19:01 11/11/2020

Cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế, đất đai là "cuộc đua xuống đáy"

Phúc Minh

Các nước ASEAN đang cạnh tranh nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thay vì chú trọng vào yếu tố chủ chốt trong việc quyết định khu vực đầu tư FDI là xây dựng môi trường kinh doanh, các Chính phủ trong khu vực lại đang áp dụng những chính sách thuế chỉ có lợi cho các công ty lớn của nước ngoài.

Phát hiện này được công bố tại Hội thảo "Hướng tới thu hút FDI bền vững tại ASEAN: Môi trường kinh doanh là động lực chính" tại Hà Nội ngày 11/11.

CẠNH TRANH VỀ ƯU ĐÃI THUẾ VÀ ĐẤT ĐAI LÀ CUỘC ĐUA XUỐNG ĐÁY

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các quốc gia khối ASEAN đã cạnh tranh nhau trong cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia mà không đem lại lợi ích thực sự.

Cụ thể, thay vì chú trọng vào yếu tố chủ chốt trong việc quyết định khu vực đầu tư FDI là xây dựng môi trường kinh doanh, các Chính phủ trong khu vực lại đang áp dụng những chính sách thuế chỉ có lợi cho các công ty lớn của nước ngoài.

Trong vòng 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Ngoài việc cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, việc áp dụng các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận để thu hút FDI, như ân hạn thuế, cũng rất phổ biến ở quốc gia ASEAN.

Thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo, TS Phạm Văn Long chỉ ra điều đáng lo ngại là chi phí của các ưu đãi thuế dư thừa có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế.

Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia và 1% GDP ở Việt Nam và Philippines.

Bên cạnh các ưu đãi về thuế, việc sử dụng các ưu đãi phi thuế cũng phổ biến ở các nước ASEAN và góp phần làm trầm trọng thêm cuộc đua xuống đáy trong khu vực. Cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi phi thuế được thể hiện rõ nét ở các ưu đãi về đất đai.

Các hình thức cho thuê đất dài hạn có mặt ở tất cả các quốc gia ASEAN, Thái Lan thậm chí còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đất trong một số trường hợp đặc biệt. Việt Nam và Lào miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án đầu tư ở vùng sau vùng xa hoặc đẩy mạnh hoạt động sản xuất

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, trong khi cạnh tranh về môi trường kinh doanh là cuộc đua để dẫn đầu, cạnh tranh về các ưu đãi thuế và đất đai là một cuộc đua xuống đáy. "Việc cấp ưu đãi đất đai, đặc biệt là kéo dài thời hạn thuê đất, thiếu minh bạch, có thể làm tăng nguy cơ tham nhũng".

MIỄN TIỀN THUÊ ĐẤT NÊN LOẠI BỎ KHỎI GÓI ƯU ĐÃI ĐẤT ĐAI

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, những ưu đãi thuế và phi thuế không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn thu nội địa của các quốc gia, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu nhằm chống đói nghèo và giảm bất bình đẳng.

Trong khi đó, chỉ số về môi trường kinh doanh mới là các nhân tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư FDI.

Một điểm đáng chú ý nữa trong báo cáo đưa ra là không có bằng chứng nào cho thấy ưu đãi thuế và phi thuế, đặc biệt là ưu đãi đất đai, được các nhà đầu tư nước ngoài coi là yếu tố then chốt trong quá trình họ đưa ra quyết định. "Trên thực tế, ưu đãi thuế thậm chí còn có thể trở thành trở ngại trong một số trường hợp nhất định", Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhận định.

Từ những gì đang diễn ra, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều khuyến nghị cho các quốc gia ASEAN. Trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến việc phải lập danh sách đen về ưu đãi thuế có hại.

Danh sách đen nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, ví dụ các ưu đãi thuế tạo ra mức thuế suất thấp cho lợi nhuận chịu thuế như ân hạn thuế, miễn thuế, chuyển lỗ, và thuế suất ưu đãi. Từ đó, đưa ra lộ trình loại bỏ những ưu đãi này trong khu vực.

Đồng thời, ASEAN nên thống nhất một danh sách trắng quy định những ưu đãi thuế có thể được cho phép và chấp nhận áp dụng.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, cần ngăn chặn cuộc cạnh tranh trong việc đưa ra các ưu đãi đất đai. Các quốc gia cũng nên áp dụng cách tiếp cận vùng đối với tiêu chuẩn chuyển nhượng đất, đặc biệt là nhất trí về thời hạn thuê đất tối đa là 50 năm cho khu vực. Chính phủ nên cho phép điều chỉnh giá thuê theo chu kỳ năm năm thay vì ấn định giá thuê cho cả thời gian thuê.

Ngoài ra, để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy, các nước ASEAN cần quy định một mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu và đảm bảo không đưa ra các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khiến cho thuế trung bình thực nộp hạ xuống dưới mức thuế suất tối thiểu. Tỷ lệ thích hợp được đề xuất nằm trong khoảng 12,5% đến 20%.

Ông Mustafa Talpur, Quản lý cấp khu vực Chiến dịch Thu hẹp khoảng cách, Oxfam tại châu Á cũng nhấn mạnh, đã đến lúc phải nhìn nhận rằng các ưu đãi thuế và phi thuế đang làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội và không phải là chìa khóa hướng tới đầu tư nước ngoài bền vững.

Do đó, mỗi chính phủ cần có nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho y tế và giáo dục cũng như các dịch vụ công khác nhằm đầu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng.