14:19 02/12/2021

Ngành thủy sản “đau đầu” vì rác thải nhựa

Chu Khôi

Cả nước có hơn 100 nghìn tàu thuyền đánh bắt hải sản các loại, mỗi năm thải xuống lòng biển hàng chục nghìn tấn rác thải nhựa. Các Chương trình, mô hình vận động ngư dân thu gom rác thải nhựa đưa vào bờ đã triển khai ở một số địa phương, nhưng lượng rác thải nhựa thực tế được thu gom vẫn rất thấp…

Hội thảo trực tuyến về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản
Hội thảo trực tuyến về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản

Ngày 2/12/2021, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo trực tuyến “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hướng tới kinh tế biển xanh”. 

RÁC THẢI NHỰA “ĐẦU ĐỘC” MÔI TRƯỜNG BIỂN

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản nhận định, các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời đem lại nhiều tiện ích, trở thành một trong những vật liệu không thể thiếu được trong đời sống của con người.

Tuy vậy, những đặc tính bền vững khó phân hủy của nhựa và nilon đang để lại những hậu quả cho môi trường, ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất, tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất trong đo có thủy sản.

Theo ông Tùng, là quốc gia biển, Chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định thủy sản là một trong 6 ngành kinh tế biển then chốt. Sản lượng thủy sản thu hoạch của cả nước năm 2020 đạt 8,4 triệu tấn, trong đó khai thác đạt 3,85 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD.

Ngành thủy sản “đau đầu” vì rác thải nhựa - Ảnh 1

Hiện nay phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên tái tạo trong vòng tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.

Vì vậy, rác thải nhựa cần phải được thu gom coi là nguồn tài nguyên cần tái tạo để sử dụng. Ngăn chặn tác động của rác thải nhựa cần sự chung ta từ trung ương đến các địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tập thể cá nhân đang tham gia sản xuất thủy sản.

Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng Phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP Việt Nam, khảo sát ở riêng cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có hơn 10.000 chiếc tàu hàng ngày đi ra biển, mang lượng rác thải gồm vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, túi nilon đựng thức ăn rất lớn. Toàn bộ lượng rác thải này đem thả ra biển, đến nay chưa có một tàu nào đem số rác thải này về.

“Rác thải đó để lại dưới lòng biển. Những vụn nhựa khi cá ăn vào sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho cá, mà sẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho chúng ta khi ăn những hải sản này. Chúng tôi nhìn thách thức đó rất nghiêm trọng”, ông Lai nói.  

Thời gian qua, UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Hiện nay Tổng cục Biển và Hải đảo chịu trách nhiệm thực hiện chương trình này. UNDP tham gia với những mô hình cụ thể, đưa ra những giải pháp thực tiễn để chuyển rác thải vào bờ.

NGƯ DÂN “LƯỜI” THU GOM ĐƯA RÁC THẢI NHỰA VỀ BỜ

Ths. Vũ Thị Hồng Ngân, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản đã cập nhật về kết quả khảo sát, đánh giá phát sinh rác thải nhựa từ ngành thủy sản. Theo đó trong ngành hải sản, rác thải nhựa phát sinh từ ngư lưới cụ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và sinh hoạt.

Ngành thủy sản “đau đầu” vì rác thải nhựa - Ảnh 2

Chất thải nhựa trong sinh hoạt trên tàu cá gồm: chai nhựa, túi nilong, vỏ gói mỳ tôm, vỏ hộp sữa, chai dầu ăn… với lượng thải ra khoảng 4-6 kg cho tàu từ 7-10 người trong mỗi chuyến đi biển dài 10-12 ngày.

Cả nước có hơn 35 nghìn tàu cá chiều dài trên 15 m, lượng rác thải nhựa sinh hoạt vào khoảng 5 nghìn tấn/năm. Cùng với đó là hơn 66 nghìn tàu cá có chiều dài dưới 15 m, tính toán lượng rác thải nhựa sinh hoạt từ nhóm tàu này vào khoảng 6-9 nghìn tấn/năm.

Đề cập về vật dụng bằng nhựa bảo quản hải sản trên tàu cá, bà Ngân cho hay, bình quân 1 tàu lưới kéo (giã cào) sử dụng từ 10-20 kg túi nilon trong mỗi chuyến biển; tàu dịch vụ sử dụng khoảng 50kg túi nilon trong 1 chuyến biển; tàu khai tác xa bờ sử dụng từ 1.000-20.000 khay nhựa (1,2kg/1khay) để bảo quản hải sản.

Ngư lưới cụ trong tàu cá khai thác thuỷ sản xa bờ (trên 15m dài) trung bình từ 600-1.500kg/tàu (đặc biệt nghề lưới rê (xù) lên tới 2 tấn). Tỷ lệ thất lạc ngư lưới cụ của các tàu cá vào khoảng 3-5%/năm, tương đương với 1-3 ngàn tấn/năm.

Ngành thủy sản “đau đầu” vì rác thải nhựa - Ảnh 3

Ths. Vũ Thị Hồng Ngân nêu lên một số mô hình thu gom, xử lý rác thải nhựa điển hình tại Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, mô hình thu gom rác thải nhựa tại các tàu cá ở Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Đồng thời, chỉ ra những khó khăn quản lý và kiểm soát chất thải nhựa trong ngành thuỷ sản.

"Có những lỗ hổng về pháp luật và việc thực thi chưa nghiêm. Trong khi đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, quy mô sản xuất thuỷ sản nhỏ lẻ manh mún, công tác thanh kiểm tra và giám sát chưa chặt, thiếu công nghệ kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải nhựa", Ths Ngân phản ánh.

Bởi vậy, bà Ngân kiến nghị cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, phân cấp giám sát và tuyên truyền nâng cao nhận thức. Cùng với đó, xây dựng, triển khai các mô hình, đánh giá, tổng kết làm cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách cho hợp lý.

Đại diện Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho hay, vùng nước Âu thuyền ở đây có sức chứa 1.200 tàu thuyền vào neo đậu. Bên cạnh khu vực Âu thuyền và Cảng cá là khu Công nghiệp dịch vụ thuỷ sản gồm hàng chục Doanh nghiệp chế biến thuỷ sản.

Lượng rác thải trên các tàu rất lớn, nhưng do thói quen và điều kiện làm việc, sinh hoạt của ngư dân nên rác thải phát sinh trên tàu cá hầu như không được thu gom, xử lý.

Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã liên hệ và hợp tác triển khai “Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” thuộc Dự án “Đại dương không nhựa”.

Kết quả từ chương trình, rác thải tàu cá mang về bờ chủ yếu là rác thải nhựa gồm chai lọ, bao ni lông, xốp thải… với số lượng khoảng 2-3 kg/tàu chiếm khoảng 20% lượng sản phẩm nhựa có phát sinh rác thải khi mang đi biển. Nguyên nhân ngư dân không mang hết rác thải về bờ là do lượng rác phát sinh lớn, cồng kềnh nên trên tàu không có đủ diện tích để chứa.

Do đó, đại diện Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang kiến nghị, cần phải có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa, cần đưa ra các dụng cụ thích hợp để chứa rác thải nhựa trong thời gian tàu trên biển, Phải có biện pháp thu gom khi về cảng và có các hình thức động viên, khuyến khích cụ thể nhằm tạo cho ngư dân dần dần có thói quen tự giác trong việc giảm thiểu rác thải nhựa góp phần hướng tới kinh tế biển xanh.