Đặc biệt năm 2019 đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đứng thứ 4-5, điều chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, đang có nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Theo thông tin tôi có được thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc với nhiều tập đoàn lớn, cả kể các tập đoàn bắt đầu đầu tư ra ngoài lẫn tập đoàn muốn di chuyển địa điểm sang nước thứ ba. Họ đang khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư tập trung vào vấn đề năng lượng tái tạo, nông nghiệp, hạ tầng, y tế, giáo dục…
Các dự án của Mỹ giá trị rất lớn, vài tỷ đô. Nếu những dự án này mà trở thành hiện thực thì tạo bước ngoặt trong thu hút dòng vốn lớn, chất lượng cao vào Việt Nam.
Vậy còn ông Biden thì sao? Nếu trong trường hợp bầu cử Mỹ ngã ngũ, tác động thế nào đến vốn FDI vào Việt Nam, không chỉ từ Mỹ mà cả các nước thứ 3 khác có quan hệ với Mỹ?
Điểm chung của ông Trump và ông Biden đều muốn Mỹ với vai trò dẫn dắt thế giới. Tuy nhiên, chính sách thương mại và đối ngoại của ông Biden có thể sẽ mềm mỏng và ôn hoà hơn. Muốn dẫn dắt thế giới thì quan điểm của ông Biden không đi một mình mà tập hợp lực lượng với các đồng minh nhằm tăng sức manh.
Vai trò của Mỹ với các tổ chức quốc tế có thể sẽ có những thay đổi. Theo giới chuyên gia quốc tế, nhiều khả năng Mỹ sẽ quay lại WHO, quay lại Hiệp định TPP nay là CPTPP cho dù phải cân nhắc rất kỹ. Khi Mỹ quay lại TPP thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ. Trong hiệp định TPP sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn các ưu đãi về đầu tư. Điều này cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ Mỹ vào các quốc gia khác TPP trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực thì đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam khởi sắc hơn. Môi trường đầu tư Việt Nam tốt hơn thì các nhà đầu tư Mỹ cũng sẽ quan tâm đến Việt Nam hơn.
HỢP TÁC THEO HƯỚNG WIN - WIN
Tuy nhiên, đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI của Mỹ sang các nước ngoài Trung Quốc không chỉ có Việt Nam mà còn có các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia...? Làm thế nào cạnh tranh được với các quốc gia này?
Ấn Độ hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ hơn mình vì quy mô nền kinh tế họ lớn hơn nhiều, dân số đông, trình độ nguồn nhân lực khá hơn Việt Nam, hệ thống đào tạo kỹ sư của họ tốt.
Có ba điều quan trọng trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam: Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ; Tính minh bạch; Sự thay đổi thường xuyên của hệ thống pháp luật về chính sách đầu tư cũng khiến họ e ngại. Các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam thường yêu cầu môi trường đầu tư khắt khe hơn, gần giống với quan điểm đầu tư từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều chương trình nhằm thu hút các tập đoàn lớn như sẵn sàng lắng nghe yêu cầu của họ về cơ chế, chính sách.
Tất nhiên, vẫn phải áp dụng theo phương pháp "may đo" phù hợp. Tức là tôi cho anh ưu đãi về thuế, cơ chế, đổi lại anh phải có tác động, lan toả đến doanh nghiệp trong nước về chuyển giao công nghệ…
Tức là cả kể các nhà đầu tư đến từ Mỹ thì cũng không thể thu hút bằng mọi giá, quan trọng nhất là hợp tác win - win?
Đúng thế. Khi đưa tập đoàn lớn vào Việt Nam thì mình phải lên kế hoạch dài hơi hơn, cụ thể hơn, tính toán xem nếu vào Việt Nam tôi ưu đãi cho ông mức cao nhất thì kèm theo đó tác động của ông lan toả thế nào, hợp tác thế nào để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của họ? Danh tiếng để lại cho Việt Nam những gì khi thu hút các doanh nghiệp như vậy chứ không chỉ đơn thuần chuyện làm công ăn lương.
