Phát triển bảo vệ môi trường thành ngành kinh tế mới
Với mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hoà với tự nhiên...
"Quy hoạch bảo vệ môi trường thể hiện tư duy tiên phong, dẫn dắt phát triển xanh, đầu tư vào tự nhiên, tạo ra những ngành công nghiệp không khói, tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm này tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chiều ngày 3/7.
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước dựa trên sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường theo lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường hướng tới thực hiện xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Theo Phó Thủ tướng, môi trường là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, bên cạnh việc thẩm định, nội dung Quy hoạch cần được tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa với cách tiếp cận đa ngành, đa vùng.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học hiện nay, "bài toán" môi trường phải được đặt ra trong quá trình phát triển. Quy hoạch cần cập nhật theo mô hình tăng trưởng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu một số nhiệm vụ chính trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết là gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn những khu vực có cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học quan trọng. Từng bước phục hồi những khu vực bị suy giảm chất lượng, ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển. Chủ động phòng ngừa để phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường. Phát triển bảo vệ môi trường thành ngành kinh tế mới thông qua phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi môi trường.
Quy hoạch cũng cần cập nhật các xu thế mới của thế giới về giảm phát thải ròng khí nhà kính; xử lý, tái sử dụng 100% nước thải; thể chế hoá nội dung Nghị quyết 24 Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Quy hoạch không chỉ đề ra không gian, lộ trình thực hiện, mục tiêu ưu tiên mà phải có cả chính sách, giải pháp để thực hiện", Phó Thủ tướng nói.
Quy hoạch cần bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, tương hỗ, không để xảy ra xung đột với quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia của các ngành, lĩnh vực… góp phần bảo đảm sự thống nhất giữa môi trường và các lĩnh vực kinh tế, xã hội nằm trong tổng thể, bao trùm của không gian sinh tồn, phát triển.
Phó Thủ tướng nêu quan điểm, với mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp thì vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hoà với tự nhiên. Vì vậy, Quy hoạch bảo vệ môi trường phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa đối với những tác động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Quy hoạch bảo vệ môi trường cần giải quyết mối quan hệ với quy hoạch ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội khác theo hướng là mục tiêu, động lực, yêu cầu phát triển. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường phải được thực hiện trước khi triển khai các dự án kinh tế, xã hội, mặt khác phải đồng bộ, nhịp nhàng với lộ trình quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế theo hướng "thuận thiên" bền vững; cải thiện và phục hồi các khu vực ô nhiễm, suy thoái, nhất là những giá trị, hệ sinh thái cốt lõi của Việt Nam.
Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường phải khoanh vùng các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý, khắc phục; có giải pháp tái tạo, phục hồi lại những khu vực có tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa đặc thù đối với hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đầu nguồn… và đồng thời phát triển các hoạt động kinh tế dựa vào hệ sinh thái, đa dạng sinh học thay vì chỉ "khoanh vùng, bảo tồn nghiêm ngặt"; định hướng cho các giải pháp kinh tế bền vững khi thực hiện "Net Zero", phát triển năng lượng tái tạo, giao thông vận tải xanh, nước thải tuần hoàn…
Phó Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi cơ bản sang nền kinh tế xanh sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường. Do đó, quy hoạch bảo vệ môi trường phải có các tiêu chí làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép mục tiêu, định hướng bảo vệ, bảo tồn môi trường vào quy hoạch của các ngành kinh tế khác như đất đai, xây dựng, giao thông vận tải… "vừa mở, vừa linh hoạt".
Quy hoạch bảo vệ môi trường là công cụ hết sức quan trọng để thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, là nền tảng giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Quy hoạch thể hiện tư duy tiên phong, dẫn dắt phát triển xanh, đầu tư vào tự nhiên, tạo ra những ngành công nghiệp không khói, tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.