13:33 07/07/2023

Các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác quản lý hóa chất và rác thải nhựa

Nhĩ Anh

Hóa chất và chất thải, trong đó có chất thải nhựa, đã trở thành một trong những vấn đề môi trường toàn cầu cấp bách nhất. Ước tính, nhựa chiếm tới 80% tổng số rác thải biển ở các đại dương. Chỉ riêng tại 6 trong số 10 nước ASEAN đã tạo ra hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm...

Hợp tác quản lý hóa chất và chất thải “vì một ASEAN xanh hơn”.
Hợp tác quản lý hóa chất và chất thải “vì một ASEAN xanh hơn”.

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác với ASEAN về môi trường năm 2023, từ ngày 5-7/7/2023 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (AWGCW-8) với chủ đề “vì một ASEAN xanh hơn”.

Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam- ASOEN Việt Nam) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức nhằm đánh giá lại các hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN về các hoạt động hợp tác về hóa chất và chất thải trong năm qua, thảo luận và định hướng thống nhất nguyên tắc các nội dung hợp tác giữa các nước thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do hóa chất và chất thải đang trở thành một trong những thách thức về môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hành tinh, trong đó có khu vực ASEAN.

 
Môi trường liên quan đến hóa chất, chất thải đang là vấn đề “nóng” với các nước ASEAN, cũng như thế giới. Xử lý ô nhiễm hóa chất, chất thải nhựa không chỉ một quốc gia mà cần hợp tác khu vực cùng giải quyết, cùng hướng tới cộng đồng ASEAN xanh hơn.

Việt Nam mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế và tăng cường hợp tác trong ngăn chặn vận chuyển xuyên biên giới trái phép các hóa chất và chất thải nguy hại phù hợp với các khuôn khổ quốc tế.

Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thân thiện với môi trường đối với các hóa chất và chất thải nguy hại trong suốt vòng đời và giảm thiểu chất thải theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tuân thủ các khuôn khổ pháp lý và chính sách quốc gia hiện có. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý các chất POP và chất thải thông qua việc nội luật hóa các quy định của các Công ước vào các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các hóa chất và chất thải đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Hóa chất 2007 (đang được Chính phủ sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội) và các văn bản pháp luật hiện hành.

Việt Nam cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các quốc gia ngoài ASEAN, các đối tác quốc tế. Qua đó, đạt được quản lý an toàn về môi trường đối với các hóa chất, chất thải độc hại và chống lại việc vận chuyển bất hợp pháp các hóa chất, chất thải nguy hại vào khu vực hiệu quả hơn…

Theo ông Achmad Gunawan Widjacsono, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải rắn và các chất nguy hại, Bộ Môi trường và Rừng Indonesia, hóa chất và chất thải, trong đó có chất thải nhựa, đã trở thành một trong những vấn đề môi trường toàn cầu cấp bách nhất. Ngân hàng Thế giới ước tính, nhựa chiếm tới 80% tổng số rác thải biển ở các đại dương. Chỉ riêng tại 6 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN đã tạo ra hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng, đô thị hóa và gia tăng dân số dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ và sản xuất nhựa, kéo theo sự gia tăng phát sinh chất thải nhựa trong khi tỷ lệ tái chế thấp. Bên cạnh đó, có sự gia tăng nhập khẩu phế liệu nhựa.

Ông Achmad Gunawan Widjacsono nhấn mạnh rằng việc quản lý sau sử dụng không đúng cách chất thải này có tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường và sức khỏe của con người. Chất thải nhựa trên đất liền cũng kết thúc ở các đại dương dẫn đến ô nhiễm và hủy hoại các hệ sinh thái ven biển và biển. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn do sự di chuyển xuyên biên giới bất hợp pháp của chất thải nhựa bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại.

Do đó, Hội nghị sẽ thúc đẩy hợp tác ASEAN trong việc giải quyết các thách thức này nhanh nhất trong thời gian tới.

Còn ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chánh văn phòng ASOEN Việt Nam, chia sẻ môi trường liên quan đến hóa chất, chất thải đang là vấn đề “nóng” với các nước ASEAN, cũng như trên thế giới. Vì vậy, hợp tác giữa các nước ASEAN cũng như với các đối tác phát triển trong giải quyết ô nhiễm hóa chất, chất thải có ý nghĩa rất quan trọng. Xử lý ô nhiễm hóa chất, nhựa không chỉ một quốc gia mà cần hợp tác khu vực cùng giải quyết, cùng hướng tới cộng đồng ASEAN xanh hơn. Qua các hội nghị sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác, triển khai dự án cụ thể, giải quyết các vấn đề ô nhiễm hóa chất, chất thải.

Các kết quả của Hội nghị AWGCW-8 gồm Báo cáo của Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải lần thứ 8 được các nước ASEAN thông qua; Dự thảo Tuyên bố chung của ASEAN gửi Hội nghị các bên tham gia các các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được trình lên Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) tại Indonesia vào tháng 8 tới để làm các thủ tục tiếp theo theo quy định của ASEAN. Kết quả của Hội nghị cũng sẽ góp phần xây dựng một khu vực ASEAN xanh và bền vững hơn.

Về nội dung hợp tác ASEAN về hóa chất và chất thải với các đối tác đối thoại/phát triển và các cơ quan chuyên ngành khác, các đại biểu đã chia sẻ về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon; giảm thiểu rác thải đại dương tại khu vực ASEAN thông qua xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia và cách tiếp cận chính sách tổng hợp từ đất liền đến đại dương; xây dựng Trung tâm kiến thức khu vực về rác thải nhựa biển.

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng giới thiệu về Chương trình về rác thải nhựa biển Đông Nam Á; Chương trình Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường và rạn san hô; Sáng kiến nhóm xanh ASEAN và đề xuất tăng cường năng lực về quản lý chất thải nhựa bền vững...