Có vẻ tham gia chuỗi giá trị sẽ rất khó vì sau bao năm các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc vào Việt Nam thì doanh nghiệp phụ trợ của mình vẫn ít, mức độ tham gia chưa nhiều?
Cách đây 4 năm, tôi tham dự hội thảo của Samsung về việc mời gọi doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam vào hệ thống của họ nhưng không có doanh nghiệp nào đáp ứng được nhu cầu. Tiêu chí họ đưa ra cao mà trình độ mình vẫn thấp, công nghệ lạc hậu. Nhưng giờ thì đã có tiến triển tốt hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đã là nhà cung cấp các cấp 1-2-3 cho Samsung.
Vậy trong thời gian tới, theo ông cần có chiến lược cụ thể thế nào từ phía Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam để công nghiệp phụ trợ Việt Nam tốt hơn, lôi kéo doanh nghiệp Mỹ chú ý nhiều hơn đến Việt Nam?
Thứ nhất, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để họ có vốn, có công nghệ. Chất lượng, giá thành tương ứng hoặc phải rẻ hơn, thời gian cung ứng tốt hơn, ổn định hơn thì sẽ tham gia được vào chuỗi giá trị của các nhà đầu tư nước ngoài gồm cả Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cùng với đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp lớn với vai trò là "sếu đầu đàn" dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ như Vingroup, họ mua công nghệ sản xuất ôtô, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Khi đó, Vingroup hoàn toàn có thể tạo ra doanh nghiệp phụ trợ, hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị của mình. Trước đây khi nói đến phụ trợ thì toàn nghĩ phụ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tại sao không nghĩ là phụ trợ cho tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam để cùng nhau phát triển?
Vừa rồi ta có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng chúng tôi cũng đề xuất với doanh nghiệp lớn, phải có luật điều chỉnh hoạt động của họ, có hành lang pháp lý để họ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
THU HÚT VỐN CHỈ CẦN VỪA ĐỦ VỚI NĂNG LỰC HẤP THỤ
Ông đã từng làm việc với các nhà đầu tư Mỹ chưa, họ mong muốn thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam?
Họ muốn Việt Nam có pháp luật ổn định, minh bạch hơn, quyền sở hữu trí tuệ. Những vấn đề này Mỹ họ quan tâm rất nhiều. Công ty Mỹ họ khó giải trình những chi phí không chính thức. Theo khảo sát của VCCI các chi phí không chính thức thời gian gần đây giảm nhưng vẫn còn.
Để giới thiệu các doanh nghiệp FDI đến từ Mỹ thì theo ông Việt Nam có lợi thế nào nổi bật nhất so với các quốc gia khác?
Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực kỹ thuật cao giá rẻ, các kỹ sư chất lượng cao nhận lương 20 -30 triệu trong khi các quốc gia khác phải trả đắt hơn nhiều. Vị trí địa lý của Việt Nam cũng được đánh giá là thuận lợi khi xuất khẩu hàng hoá sang các khu vực khác, là cửa ngõ của ASEAN đi châu Âu. Kinh tế chính trị ổn định, an ninh đảm bảo.
Quan trọng nhất Việt Nam hội nhập sâu và rộng, nền kinh tế Việt Nam khi tham gia các FTA có độ mở cao. Khi các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam thì họ có thể được hưởng thuế quan khi xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam có FTA.
Có thể kỳ vọng sẽ có một làn sóng FDI từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới, các nhà đầu tư Mỹ sẽ vươn lên số 1 đầu tư vào Việt Nam?
Rất khó. Nếu làm được việc đó thì tốt. Vì tốt cho nhiều thứ, cho cả vấn đề kinh tế - xã hội.
Nhưng thực ra, dòng vốn FDI lớn quá mà không hấp thụ thì không hẳn tốt. Chỉ nên thu hút lượng vốn FDI vừa phải so với năng lực hấp thụ của mình, làm sao doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn là tốt nhất.