14:03 19/05/2023

Đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính trong giảm thiểu rác thải nhựa

Chu Khôi

Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính giảm ô nhiễm rác thải nhựa ra đời đánh dấu cách tiếp cận phù hợp với xu thế chung của Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP), cũng như sẽ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam…

Lễ ra mắt Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính giảm ô nhiễm rác thải nhựa.
Lễ ra mắt Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Ngày 18/5/2023, tại Hà Nội, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) đã ra mắt Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Ngay sau đó là hội thảo: "Kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính nhằm giảm thiểu rác thải nhựa", do Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên Môi trường), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức.

CHUNG TAY THÚC ĐẨY NHỮNG Ý TƯỞNG, GIẢI PHÁP

Nhóm công tác Chương trình NPAP, bao gồm hơn 30 thành viên là lãnh đạo và đại diện cấp cao từ các bộ, ngành, đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội và tổ chức, được chủ trì bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ban thư ký Chương trình NPAP được điều phối bởi UNDP tại Việt Nam, hướng tới các mục tiêu quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa, định hình nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững hơn.

Trong năm 2023, NPAP Việt Nam tiếp tục hoạt động tích cực trên các lĩnh vực tác động, tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khơi dòng tài chính, song song với hỗ trợ chính sách và phát triển toàn diện, nhằm tiếp cận những giải pháp sáng tạo và khám phá các cơ hội đầu tư mới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết việc thành lập Nhóm Đổi mới sáng tạo và Tài chính là Nhóm kỹ thuật đầu tiên ra mắt và hoạt động trong khuôn khổ Chương trình NPAP nhằm thúc đẩy đổi mới cách thức hoạt động của Chương trình cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sau 2 năm triển khai tại Việt Nam.

Thành viên của Nhóm kỹ thuật bao gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Dow Việt Nam, Unilever, An Phat Holdings, Tái chế Duy Tân, GreenHub, Startup Vietnam Foundation (SVF), Innovation Norway, UNDP, và Ngân hàng Thế giới.

Nhóm kỹ thuật cũng đã thu hút sự tham gia của một số nhà đổi mới sáng tạo thuộc Chương trình “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” do UNDP tổ chức như Galaxy Biotech – đơn vị có thể khuyến khích các nhà sáng tạo đổi mới khác truy cập vào nền tảng NPAP và khám phá cơ hội đầu tư mới.

Bà Mette Møglestue – Phó Đại sứ Na Uy phát biểu tại sự kiện.
Bà Mette Møglestue – Phó Đại sứ Na Uy phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mette Møglestue – Phó Đại sứ Na Uy tại Hà Nội, cho biết “Hệ thống đặt cọc – hoàn trả” (Deposit Return System - DRS) của Na Uy được coi là hình mẫu về thu hồi và tái chế vỏ hộp, là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả trên thế giới, gắn liền cùng cơ chế thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

DRS là hệ thống trong đó người tiêu dùng trả một khoản tiền đặt cọc nhỏ khi mua sản phẩm chai nhựa hoặc lon đồ uống. Phần tiền đặt cọc sẽ được hoàn khi họ mang gửi lại vỏ hộp tại điểm thu gom được chỉ định. Cơ chế này khuyến khích người tiêu dùng hoàn trả các vỏ hộp đựng đã qua sử dụng để tái chế và tái sử dụng, giảm bớt sức ép cho những bãi chôn lấp rác, bảo vệ dòng sông và đại dương khỏi rác thải nhựa rò rỉ.

"Hệ thống đặt cọc – hoàn trả hiệu suất cao có thể thúc đẩy đáng kể sự quay vòng của các loại hộp đựng nước giải khát như chai nhựa, lon nhôm với tỷ lệ thu hồi cao, vừa là phương thức tiếp cận chính giúp Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được thực hiện bởi các doanh nghiệp - là người sản xuất và sử dụng những vỏ lon này", bà Bà Mette Møglestue nhấn mạnh.

DRS ĐẠT TỶ LỆ THU HỒI VỎ CHAI NHỰA LÊN TỚI 80%

Tại Phiên họp đầu tiên của Nhóm kỹ thuật, các đại biểu tham dự hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn về Hệ thống đặt cọc – hoàn trả (DRS), bao gồm lợi ích, thách thức, kế hoạch thí điểm và nghiên cứu khả thi dự kiến để phát triển những khuyến nghị về chính sách áp dụng DRS tại Việt Nam.

Hội thảo cũng thảo luận sâu hơn về kế hoạch hoạt động của Nhóm kỹ thuật NPAP năm 2023, trong đó đề xuất khám phá và tận dụng các nguồn lực hiện có nhằm thúc đẩy hơn nữa những sáng kiến và thực hành tốt về nhựa.

Ông Arne-Kjetil Lian - Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Giám đốc cơ quan Innovation Norway, cho rằng để thực hiện thành công cơ chế EPR, khối tư nhân có vai trò hết sức quan trọng với tư cách vừa là người thực thi chính sách vừa là nhà cung cấp các giải pháp kiến tạo.

Theo ông Arne-Kjetil Lian, đến nay hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đang áp dụng Hệ thống DRS và luôn đạt kết quả rất ấn tượng với tỷ lệ thu thu gom vỏ đồ uống cao hơn 80%. Chính hệ thống DRS đã tạo ra vòng thu hồi khép kín với tỷ lệ thu hồi cao và đảm bảo an toàn vệ sinh của nguyên liệu là nhận tố quan trọng để thực hiện mô hình tái chế “ từ chai sang chai” thành công, từ đó hình thành nền kinh tế tuần hoàn.

Năm 1972 tại Na Uy, hai anh em nhà Tore và Petter Planke đã phát minh ra máy thu gom vỏ chai tự động đầu tiên sau khi một cửa hàng tạp hóa địa phương yêu cầu trợ giúp mua vỏ chai đựng đồ uống. Kể từ đó, Na Uy đã dành hơn 50 năm để cải tiến công nghệ phân loại dựa trên cảm biến và và thu gom của mình cho phép thu hồi các vật liệu có giá trị từ hầu hết các dòng chất thải để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Hệ thống DRS có tỷ lệ thu gom cao và chất lượng hơn so với hệ thống thông thường, vì vậy thu gom bằng hệ thống DRS sẽ tạo ra số lượng chai tái chế gấp ba lần so với hệ thống thu gom thông thường. Đây là điểm mấu chốt để đi đến kinh tế tuần hoàn.