08:10 25/05/2023

Quảng Nam lập tổ "đặc nhiệm" giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp

Ngô Anh Văn

Tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh Quảng Nam có 54 doanh nghiệp giải thể, 631 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý 1 giảm 27,4% so với cùng kỳ...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tổ Công tác đặc biệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tổ Công tác đặc biệt.

Trước tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm 2023 cũng như tình hình thị trường thiếu ổn định, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 974/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn của tỉnh.

Theo Quyết định, Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh làm tổ trưởng, 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh là các ông Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm Tổ phó cùng 11 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Sở, Ban, ngành và địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cho biết sau đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh đang dần hồi phục, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của chính quyền các cấp và các Sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp giải thể, 631 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý I giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%.

Nguyên nhân được xác định là do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng bị thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm…

Riêng đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tiếp tục tăng 193%.

Trước tình hình khó khăn đó, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các các thành viên đã trao đổi, thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ trong thời gian tới, đảm bảo tính hiệu quả trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

“Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh như một “chiến dịch đặc biệt” với những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần vực dậy nền kinh tế sau đại dịch”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong buổi tiếp công dân thường kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong buổi tiếp công dân thường kỳ.

Theo ông Thanh, việc tiếp doanh nghiệp định kỳ là một trong những kênh thông tin để nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn của tỉnh. Việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp sẽ ưu tiên theo thứ tự: Nhóm doanh nghiệp đang hoạt động gặp vướng mắc khó khăn, cần phải tháo gỡ kịp thời; Nhóm các doanh đang trong quá trình triển khai dự án; Nhóm các doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư.

Trong các nhóm doanh nghiệp sẽ chia ra theo từng lĩnh vực; trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp vướng lĩnh vực nào sẽ giao cho các sở, ngành liên quan giải quyết; trường hợp không thể giải quyết được, Tổ sẽ giải quyết.

Song song với đó, Tổ công tác sẽ lập nhóm công việc qua môi trường mạng, kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp, để giải quyết công việc một cách nhanh gọn, hiệu quả. Đồng thời, các buổi tiếp doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương pháp, ngoài các buổi trao đổi trực tiếp, nghiên cứu phương án tiếp qua mạng.

Ngoài ra, Tổ công tác có thành phần là thủ trưởng cơ quan, có thể chịu trách nhiệm trước những “quyết định nóng” được đưa ra ngay trong cuộc họp hàng tháng của Tổ.