07:44 21/06/2024

Đề xuất mới về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Đỗ Phong

Luật Địa chất và khoáng sản có nhiều điểm mới, trong đó có đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 20/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Dự thảo Luật gồm 12 chương với 117 điều, tăng 1 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010, quy định cụ thể về chiến lược, quy hoạch địa chất, hoáng sản; điều tra cơ bản về địa chất; điều tra địa chất về khoáng sản; hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản…

CHO PHÉP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THẾ CHẤP, GÓP VỐN QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó có việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa bảo đảm tính chính xác; trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền…

Do đó, việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa được khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Thông tin về những điểm mới của dự thảo luật, ông Khánh cho biết dự thảo luật quy định điều tra cơ bản về địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản…

Bên cạnh đó, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng hồ, lòng sông, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Dự thảo cũng đề xuất tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Đặc biệt, dự thảo luật quy định cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản. Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Liên quan phân công quản lý về quy hoạch khoáng sản, dự thảo Luật đề xuất gộp 3 quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thành 2 quy hoạch: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I và Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh lập, trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.

Về phân cấp quản lý, dự thảo Luật bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các nội dung: phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương; quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

HAI Ý KIẾN VỀ PHƯƠNG THỨC THU, NỘP TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Thẩm tra dự án Luật, về phân nhóm khoáng sản, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản thống nhất với quy định phân 4 nhóm khoáng sản như dự thảo Luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết có ý kiến cho rằng một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các loại khoáng sản nhóm IV và làm rõ nội hàm khoáng sản “chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp” để đơn giản hóa thủ tục khai thác cát sông, cát biển làm vật liệu san lấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ việc phân nhóm khoáng sản để áp dụng quản lý trong trường hợp mỏ có nhiều loại khoáng sản khác nhau; tiêu chí phân nhóm khoáng sản gắn với tiềm lực vị thế quốc gia, khoáng sản chiến lược gắn với quốc phòng, an ninh như đất hiếm, urani…

Do đó cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến.

Đối với quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ông Huy cho biết có ý kiến tán thành quan điểm của Chính phủ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự thảo luật.

Lý do vì khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vì vậy, nhà đầu tư phải trả một khoản tiền để được thực hiện quyền khai thác.

Ngoài ra, cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế; Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước. Tiền cấp quyền khai thác đã được quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành và trong thời gian qua, ngân sách nhà nước đã thu được số tiền lớn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ông Huy thông tin, đa số thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quan điểm của Chính phủ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Quốc hội về kinh nghiệm quốc tế với nội dung tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tổng kết tình hình thực hiện tiền cấp quyền khai thác các loại tài nguyên trong thời gian qua. 

Về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có ý kiến cho rằng quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại dự thảo Luật là phù hợp.

Các ý kiến này cho rằng tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Bên cạnh đó, việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng với thuế tài nguyên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế vì việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản không bảo đảm chính xác, có thể rủi ro cho tổ chức, cá nhân...

Ông Huy cho biết, kết quả lấy phiếu xin ý kiến thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nội dung trên cho thấy, có 53,5% đồng ý với ý kiến thứ nhất; 39,5% đồng ý loại ý kiến thứ hai.

Có ý kiến đề nghị đối với thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng nên thu tiền cấp quyền theo đợt (2-3 đợt) thay cho việc thu theo năm, không nên quyết toán theo thực tế vì không phù hợp với bản chất...