“Cán bộ đâu phải có xe riêng mới oách!”
Theo dự thảo một nghị định mới, từ thứ trưởng trở xuống sẽ thực hiện khoán xe công
Chi phí cho một chiếc xe phục vụ chức danh là quá lớn, nên thực hiện sớm chủ trương khoán xe công, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Quang Chiểu bình luận với VnEconomy bên hành lang Quốc hội.
Ông Chiểu nói:
- Đánh giá uy tín thì người ta nhìn vào việc mình làm, ở năng lực công tác, chứ là cán bộ ở trong cơ quan nhưng ra ngoài cũng là người dân cả, đâu phải cứ có xe riêng mới là oách!
Chi phí cho một chiếc xe phục vụ chức danh là quá lớn
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách vừa qua có nêu: "Nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua xe ôtô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi". Là thành viên của cơ quan thẩm tra, ông có thể nói cụ thể hơn về chủ trương này?
Theo dự thảo nghị định về khoán phương tiện công của Chính phủ thì từ bộ trưởng trở lên là không đặt vấn đề khoán mà chỉ đặt vấn đề từ thứ trưởng và tương đương trở xuống.
Vậy nên với những người dưới cấp bộ trưởng thì chờ nghiên cứu làm nghị định khoán xe để việc này trở thành bắt buộc nên không mua xe mới.
Hiện Cục Công sản của Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định đó giúp Chính phủ.
Thế nên hiện giờ quy định đó chưa phải là bắt buộc nhưng thứ trưởng hoặc chức danh tương đương thì cũng chưa đặt vấn đề mua xe vì hiện tại dư luận, báo chí đã nói nhiều đến việc lạm phát xe công, giờ còn thừa nhiều thì đặt vấn đề mua xe làm gì.
Vừa qua việc khoán xe công cũng được dư luận quan tâm, cũng đã có một số thông tin ông thứ trưởng này đi taxi đến trụ sở, thứ trưởng kia quá giang xe của con đi làm, nhưng sau đó mọi việc lại lắng xuống. Đến giờ, ông đánh giá chủ trương này thế nào, có nên thực hiện sớm ngay từ năm sau không?
Cá nhân tôi thì ủng hộ việc nên tiến hành sớm. Tất nhiên, cả một đời cán bộ phấn đấu mới được chế độ đi xe riêng, đó như là sự ghi nhận, tự hào riêng của người ta, nhưng với thế giới, việc đó giờ được nhận thức hết sức bình thường, không nặng như ta.
Về mặt xã hội, nếu gọi là hoà nhập thì đâu cần thiết việc đó, thủ tướng ở các nước ngoài người ta vẫn tự lái xe đi làm bình thường, có gì đâu. Đâu phải cứ là thứ trưởng thì phải có xe riêng cho oai.
Đánh giá uy tín thì người ta nhìn vào việc mình làm, ở năng lực công tác chứ là cán bộ ở trong cơ quan nhưng ra ngoài cũng là người dân cả, đâu phải cứ có xe riêng mới là oách!
Chi phí cho một chiếc xe phục vụ chức danh là quá lớn. Mà chiếc xe cũng chỉ có niên hạn, thời gian của nó, theo quy định lưu hành 10 năm phải thanh lý hoặc chưa tới 10 năm nhưng 20 vạn km cũng phải thanh lý. Nếu đúng như thế thì ông làm hai khoá là tốn mất một chiếc xe.
Mà một cái xe biết bao nhiêu tiền, nuôi nó cũng tốn thêm bao nhiêu nữa, đó là chưa kể chi phí với một người lái xe, cũng phải biên chế, cũng phải trả lương rồi còn về hưu nữa.
Xét về mặt hiệu quả thì nên khuyến khích, chỉ có điều việc khoán xe chưa thành bắt buộc nên trong tâm lý người này người kia thực hiện vẫn chỉ là thăm dò, tâm lý vẫn chưa thông, người nọ nhìn người kia thôi chứ nếu bắt buộc điều đó thành chuyện bình thường.
Vấn đề cơ bản nhất vẫn là khoán biên chế
Tình hình ngân sách theo nhận xét của ông thì vẫn rất là khó khăn. Vậy ngoài việc khoán xe thì có giải pháp nào giảm chi thường xuyên để tiết kiệm cho ngân sách nữa không, thưa ông?
Nếu tiến bộ ra thì chi phải tính đến hiệu quả, chi gắn với đầu ra.
Ví dụ một trường đại học đào tạo được bao nhiêu cử nhân, bao nhiêu thạc sỹ, tiến sĩ, giáo sư thì ngân sách cấp cho bằng ấy. Về lý thuyết thì phải như thế. Trên thế giới cũng có một số nước làm vậy, mình thì chắc còn khó. Bây giờ chi thường xuyên của mình vẫn đang chiếm tỷ lệ cao quá, mà cái khó chính yếu nhất vẫn là tổ chức bộ máy.
Chi thường xuyên ngày càng cao, nhưng dành cho lương là cơ bản. Ví dụ ngành giáo dục, tới 99% chi là dành cho lương giáo viên. Vậy nên vấn đề cơ bản nhất vẫn và sắp xếp bộ máy cho tinh gọn và trong cơ quan vẫn là khoán biên chế.
Tôi cho anh cơ số biên chế đó và từ đó khoán cho anh bằng tiền. Biên chế chỉ là định hình khi xây dựng khoán thôi, nhưng cơ quan anh đáng ra có 7 biên chế chẳng hạn, thì anh chỉ nhận 4-5 người miễn vẫn đảm bảo công việc, sẽ giảm được số tiền chi của Nhà nước.
Nhưng nói thế thôi, từ khi phát động tinh giản biên chế đến giờ thì tổng biên chế toàn quốc vẫn tăng lên hàng năm, có giảm được đâu. Bộ máy không giảm, cục, tổng cục thì nở ra, vụ trưởng vụ phó đều như thế, nhìn báo cáo của bộ nội vụ là thấy… muốn giảm chi thường xuyên như vậy khó lắm.
Liên quan đến việc bổ nhiệm ồ ạt, không đúng tiêu chuẩn, vừa rồi qua ý kiến cử tri thì Quốc hội cũng đã có yêu cầu Chính phủ có báo cáo riêng về vấn đề này, báo cáo đã đến tay đại biểu chưa, thưa ông?
Nhận được rồi, nhưng báo cáo về các trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm thì chụp dấu mật.