22:20 28/06/2024

Cần định giá quyền khai thác khoáng sản để tránh thất thoát

Đỗ Phong

Việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết nhưng khá phức tạp và cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật. Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo luận tại hội trường chiều ngày 28/6/2024 về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, vấn đề đấu giá khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như định giá quyền khai thác khoáng sản, tránh thất thoát tài sản được đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.

TỶ LỆ CẤP PHÉP KHAI THÁC THÔNG QUA ĐẤU GIÁ RẤT THẤP

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh, nhận xét báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 cho thấy việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp.

Đại biểu dẫn trả lời chất vấn ngày 4/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tỷ lệ đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp vì Bộ thực hiện theo Nghị định 158 năm 2016 đã quy định 7 trường hợp không đấu giá và Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, Điều 104 dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158 có quy định rộng hơn và khái quát hơn, đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết và quyết định.

Đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh: "Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản".
Đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh: "Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản".

“Nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ khó chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc có hình thức thực hiện phù hợp khác nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia”, đại biểu Hậu nhấn mạnh.

Ví dụ, điểm b Điều 104 quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác là khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản. Đại biểu cho rằng quy định như thế là đúng để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho dự án chế biến nhưng nếu chỉ quy định như thế thì chưa đủ.

Theo đại biểu, quyền khai thác khoáng sản ở khu vực này cần được định giá phù hợp và đưa vào giá dự toán để tổ chức đấu thầu thực hiện dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Như vậy, dù không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt thất thoát.

 
"Khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp tương xứng với giá trị vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển của đất nước".

Bên cạnh đó, theo quy hoạch hiện hành, các khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản sẽ không phải đấu giá quyền khai thác. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp, nhất là trong điều kiện thăm dò khoáng sản hết sức khó khăn trước đây.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi chất vấn về trường hợp các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò xong có giấy phép khai thác nhưng không được tự triển khai các dự án khai thác được do nhiều nguyên nhân thì có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác không? Bộ trưởng cho biết có thể đưa ra đấu giá khi xác định doanh nghiệp không thể thực hiện tổ chức khai thác.

Đại biểu cho rằng trong thực tế với trường hợp này có rất nhiều tình huống cần được lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực. Ví dụ, doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để triển khai khai thác…

“Theo tôi, đây là cách làm mở hướng cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác và chế biến khoáng sản nhưng như vậy, doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá mà vẫn đương nhiên được khai thác”. Với trường hợp này, ông Hậu cho rằng cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy việc định giá tài sản và định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn mặc dù đã có những quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm và không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, bị vào vòng lao lý. Do đó, việc định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết nhưng khá phức tạp và cần được nghiên cứu, quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/6.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/6.

Vì vậy, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản.

Cùng quan tâm vấn đề đấu giá khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Tp.Hồ Chí Minh, dẫn chứng tại hội thảo ngày 14/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong 441 giấy phép khai thác do Bộ này cấp thì chỉ có 10 giấy phép thông qua đấu giá (2,2%). Còn ở địa phương, trong 5.200 giấy phép khai thác chỉ có 827 giấy phép thông qua đấu giá 16%).

Như vậy, trên cả nước chỉ có 14,8% đấu giá và tỷ lệ cấp phép xin- cho rất cao, trong khi một số kết quả đấu giá cho thấy đã tăng từ 20-40%, đại biểu nhận xét.

Đại biểu cũng đặt vấn đề khi đấu giá thì xác định giá khởi điểm như thế nào? Theo tài liệu, Nghị định hướng dẫn “giá khởi điểm đấu giá thấp nhất bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, nhưng Thông tư liên tịch số 54 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn là “bằng tiền khai thác khoáng sản”.

Theo dự luật này, nếu Điều 106 quy định giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá, thì vẫn không khắc phục được tình trạng thất thoát, đại biểu nói.

ĐỀ XUẤT MỚI VỀ THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Về tài chính cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, nhấn mạnh khoáng sản là tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Vì vậy, muốn được khai thác, nhà đầu tư phải chịu phí do Chính phủ quy định, ngoài tiền thuế, luật hiện hành đã có quy định, không bất cập, không thể bỏ được, nếu bỏ Nhà nước bị thất thu ngân sách.

Về phương pháp xác định, phương pháp thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng và thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác là phù hợp. Bởi theo ông Hòa, việc nộp tiền theo năm sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế chi phí, thời điểm bắt đầu triển khai dự án quyết toán tiền theo sản lượng thực tế sẽ công bằng hơn, khi thăm dò sản lượng được chính xác.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/6.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/6.

Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư cũng như của Nhà nước khi trữ lượng khai thác có thể không chính xác lúc khảo sát, thăm dò. Nếu trong quá trình khai thác bị vướng giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ do khách quan, Nhà nước có thể cho nhà đầu tư chậm nộp tiền để giảm bớt khó khăn, thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước, đại biểu nói.

Đề cập là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đoàn Quảng Ninh, đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong lần sửa đổi Luật Khoáng sản, đó là quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Đại biểu cho rằng quy định này sẽ khắc phục được hạn chế của quy định cũ là tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, mà trữ lượng này thường hay bị sai số.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đoàn Quảng Ninh.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đoàn Quảng Ninh.

Với những quy định hiện hành về tiền cấp quyền khoáng sản sẽ gây khó khăn, sự không công bằng cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đồng thời chưa đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo biểu băn khoăn với nội dung sửa đổi lần này thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lại giống như thuế tài nguyên. Vì về bản chất là giống nhau, đều là một khoản tiền để nộp vào ngân sách nhà nước, cũng thu theo năm và cũng tính theo sản lượng khai thác thực tế.

Hơn nữa, khi thay đổi cách tính, cách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo dự thảo luật thì ý nghĩa của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước đây đặt ra ở trong luật hiện hành để chống đầu cơ trong khai thác có lẽ không còn nữa.

Đại biểu phân tích, theo nghiên cứu, trước đây Luật Khoáng sản hiện hành đã đưa vào khoản tiền này để tránh đầu cơ, buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác phải khai thác chứ không chỉ tích trữ.

Do đó, đại biểu đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào thuế tài nguyên để thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cũng như tiết kiệm chi phí nhân lực trong quản lý nhà nước và quan trọng là không mất, không giảm nguồn thu từ khai thác khoáng sản để nộp vào ngân sách nhà nước.