Cần kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động vượt khó
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn hiện nay...
Ngày 25/5/202, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022…
DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN, ĐÓNG CỬA, SỐ LƯỢT RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN TĂNG
Hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn. Đại biểu Trương Quốc Huy (Hà Nam), tăng trưởng quý 1/2023 chỉ 3,32%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngay như tại Hà Nam là địa phương nhiều năm có mức tăng trưởng hai con số, nhưng riêng quý 1/2023 cũng chỉ tăng 4,04%. Đây là con số rất thấp, trong đó tăng trưởng về công nghiệp và xuất khẩu nhìn thấy giảm rõ rệt.
Đặc biệt đại biểu này cho hay, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi nhiều năm trước thường trong tình trạng thiếu lao động để dồn lao động cho các khu công nghiệp. Hiện nay lại có hiện tượng người lao động không có việc làm. Trong hơn 8 năm qua mới xảy ra hiện tượng người lao động không có việc làm, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), năm 2023, tác động từ bên ngoài và vấn đề nội tại của chúng ta chưa khắc phục triệt để, nên ngay từ đầu năm, nền kinh tế đã gặp nhiều khó khăn. Do đó, đánh giá tình hình kinh tế năm 2023 và 6 tháng đầu năm phải có cách nhìn khách quan, đánh giá phải nhìn nhận tác động cả bên ngoài, bên trong.
Ví dụ như số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm rất nhiều, số lượng công nhân đăng ký thất nghiệp rất nhiều. Chỉ trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Đây là con số đáng buồn. Động lực phát triển công nghiệp phía Nam cực tăng trưởng là Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phản ánh, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử.
Đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanhh niên. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.
CẤP BÁCH KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
Tình trạng từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp…Nêu tình trạng, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho biết, nguyên nhân là do biến động từ tình hình kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề trong nước làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Sỹ cùng các đại biểu cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân (Quảng Ninh) nêu thực tế vấn đề thiếu việc làm, giãn giảm giờ làm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Hiện nay, lãi suất vay ngân hàng cao cộng với những khó khăn chung, thiếu đơn hàng nên nhiều doanh nghiệp tạm dừng, giãn sản xuất.
Đại biểu cho rằng cần phải đánh giá cụ thể, rõ hơn bức tranh các vấn đề khó khăn vướng mắc các địa phương và doanh nghiệp đang gặp phải để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) nêu rõ, trong năm 2022 và đầu năm 2023, theo các đánh giá, tình hình kinh tế khó khăn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như chính sách tiền tệ, tài khóa nhiều năm nay đã “gồng” hết sức, chính sách tiền tệ đã cố gắng hạ mức lãi suất như thời gian qua. Song qua tiếp xúc cử tri, đại biểu nhận thấy doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.
Theo đại biểu, nguyên nhân do một mặt cơ quan quản lý cố gắng chỉ đạo hạ lãi suất nhưng với mức đó để doanh nghiệp vay được vốn rất khó.Mặt khác, đó là vướng mắc về thủ tục vay vốn, trong khi có ngân hàng thương mại lại yêu cầu nhiều khoản phí hay các quy định nhỏ khác...
Trước tình hình đó, theo đại biểu, việc Chính phủ trình chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng là cấp thiết và đúng đắn để giúp doanh nghiệp phục hồi kịp thời. Tuy nhiên, chính sách cần ổn định vì nếu đã giảm thuế 6 tháng năm 2022 nhưng lại dừng trong 6 tháng và lại áp dụng tiếp cho 6 tháng cuối 2023 sẽ dẫn đến triển khai khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm, việc giảm 2% thuế VAT sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển. “Khi doanh nghiệp phục hồi, phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để bù đắp cho phần ngân sách thiếu hụt”, đại biểu nói.
Cho rằng việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian 6 tháng là hơi ngắn khi mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm, đại biểu Cường đề nghị dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là “có thể tiếp tục kéo dài”.
Trước những tác động khó khăn hiện nay, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải có những giải pháp tích cực. “Tôi tin nếu có giải pháp đồng bộ, thích hợp thì quý 2, 3, 4 có thể bứt phá”, đại biểu nói.
Theo đó, đại biểu đưa ra các nhóm giải pháp. Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và 1 trong giải pháp chính là giảm VAT. Cùng với đó điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm.
Đại biểu cũng nhấn mạnh giải pháp giải phóng năng lực trong nước là các Tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp startup cần nuôi dưỡng.
Còn theo đại biểu Huy, cần phải có các chính sách hỗ trợ để kích cầu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, như giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng có tính chất kích cầu. Bên cạnh đó phải có các chính sách về tài chính, tiền tệ, trong đó giảm lãi vay. Đại biểu Huy cũng đồng tình việc nới lỏng tín dụng nhưng trong khả năng kiểm soát được để đảm bảo không xảy ra những rủi ro, bất ổn cho nền kinh tế.
“Phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với cơ chế thông thoáng, lãi vay thấp. Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp không cao nhưng phải trả từ 12- 13% cho chi phí, là khoản chi rất lớn và doanh nghiệp cũng không thể làm được. Nếu không xử lý được vấn đề này thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải “bán mình” và bán cổ phiếu giá thấp, đại biểu nêu. Đồng thời phải quan tâm đến chính sách lâu dài để có những cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, nằm trong chuỗi cung ứng thương mại…
Có đại biểu cho rằng phải làm sao để doanh nghiệp “sống”. Đại biểu kiến nghị Quốc hội có một nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới, bao gồm cả vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu...
Theo các đại biểu, đến nay, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn như ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm nhân lực, việc làm, giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi...